Uống sữa nhiều có gây dậy thì sớm không?

Dậy thì sớm là mối lo lắng của bậc cha mẹ, bởi việc dậy thì sớm có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện và ảnh hưởng tới tâm lý chung của trẻ. Nhiều người lo lắng việc cho trẻ sử dụng nhiều sữa và các chế phẩm từ sữa làm cho trẻ bị dậy thì sớm, liệu điều này có đúng không?

1. Dậy thì sớm là gì?

Dậy thì là một quá trình thay đổi thể chất, qua đó mà cơ thể của một đứa trẻ phát triển thành cơ thể trưởng thành và có khả năng sinh sản bởi các tín hiệu nội tiết tố từ não đến tuyến sinh dục. Sự tăng trưởng thể chất bao gồm chiều cao và khối lượng cơ thể sẽ mạnh nhất vào nửa đầu tuổi dậy thì và được hoàn thành khi cơ thể được phát triển hoàn toàn.

Trung bình các bé gái bắt đầu dậy thì vào nằm từ 10 đến 11 tuổi và kết thúc dậy thì vào khoảng năm 15-17 tuổi; các bé trái bắt đầu muộn hơn khoảng 11 đến 12 tuổi và kết thúc cũng muộn hơn vào khoảng 16-17 tuổi.

Dậy thì sớm là trình trạng cơ thể phát triển diễn ra sớm hơn so với bình thường. Trước 8 tuổi đối với bé gái và trước 9 tuổi với bé nam. Những dấu hiệu nhận biết tình trạng dậy thì sớm ở trẻ bao gồm:

  • Đối với bé gái: Ngực bắt đầu lớn hơn, có lông vùng nách và lông mu, sau những phát triển như trên thì thấy có kinh nguyệt khoảng 1 đến 2 năm sau đó.
  • Đối với trẻ trai: Thấy tinh hoàn tăng kích thước, có lông vùng kín, vỡ giọng, xuất hiện mộng tinh và dương vật lớn hơn.

Khi có các biến đổi trên cơ thể của trẻ nghi ngờ tình trạng dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa trẻ đến cá trung tâm y tế để thăm khám và điều trị. Làm chậm lại quá trình này giúp trẻ phát triển thể chất và tránh ảnh hưởng tới sinh lý.

2. Uống nhiều sữa dậy thì sớm không?

Vào thời gian trước đây, người ta nhận thấy tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ tăng một cách đáng kể, đặc biệt là đối với trẻ gái. Ngay lúc đó các nhà khoa học đã vào cuộc nghiên cứu tác nhân, đặc biệt lưu ý tới sữa và các chế phẩm từ sữa.

Nguyên nhân người ta nghĩ tới việc sữa có thể gây ra dậy thì sớm đó là bởi vì trong sữa có hormon tăng trưởng, các chất này là IGF-I có cấu trúc tương tự như với insulin trong cơ thể người. Trong suốt 20 năm qua, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, nhưng không tìm được mối liên quan rõ ràng nào. Người ta chỉ thấy béo phì mới làm cho trẻ gái dậy thì sớm. FDA cũng đã kết luận rằng chất IGF-I được chuyển hóa và không hấp thụ trực tiếp vào cơ thể, do đó nó không gây ra các tác động trực tiếp với cơ thể.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra trong sữa có hormone tăng trưởng liên quan đến dậy thì sớm
Các nhà nghiên cứu chỉ ra trong sữa có hormone tăng trưởng liên quan đến dậy thì sớm

Một mối liên quan rõ rệt qua các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa dậy thì sớm và béo phì ở trẻ. Nghĩa là những trẻ béo phì sẽ có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn những trẻ khác. Một số nguyên nhân khác có thể là nguyên nhân gây ra dậy thì sớm như:

  • Liên quan tới yếu tố chủng tộc: Một số chủng tộc trên thế giới có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn những chủng tộc khác.
  • Những bất thường trong não của trẻ: Như khối u vùng dưới đồi, tuyến yên có thể tăng việc sản xuất hormon giới tính.
  • Dùng các sản phẩm bôi trên da của người lớn có chứa thành phần nội tiết.
  • Sử dụng không đúng cách các sản phẩm từ nhựa, đặc biệt là nhựa tái chế.

Nhưng đa số các trường hợp dậy thì sớm không cho thấy nguyên nhân một cách rõ ràng.

Như vậy, trẻ sử dụng sữa không có bất kỳ mối liên quan nào được nghiên cứu làm tăng nguy cơ dậy thì sớm hay gây ra dậy thì sớm ở trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý không nên dùng quá nhiều sữa, bởi nó làm giảm lượng các dinh dưỡng từ các nguồn dinh dưỡng khác. Đặc biệt nếu cho trẻ uống nhiều sữa có đường có thể khiến trẻ bị tăng cân, nguy cơ béo phì. Chính điều này là một yếu tố làm trẻ bị dậy thì sớm. Cho nên, bố mẹ nên để trẻ ăn uống đa dạng các thực phẩm từ các nguồn khác nhau, chứ không nên chỉ tập chung vào sữa.

3. Những lưu ý để hạn chế nguy cơ dậy thì sớm?

Một số biện pháp có thể giúp hạn chế nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ bao gồm:

  • Cho trẻ ăn uống cân đối, sử dụng vừa đủ đạm động vật.
  • Uống vừa đủ sữa bò, không nên lạm dụng sản phẩm này để thay thế cho các nguồn dinh dưỡng khác.
  • Khuyến khích trẻ tập thể dục để tránh tình trạng thừa cân và béo phì.
  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh nhiều rau củ, quả để bổ sung vi chất và nên giảm đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Ưu tiên dùng các sản phẩm từ hữu cơ.
  • Tránh dùng đồ có chứa chất BPa phthalate ví dụ như đồ nhựa tái chế.
  • Đi khám và tư vấn sớm nếu như trẻ có các dấu hiệu của dậy thì sớm ở cả trẻ nam và nữ.
Khám nhi tiểu dầm
Cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám khi phát hiện trẻ dậy thì sớm

Tóm lại, chưa có nghiên cứu nào được chứng minh mối liên hệ giữa sữa và dậy thì sớm. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên để trẻ sử dụng quá nhiều sữa và nên chọn các loại sữa nguyên chất, tránh thêm hương liệu để giảm bớt lượng calo không cần thiết cho cơ thể. Giảm nguy cơ gây thừa cân và béo phì ở trẻ em. Khi trẻ có các dấu hiệu dậy thì sớm bố mẹ nên đưa trẻ tới khám ngay để được điều trị và theo dõi tránh ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

59K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan