Thực đơn cho người cao huyết áp

Cao huyết áp là căn bệnh có thể gây ra nhiều tai biến như suy tim, tai biến mạch máu não, dễ dẫn đến tàn phế hoặc thậm chí tử vong. Trong số các phương pháp điều trị, việc điều chỉnh chế độ ăn, chuẩn bị thực đơn cho người cao huyết áp hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh, giảm nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

1. Sơ lược về cao huyết áp

Huyết áp là sự kết hợp của: Áp lực do tim co bóp để đẩy máu vào động mạch và lực đàn hồi của động mạch. Khi tim co bóp, ta có huyết áp tâm thu. Khi tim nghỉ, ta có huyết áp tâm trương. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu chỉ số huyết áp ở người lớn nằm trong ngưỡng 140/90 mmHg - 159/95 mmHg được coi là tăng huyết áp giới hạn. Nếu chỉ số huyết áp trên 160/95 mmHg được tính là cao huyết áp chính thức. Các cấp độ cao huyết áp gồm:

  • Cao huyết áp độ 1 (nhẹ): Chỉ số huyết áp từ 140/90 mmHg - 159/95 mmHg;
  • Cao huyết áp độ 2 (trung bình): Chỉ số huyết áp từ 160/95 mmHg - 179/100 mmHg;
  • Cao huyết áp độ 3 (nặng): chỉ số huyết áp từ 180/100 mmHg trở lên.

Triệu chứng thường gặp của cao huyết áp là đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mờ mắt, ù tai, mất ngủ, hồi hộp, suy giảm trí nhớ, mệt mỏi, dễ cáu gắt, tay chân tê dại,...


Huyết áp cao gây ra triệu chứng đau đầu
Huyết áp cao gây ra triệu chứng đau đầu

Cao huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường tại các cơ quan:

  • Ở não: Nhức đầu, mau quên, xuất huyết não, nhũn não,...;
  • Ở tim: Tim to, suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim,...;
  • Ở thận: Phù thận, suy thận,...;
  • Ở động mạch: Hẹp hoặc tắc động mạch chi, động mạch đáy mắt gây mù, động mạch cổ,...;
  • Biến chứng khác: Suy giảm khả năng tình dục,...

Trong các bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp là bệnh có nguy cơ tử vong cao. Trong khi đó, việc phát hiện và kiểm soát bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Người bệnh khi đã được chẩn đoán xác định cao huyết áp cần tuân thủ chế độ điều trị nghiêm ngặt, theo dõi huyết áp thường xuyên và thực hiện một chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về huyết áp cao không?

Huyết áp cao còn được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh thường không có triệu chứng. Thiếu hụt kiến thức về huyết áp cao có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là những câu hỏi trắc nghiệm vui giúp bạn hiểu đúng về bệnh cao huyết áp.

2. Lưu ý về chế độ ăn uống cho bệnh nhân cao huyết áp

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới bệnh cao huyết áp như yếu tố tâm lý, xã hội, chế độ ăn uống không khoa học (ăn mặn, uống nhiều trà, cà phê, thuốc lá, rượu bia,...). Vì vậy, một chế độ ăn uống hợp lý là yếu tố quan trọng trong phòng và điều trị bệnh cao huyết áp. Vì vậy, người bệnh cao huyết áp cần:

2.1 Bệnh cao huyết áp nên hạn chế ăn gì?

  • Hạn chế thức ăn giàu chất béo, đặc biệt là chất béo động vật như thịt mỡ, thực phẩm chiên, rán,... và các thức ăn giàu cholesterol như nội tạng động vật (tim, gan, thận,..). Nguyên nhân vì hấp thu nhiều chất béo sẽ làm tăng mỡ máu, thúc đẩy xơ cứng động mạch, làm trầm trọng hơn tình trạng cao huyết áp;
  • Ăn nhạt, hạn chế muối để giảm huyết áp. Vì thành phần chính của muối là natri với khả năng hút nước mạnh. Khi thẩm thấu vào thành động mạch, natri làm động mạch bị co hẹp, tăng sức cản ngoại vi và làm tăng huyết áp. Do đó, người bệnh cao huyết áp không nên hấp thu quá 3g muối/ngày;
  • Ít ăn đồ ngọt (saccharose, fructose, glucose đều làm tăng đường máu, mỡ máu;
  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn như thịt muối, cá khô, giò, chả, dưa muối, cà muối,...;
  • Tránh hấp thu quá nhiều caffeine, hạn chế uống trà đặc, cà phê đậm, ớt,...;

Người bệnh cao huyết áp nên hạn chế ăn ngọt
Người bệnh cao huyết áp nên hạn chế ăn ngọt

2.2 Bệnh cao huyết áp nên ăn gì?

  • Chọn thực phẩm bảo vệ mạch máu và có tác dụng giảm mỡ, giàu kali: Rau cần, nấm mèo, hành, chuối, cà chua, tỏi, nấm hương, rong biển, hải sâm,...
  • Ăn nhiều cá, cá biển chứa axit béo không bão hòa, làm giảm cholesterol máu, kéo giãn sự kết tập của tiểu cầu, ức chế sự hình thành máu đông, dự phòng tai biến mạch máu não. Đồng thời, cá biển còn giàu axit linoleic có tác dụng tăng tính đàn hồi của mao mạch, dự phòng vỡ mạch máu, phòng ngừa các biến chứng của cao huyết áp. Vì vậy, mỗi tuần nên ăn cá 2 - 3 lần;
  • Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ: Yến mạch, hạt bắp, mì,... Chất xơ trong các loại thực phẩm trên có khả năng bám hút cholesterol, tăng tốc độ bài tiết axit mật từ phân, giảm cholesterol máu và phòng ngừa tình trạng xơ cứng động mạch. Cung cấp đủ chất xơ hỗ trợ phòng ngừa và điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh mạch vành, mỡ máu cao. Lượng chất xơ cơ thể hấp thụ hằng ngày nên đạt trên 15g. Ngoài ra, ở bệnh nhân cao huyết áp bị táo bón, chất xơ còn giúp nhuận tràng, thông tiện, dự phòng táo bón hữu hiệu;

Tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày
Tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày
  • Nên ăn rau cải và trái cây: Là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng tố, đặc biệt là vitamin Cvitamin E. Vitamin C giúp giảm cholesterol, tăng cường tính đàn hồi của mạch máu còn vitamin E có khả năng chống oxy hóa mạnh, đảm bảo sự hoàn chỉnh của màng tế bào, phòng ngừa xơ cứng động mạch. Còn các khoáng tố như crom, kẽm, selen,... giúp chuyển hóa lipid và glucid; iot giúp ức chế sự hấp thu cholesterol ở đường ruột,...

3. Gợi ý thực đơn cho người cao huyết áp

Người bệnh cao huyết áp nên ăn ít trong các bữa, chia nhiều bữa trong ngày (4 - 5 bữa) và không nên ăn quá no. Sau đây là gợi ý thực đơn một tuần cho bệnh nhân cao huyết áp

  • Thứ hai:
    • Ăn sáng: 1 cốc bột yến mạch kèm với sữa tách kem. Có thể dùng thêm nửa cốc nước ép cam tươi;
    • Ăn nhẹ: 1 quả táo và 1 hộp sữa chua ít béo;
    • Ăn trưa: Bánh mì sandwich làm từ ngũ cốc nguyên hạt ăn kèm cá ngừ và mayonnaise;
    • Ăn nhẹ buổi chiều: 1 quả chuối;
    • Ăn tối: Ức gà nấu đậu, bông cải xanh và cà rốt luộc. Nên ăn cơm gạo lứt thay vì gạo trắng;
  • Thứ ba:
    • Ăn sáng: Bánh mì ăn kèm bơ thực vật hoặc mứt hoa quả. Nên uống thêm nước cam và ăn thêm 1 quả táo;
    • Ăn nhẹ: 1 quả chuối;
    • Ăn trưa: Cơm thịt gà với rau trộn và phô mai ít béo;
    • Ăn nhẹ buổi chiều: Đào (tươi hoặc đóng hộp) và sữa chua ít béo;
    • Ăn tối: Cá hồi áp chảo, khoai tây nghiền và rau luộc;

Người bệnh cao huyết áp nên ăn nhẹ bằng một trái chuối
Người bệnh cao huyết áp nên ăn nhẹ bằng một trái chuối
  • Thứ tư:
    • Ăn sáng: Bột yến mạch và sữa tách kem hoặc ăn ngũ cốc đi kèm với sữa ít béo. Bệnh nhân nên dùng thêm nước ép việt quất hoặc nước chanh tươi;
    • Ăn nhẹ: 1 quả cam;
    • Ăn trưa: Bánh mì nguyên chất ăn kèm thịt gà nạc và phô mai ít béo. Bệnh nhân có thể ăn thêm salad rau quả trộn cà chua để bổ sung thêm chất xơ. Nếu không ăn bánh mì có thể chuyển sang mì lúa mạch hoặc nui;
    • Ăn nhẹ buổi chiều: Bánh quy giòn và dứa;
    • Ăn tối: Cá tuyết phi lê áp chảo hoặc cá ba sa, cá hồi hay cá thu phi lê, ăn kèm súp lơ xanh và đậu xanh;
  • Thứ năm:
    • Ăn sáng: Phở hoặc hủ tiếu (không gọi thêm nước dùng quá béo), uống nước ép mâm xôi hoặc cam tươi;
    • Ăn nhẹ: 1 quả chuối sứ;
    • Ăn trưa: Salad xà lách, cà chua bi, trứng và dầu oliu ăn kèm với cá nướng;
    • Ăn nhẹ buổi chiều: Lê ướp lạnh ăn kèm sữa chua ít béo;
    • Ăn tối: Thịt heo xào ớt chuông ăn với cơm nấu từ gạo lứt cùng với bắp cải hoặc rau muống luộc;
  • Thứ sáu:
    • Ăn sáng: Thịt gà xông khói, trứng luộc ăn kèm cà chua và 2 lát bánh mì lúa mạch nướng, tráng miệng bằng nước ép hoa quả;
    • Ăn nhẹ: 1 quả táo;
    • Ăn trưa: Miến cua và rau trộn;
    • Ăn nhẹ buổi chiều: 1 đĩa salad hoa quả;
    • Ăn tối: mì Ý, nui hoặc phở sốt xà chia, thịt xay, nấm và đậu Hà Lan;
  • Thứ bảy và chủ nhật:
    • Ăn sáng: Bánh cuốn hoặc bánh ướt, uống thêm nước cam hoặc nước chanh;
    • Ăn nhẹ: 1 quả táo hoặc lê, đào, xoài,...;
    • Ăn trưa: Gà nướng mật ong ăn kèm salad trộn dầu giấm hoặc rau củ nướng; có thể dùng thêm bánh quy;
    • Ăn nhẹ buổi chiều: Trái cây dầm với sữa chua ít béo;
    • Ăn tối: Bít tết thịt bò hoặc thịt heo, ăn kèm với khoai tây nghiền, bông cải xanh luộc, phô mai ít béo và đậu Hà Lan. Có thể uống kèm 1 ly rượu vang đỏ để tăng khẩu vị.

Định kỳ kiểm tra sức khỏe tim mạch là việc làm cần thiết
Định kỳ kiểm tra sức khỏe tim mạch là việc làm cần thiết

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe