Tìm hiểu về khí máu động mạch và khí máu tĩnh mạch

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Phi Tùng - Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Khí máu là một xét nghiệm cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, máu sẽ được phân tích để đánh giá tình trạng hô hấp, tình trạng chuyển hóa, và các thông số khác (như natri, kali, calci, lactate máu).

Để phân tích chính xác, ta cần lấy máu từ động mạch. Tuy nhiên, đôi lúc việc lấy máu động mạch là khó khăn vì lấy máu động mạch khó hơn lấy máu tĩnh mạch, đau hơn, chảy máu nhiều hơn. Do đó, trong một số tình huống cụ thể, bác sĩ có thể chỉ cần lấy máu ở tĩnh mạch ngoại biên để phân tích khí máu tùy vào mục đích. Khí máu tĩnh mạch gồ. m tĩnh mạch ngoại biên và tĩnh mạch trung tâm. Bài viết này sẽ tìm hiểu về khí máu động mạch và khí máu tĩnh mạch ngoại biên.

1. Các thông số cần đánh giá khi phân tích kết quả khí máu động mạch

Khi phân tích kết quả khí máu động mạch, cần đánh giá các thông số sau:

  • Oxy máu (hô hấp)
  • pH và pCO2 máu (hô hấp và chuyển hóa)
  • Lactate máu: Chẩn đoán sốc nhiễm trùng, theo dõi động học lactate (hiệu quả hồi sức), chẩn đoán ngộ độc...
  • HCO3: không phải thông số trực tiếp - là thông số đo gián tiếp (máy tính toán gián tiếp từ công thức Henderson-Hasselbalch)

2. Sự khác biệt giữa máu động mạch và tĩnh mạch

  • Về oxy máu: Chênh lệch nhiều và dao động (tùy vào bệnh lý, tình trạng sử dụng oxy của mô..)
  • Về pCO2 và pH: Chênh lệch so với máu động mạch

+pH thấp hơn pH máu động mạch: Ngoại biên (0.02-0.04); Trung tâm (0.03-0.05)

+pCO2 cao hơn pCO2 máu động mạch: Ngoại biên (3-8mmHg), trung tâm (4-5mmHg)

  • Lactate máu:

Lactate máu động mạch được coi là “gold standard” vì máu động mạch thể hiện được tổng lượng lactate của cơ thể sản xuất. Lactate máu tĩnh mạch có xu hướng cao hơn máu động mạch.

Tuy nhiên, các nghiên cứu thấy rằng: (1) Lactate máu tĩnh mạch và động mạch tương quan tốt (hệ số tương quan R = 0.94); (2) Lactate máu tĩnh mạch cao hơn động mạch không nhiều: 0.18-0.22mmol/l

3. Phân tích và chọn giữa khí máu tĩnh mạch và động mạch

Về Oxy máu:

Khí máu tĩnh mạch không có ý nghĩa

Có thể nói oxy máu có thể theo dõi bằng SpO2 – một công cụ theo dõi liên tục và không xâm lấn, tuy nhiên:

  • SpO2 chỉ thể hiện được là khi nào oxy thiếu (SpO2 < 90% thì thường PaO2 < 60mmHg) chứ không thể hiện được oxy chính xác là bao nhiêu. Và có dư so với nhu cầu hay không (SpO2 94-100% thì PaO2 có thể từ 80-500mmHg, có thể là đủ, có thể là thừa)
  • Có những trường hợp SpO2 không theo dõi được tình trạng oxy máu (ngộ độc CO)

Do đó, có những trường hợp phải làm khí máu động mạch để đánh giá oxy máu, có những trường hợp không cần.

Về pH và CO2 máu:

Chênh lệch pH và pCO2 máu tĩnh mạch và động mạch là có, nhưng không nhiều (đặc biệt là pH)

Một số ví dụ cần đánh giá CO2: Mức độ toan hô hấp? Nguyên nhân rối loạn tri giác? Nguyên nhân ngưng tim?

Chênh lệch 3-8mmHg không có nhiều ý nghĩa lâm sàng, có thể tạm chấp nhận kết quả CO2 máu của máu tĩnh mạch (Tuy nhiên, 3-8mmHg chênh lệch về CO2 sẽ có ý nghĩa trong trường hợp toan hô hấp cấp – gợi ý khi pH thay đổi nhiều)

Về Lactate máu:

Lactate máu > 2 mmol/l là 1 trong các tiêu chuẩn của septic shock.

Lactate máu TM có xu hướng cao hơn (0.18-0.22mmol/l) nhưng ko có ý nghĩa lâm sàng

Lactate máu tĩnh mạch tương quan tốt với máu động mạch (hệ số tương quan R = 0.94)

Do đó:

  • Nếu bạn làm nghiên cứu, cần giá trị lactate máu thật chính xác thì ta cần dùng khí máu động mạch, các trường hợp khác có thể chỉ cần dùng khí máu tĩnh mạch khi khí máu động mạch là không có sẵn (ví dụ chưa có catheter động mạch).
  • Nếu bạn cần theo dõi động học lactate thì máu tĩnh mạch là được (Xu hướng hiện nay cho thấy máu mao mạch cũng tương quan tốt, nên người ta có thể theo dõi động học lactate bằng máu mao mạch – POC tại giường).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

1-Byrne AL, Bennett M, Chatterji R, Symons R, Pace NL, Thomas PS. Peripheral venous and arterial blood gas analysis in adults: are they comparable? A systematic review and meta-analysis. Respirology. 2014 Feb;19(2):168-175. doi: 10.1111/resp.12225. Epub 2014 Jan 3. PMID: 24383789.

2-Zeserson E, Goodgame B, Hess JD, Schultz K, Hoon C, Lamb K, Maheshwari V, Johnson S, Papas M, Reed J, Breyer M. Correlation of Venous Blood Gas and Pulse Oximetry With Arterial Blood Gas in the Undifferentiated Critically Ill Patient. J Intensive Care Med. 2018 Mar;33(3):176-181. doi: 10.1177/0885066616652597. Epub 2016 Jun 9. PMID: 27283009; PMCID: PMC5885755.

3-Kruse O., Grunnet N., Barfod C. (2011), "Blood lactate as a predictor for in-hospital mortality in patients admitted acutely to hospital: a systematic review", Scand J Trauma Resusc Emerg Med, 19, 74.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan