Trẻ uống sữa có gây sâu răng không?

Sâu răng viêm lợi ở trẻ nhỏ khiến nhiều phụ huynh rất lo lắng và không biết xử trí như thế nào. Nhiều cha mẹ còn lo lắng về tin đồn uống sữa bị sâu răng. Vậy sự thật uống sữa có gây sâu răng không?

1. Uống sữa có gây sâu răng không?

Sâu răng viêm lợi ở trẻ nhỏ là nỗi băn khoăn của hầu hết phụ huynh, đặc biệt thời gian gần đây xuất hiện thông tin uống sữa bị sâu răng. Vậy thực sự uống sữa có gây sâu răng không?

Theo các chuyên gia, trẻ bú mẹ được đánh giá là một cách phòng ngừa sâu răng hiệu quả, song theo một nghiên cứu thời gian trên chuột cho thấy sữa mẹ lại dễ gây sâu răng hơn sữa bò.

Một nghiên cứu tại Đại học Rochester (Hoa Kỳ) cho biết trong 3 loại sữa được biết đến nhiều nhất là sữa mẹ, sữa bò và sữa công thức, các chuyên gia cho rằng sữa mẹ ít gây sâu răng hơn sữa công thức nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn sữa bò. Nguyên nhân được cho là do sữa mẹ có thành phần Lactose nhiều hơn sữa bò. Trong khi đó, hàm lượng khoáng chất, bao gồm canxi và phospho, trong sữa bò lại nhiều hơn nên ít khử khoáng men răng hơn sữa mẹ.

Để giải đáp câu hỏi uống sữa có bị sâu răng không chúng ta cần biết thực phẩm gây hại cho răng như thế nào. Theo bác sĩ, các loại thực phẩm gây hại cho răng theo 2 cơ chế:

  • Thực phẩm có tính acid trực tiếp gây mòn men răng, dẫn đến việc nó dễ dàng bị phá hủy khi trẻ đánh răng trong vòng 30 phút sau khi ăn. Điều này giải thích tại sao một số trường hợp sâu răng viêm lợi ở trẻ nhỏ vẫn xảy ra mặc dù đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ;
  • Vi khuẩn trong miệng sử dụng đường dư thừa và tiết ra một lượng lớn acid gây mòn men răng.

Nghiên cứu cho thấy những con chuột được nuôi bằng sữa người có dấu hiệu sâu răng ít hơn nhiều so với đồ ngọt, song lại có nhiều nguy cơ hơn những con tiêu thụ sữa bò. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết thêm, vấn đề đặt ra ở đây là bản chất sữa mẹ không trực tiếp gây sâu răng mà tình trạng này liên quan nhiều hơn đến thói quen bú của bé, cụ thể là việc bú mẹ qua đêm. Nhìn chung, các chuyên gia vẫn khuyến cáo cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, và tiếp tục bú trong thời kỳ ăn dặm cho đến tối thiểu 12 tháng tuổi. Theo đó, giai đoạn 6 tháng đầu thì việc bú mẹ qua đêm không đáng lo ngại vì thời gian này răng chưa mọc nên việc men răng bị bào mòn sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, khi trẻ lớn hơn một chút thì vấn đề bắt đầu nảy sinh, đặc biệt là ở những bé có tiền sử gia đình sâu răng từ sớm.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên cho trẻ nhỏ và trẻ chập chững biết đi ngậm bình sữa trong thời gian ngủ, mục đích là không để răng tiếp xúc trong thời gian dài với lượng đường có trong sữa hay bất kỳ thức uống ngọt nào khác. Thêm vào đó, một yếu tố gây sâu răng khác là khi ngậm núm vú quá lâu sẽ ức chế hoạt động của tuyến nước bọt.

Cũng theo nghiên cứu trên, mặc dù sữa bò ít đe dọa sức khỏe răng miệng nhưng các chuyên gia vẫn nhấn mạnh không nên cho trẻ uống sữa bò quá sớm, đặc biệt là trước 1 tuổi. Theo đó, nguy cơ gây xấu răng của sữa mẹ là không đáng kể, do đó sữa mẹ vẫn là tốt nhất cho sức khỏe trẻ nhỏ, đặc biệt khi mẹ kết hợp với chế độ chăm sóc răng miệng cẩn thận mỗi ngày.

2. Vì sao trẻ bú đêm bị sâu răng?

Thắc mắc uống sữa có bị sâu răng không đã được giải đáp, vấn đề đặt ra tiếp theo là tại sao thói quen bú đêm lại dễ dẫn đến sâu răng. Theo bác sĩ, trẻ có thói quen bú sữa mẹ qua đêm hay thường xuyên ngậm bình sữa khi ngủ sẽ tạo điều kiện cho sữa bám vào răng trẻ, từ đó tạo môi trường acid gây phá hủy men răng và tạo thuận lợi cho vi khuẩn trong khoang miệng tấn công phá hủy răng của trẻ.

Ngoài ra, tuyến nước bọt khi bé ngủ hoạt động ít đi, dẫn đến chỉ tạo ra một lượng nhỏ nước bọt và không đủ để bảo vệ răng khi tiếp xúc với sữa. Sau nhiều đêm như vậy răng trẻ rất dễ bị sâu.

Đặc biệt những trẻ bú sữa công thức vào ban đêm có nguy cơ sâu răng cao hơn nhiều so với trẻ bú sữa mẹ. Nguyên nhân là do sữa công thức có hàm lượng đường cao và dễ chuyển hóa thành acid lactic và gây hư hại men răng của bé.

Một yếu tố khác khiến trẻ bú đêm bị sâu răng liên quan đến việc mẹ chưa biết cách vệ sinh răng cho con. Nhiều bà mẹ quan niệm rằng răng sữa sẽ thay thành răng vĩnh viễn nên không cần vệ sinh, khi kết hợp với nhiều thói quen xấu (như bú đêm) và không khám răng định kỳ sẽ dẫn đến hậu quả sâu răng nghiêm trọng, đặc biệt là các răng cửa sữa hàm trên và hàm dưới.

3. Cách phòng tránh sâu răng ở trẻ uống sữa ban đêm

  • Trẻ 6 tháng tuổi trở lên đã bắt đầu ăn dặm nên không sợ nguy cơ hạ đường huyết ban đêm, do đó mẹ nên giảm dần số lần bú vào ban đêm, mỗi lần bú không quá 30 phút để hạn chế nguy cơ sâu răng;
  • Không cho con vừa ngậm vú bú vừa ngủ như một thói quen;
  • Với trẻ 6 tháng tuổi trở lên mẹ nên cho tráng miệng bằng nước sạch trước khi đi ngủ;
  • Cố gắng giữ miệng của bé luôn sạch sẽ. Sau mỗi lần ăn hay bú sữa, đặc biệt bú vào ban đêm, răng bé cần được vệ sinh ngay bằng cách dùng gạc sạch để lau chùi răng;
  • Hạn chế cho bé sử dụng nước ép trái cây, đặc biệt bé dưới 12 tháng các chuyên gia khuyến cáo không nên uống nhiều nước trái cây vì chứa nhiều đường nên dễ gây sâu răng;
  • Với trẻ hơn 12 tháng tuổi, cha mẹ nên lựa chọn những loại thực phẩm, đồ uống phù hợp, ít đường và nên chuyển từ bú bình sang uống bằng ly/cốc;
  • Tập cho trẻ uống nước lọc;
  • Tập cho bé thói quen đánh răng: Bé được 12 tháng tuổi chỉ đánh răng với nước, khi được khoảng 18 tháng tuổi thì tập đánh răng với kem đánh răng có hàm lượng fluor thấp. Sau 6 tuổi, bé có thể đánh răng với kem đánh răng bình thường như người lớn;
  • Tránh lây nhiễm vi khuẩn gây sâu răng sang cho trẻ bằng cách không dùng chung thìa muỗng, không dùng miệng nhai thức ăn cho trẻ hay từ bỏ thói quen kiểm tra thức ăn của con đã nguội hay chưa bằng miệng...;
  • Cho bé khám răng định kỳ và khám ngay khi có dấu hiệu sâu răng để được điều trị kịp thời.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp mẹ hiểu hơn về việc trẻ uống sữa có gây sâu răng không để biết cách chăm sóc và bảo vệ răng miệng con thật tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

822 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan