Tình trạng viêm là gì và ảnh hưởng thế nào tới cơ thể?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng đơn nguyên hồi sức - ICU - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Tình trạng viêm xảy ra thường xuyên để chống lại các tác nhân có hại cho cơ thể. Tuy nhiên tình trạng viêm kéo dài, nặng lên hay thường xuyên xảy ra cũng ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể.

1. Định nghĩa viêm

Viêm đóng vai trò bảo vệ và nhìn chung có lợi cho cơ thể. Viêm là các phản ứng sinh học của toàn bộ cơ thể chống lại tác nhân gây viêm như: vi sinh vật, tác nhân hóa học, vật lý) hoặc của tác nhân bên trong (hoại tử do thiếu máu cục bộ, bệnh tự miễn...). Các biểu hiện của viêm thường thấy tại chỗ là sưng, nóng, đỏ đau. Ngoài ra còn có biểu hiện viêm bên trong cơ thể mà mắt thường không nhìn thấy được để chống lại các tác nhân gây viêm. Các bệnh lý là tình trạng viêm như: viêm gan, viêm ruột thừa, viêm đại tràng, viêm niêm mạc dạ dày, viêm não, viêm thận...

Tình trạng viêm của cơ thể có thể chia thành viêm cấp tính và viêm mạn tính. Viêm có thể bất ngờ tấn công trong thời gian ngắn gọi là viêm cấp, còn tác nhân âm thầm công kích trong thời gian dài gây nên viêm mạn tính.

  • Viêm cấp tính xảy ra khi tác nhân gây viêm tác động vào tổ chức trong một thời gian ngắn, gây nên phản ứng viêm ngắn và không kéo dài. Viêm cấp tính thời gian từ vài giờ cho đến vài ngày. Viêm cấp tính có thể chuyển sang viêm mạn tính. Phản ứng chủ yếu trong viêm cấp tính là phản ứng rỉ ngoài ra thường có phản ứng hư biến, nếu nhẹ là các tổn thương thoái hoá còn nặng có thể là các tổn thương hoại tử của tế bào và tổ chức.
  • Viêm mạn tính thường bắt đầu bằng một viêm cấp tính tuy nhiên một số viêm mạn tính tiến triển pha cấp tính thường là biểu hiện quá trình tấn công âm ỉ, chậm, kéo dài như trong viêm lao, bệnh nhân chỉ có biểu hiện mệt mỏi và sốt nhẹ, không xác định được thời gian xảy ra, bắt đầu triệu chứng và không nhớ pha cấp tính ở thời điểm nào. Ngoài ra, còn có thể gặp ở những người nhiễm bụi trong đó chứa các thể silic sẽ dẫn đến viêm phổi mạn tính do silic và bệnh này không rõ giai đoạn cấp tính.
Viêm gan mạn
Viêm gan là biểu hiện viêm diễn ra bên trong cơ thể

2. Nguyên nhân gây viêm

  • Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn, virus, động vật đơn bào, nấm và ký sinh trùng.
  • Tác nhân hóa học: Hữu cơ, vô cơ trong công nghiệp hoặc trong y học.
  • Tác nhân vật lý: Dị vật, tia xạ, chấn thương...
  • Miễn dịch: Các phản ứng quá mẫn là tình trạng phản ứng nặng và quá mức của cơ thể với các kháng nguyên lạ như lông thú, phấn hoa, các chất trong thức ăn hoặc thuốc, các sản phẩm của phản ứng quá mẫn gây tổn thương viêm. Trong các bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm khớp dạng thấp...
  • Một số các nguyên nhân nội sinh gây viêm như: tổ chức hoại tử kín gây viêm vô trùng, viêm xung quanh tổ chức ung thư, sản phẩm chuyển hóa gây viêm như ure máu tăng gây viêm màng phổi và màng tim.

3. Viêm ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Viêm nướu răng cấp tính ở trẻ: Những điều cần biết
Viêm cơ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nướu, lợi

Trong những trường hợp bình thường thì viêm là phản ứng tốt của cơ thể nhưng khi các tế bào miễn dịch bắt đầu hoạt động quá mức, thì tình trạng viêm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể. Loại phản ứng viêm gây hại, mãn tính có thể có rất nhiều nguyên nhân, do virus hoặc vi khuẩn gây ra, do các rối loạn tự miễn, căng thẳng,...

Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến một số vấn đề của cơ thể:

  • Viêm ảnh hưởng không tốt với phổi. Khi tình trạng viêm xảy ra ở phổi, nó có thể dẫn đến tình trạng tích tụ dịch trong phổi và làm hẹp đường thở, khiến bạn bị khó thở. Nhiễm trùng, hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là những bệnh đều được đặc trưng bởi tình trạng viêm tại phổi.
  • Viêm có thể gây tổn thương nướu (lợi): Viêm là nguyên nhân dẫn đến bệnh nha chu – một tình trạng viêm mãn tính tại lợi có nguyên nhân là do vi khuẩn tích tụ lâu ngày. Bệnh nha chu sẽ khiến lợi bị tụt và khiến cho cấu trúc xương quanh răng bị yếu và tổn thương.
  • Viêm làm tổn thương các xương: Tình trạng viêm trên toàn cơ thể có thể cản trở sự phát triển của xương và thậm chí còn thúc đẩy quá trình mất xương. Tình trạng viêm của hệ tiêu hóa cũng có thể đặc biệt gây hại cho sức khỏe của xương, bởi tình trạng viêm ruột sẽ ngăn chặn việc hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của xương, ví dụ như canxi và vitamin D.
  • Viêm liên quan đến bệnh trầm cảm: Tình trạng viêm có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng trầm cảm, ví dụ như tâm trạng ủ rũ, mất cảm giác ngon miệng và ngủ kém.
  • Viêm giúp cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng: Viêm là phản ứng dễ nhìn thấy để giúp làm lành một vết thương hay chống lại một căn bệnh. Biểu hiện của viêm như: Sốt, bị sưng đau họng hoặc có một vết thương hở bị nhiễm trùng và trở nên nóng, đỏ, đau khi chạm vào. Tình trạng sưng, nóng, đỏ và đau chính là đặc trưng của quá trình miễn dịch khi cơ thể chống lại các tác nhân có hại. Trong trường hợp này, viêm là một phản ứng khỏe mạnh và cần thiết để giúp bạn làm lành vết thương. Tuy nhiên, loại phản ứng viêm này chỉ nên là tình trạng tạm thời, một khi tình trạng nhiễm trùng đã khỏi hoặc nếu bạn khỏi bệnh, thì tình trạng viêm cũng phải biến mất.
  • Viêm giúp chuẩn bị về mặt tinh thần: Thay vì các tế bào máu sẽ đi tới một phần của cơ thể, thì các yếu tố gây viêm sẽ giải phóng một loại protein tên là C-reactive protein (CRP) vào máu và CRP sẽ theo máu đi khắp cơ thể. Phản ứng này sẽ làm tăng đáng kể hàm lượng adrenaline của cơ thể và sẽ giúp người bệnh thoát khỏi một tình huống có thể đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu bị căng thẳng trong một thời gian dài thì lượng CRP trong cơ thể sẽ thường xuyên ở mức cao. Đây là một yếu tố nguy cơ của rất nhiều bệnh mãn tính khác.
  • Tình trạng viêm có thể gây hại cho đường ruột: Các tế bào miễn dịch có thể sẽ bắt đầu phản ứng lại với các vi khuẩn vốn đã có mặt tự nhiên trong đường ruột, gây ra tình trạng viêm mãn tính. Các tế bào miễn dịch này cũng có thể sẽ tự tấn công vào hệ tiêu hóa, gây ra các bệnh tự miễn như là bệnh viêm ruột là căn bệnh bao gồm cả viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.
  • Viêm có thể gây hại cho các khớp: Khi tình trạng viêm xảy ra với các khớp, nó có thể dẫn đến những tổn thương hết sức nghiêm trọng như viêm khớp dạng thấp cũng là một bệnh tự miễn có liên quan đến các yếu tố về gen.
  • Viêm liên quan tới bệnh tim mạch: Khi cơ thể bị chấn thương hoặc tổn thương, cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm bao gồm cả các mạch máu. Việc hình thành các mảng xơ vữa ở động mạch có thể sẽ dẫn đến tình trạng viêm mãn tính. Các mảng mỡ xơ vữa này sẽ thu hút các tế bào bạch cầu và trở nên lớn hơn, gây ra các cục máu đông và dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim.
  • Viêm liên quan tới nguy cơ ung thư cao hơn: Tình trạng viêm mãn tính có liên quan đến ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư cổ tử cung và ung thư đường tiêu hóa. Khi các tế bào miễn dịch bắt đầu sinh ra phản ứng viêm thì việc điều tiết miễn dịch sẽ trở nên xấu đi và tạo ra môi trường thuận lợi để các tế bào ung thư phát triển.
  • Viêm có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh: Viêm có thể là nguyên nhân dẫn đến ngủ kém hoặc ngủ nhiều hơn bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan