Tăng acid uric trong máu có phải mắc bệnh gout?

Axit uric là chỉ số “thước đo” bệnh gout, người bệnh gout khi xét nghiệm axit uric sẽ cho kết quả tăng cao. Vậy liệu tăng axit uric trong máu có thể khẳng định mắc bệnh gout hay chưa?

1. Axit uric là gì?

Axit uric là sản phẩm chuyển hóa tự nhiên trong cơ thể mỗi người. Chất này có nguồn gốc từ quá trình dị hóa adenine và guanidine của các acid nucleic, hay là sản phẩm chuyển hóa của các chất có nhân purin. Nguồn chính tạo ra axit uric gồm cả nguồn nội sinh và ngoại sinh:

  • Nguồn ngoại sinh là từ thức ăn hàng ngày cung cấp cho cơ thể chứa purin (khoảng 100- 200mg/ ngày). Các thực phẩm đồ uống có chứa nhân purin như nội tạng động vật, cá biển, hải sản, bia rượu, thịt đỏ...
  • Nguồn nội sinh do quá trình chuyển hóa axit nucleic trong cơ thể (khoảng 600mg/ngày), quá trình này chủ yếu diễn ta tại gan, một phần nhỏ tại niêm mạc ruột.

Phần lớn axit uric trong máu tồn tại ở dạng tự do, chỉ khoảng 4% gắn với protein huyết thanh. Đối với nam, nồng độ axit uric trong máu trung bình là 210 - 420 umol/L, đối với nữ là 150 - 350 umol/L. Khi kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ axit uric trong máu vượt mức nói trên được coi là tăng axit uric.

Chỉ số acid uric bình thường
Phần lớn acid uric trong máu tồn tại ở dạng tự do

2. Nguyên nhân gây tăng axit uric trong máu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tăng nồng độ axit uric trong máu, có thể nhắc đến điển hình như:

Tăng sản xuất axit uric

  • Tăng acid uric máu tiên phát (30% bệnh nhân Gout thuộc loại vô căn)
  • Phá hủy tổ chức
  • Gia tăng chuyển hóa tế bào như u lympho, ung thư
  • Thiếu máu do tan máu, bệnh sốt rét hoặc do thiếu G6PD
  • Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều purin như nội tạng, thịt đỏ, cá, bia,...
  • Người béo phì
  • Thường xuyên nhịn đói, ăn kiêng, tập thể dục quá sức

Bị giảm đào thải axit uric

  • Người bị suy thận
  • Người nghiện rượu
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu
  • Người có các tổn thương các ống thận xa
  • Sử dụng các thuốc gây giảm tải acid uric qua nước tiểu: aspirin, thuốc lợi tiểu,...
  • Người bệnh nhiễm toan
  • Do tác nhân di truyền

Do nhiều nguyên nhân khác như nhiễm độc thai nghén và tiền sản giật ở phụ nữ có thai, người bệnh suy giáp, người bị ngộ độc chì, có chấn thương cũng gây ra tăng axit uric.

3. Tăng axit uric trong máu có phải mắc bệnh gout?

Nhiều người hiểu lầm rằng cứ tăng axit uric máu là mắc bệnh gout, đây là quan niệm sai lầm. Bởi người được kết luận là mắc bệnh gout là khi vừa có chỉ số nồng độ axit uric trong máu tăng, đi kèm với sự lắng đọng axit uric và gây ra những tổn thương tại khớp. Do vậy để chẩn đoán chính xác bạn có bị bệnh gout hay không cần được khám và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng chuyên sâu để kết luận đúng dựa trên các tiêu chuẩn sẵn có.

vai-tro-cua-dinh-luong-acid-uric-trong-nuoc-tieu
Tăng axit uric trong máu chưa chắc đã là mắc bệnh gout

4. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh gout

Trong đó tiêu chuẩn để chẩn đoán kết luận người mắc bệnh gout theo ACR/EULAR 2015 gồm có:

  • Tiêu chuẩn đầu vào: Nhiều hơn hoặc có 1 đợt sưng đau 1 khớp ngoại vi hay bao hoạt dịch (bao thanh dịch)
  • Phát hiện tinh thể urat trong khớp, có triệu chứng hay bao dịch hoạt hoặc hạt tophi
  • Nếu không phát hiện ra tinh thể urat người bệnh được thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng gồm:

+ Phát hiện viêm một hoặc vài khớp như khớp cổ chân hay giữa bàn chân (1đ), khớp bàn ngón chân cái (2đ)

+ Có dấu hiệu tính chất các đợt viêm cấp như đỏ khớp, không chịu được lực ép, hoặc sờ vào khớp viêm, khó khăn trong đi lại, vận động khớp (mỗi tính chất 1đ)

+ Thời gian đau tối đa nhỏ hơn 24 tiếng, khỏi triệu chứng đau ít hơn hoặc bằng 14 ngày, khỏi hoàn toàn giữa các đợt cấp là 1 lần (1đ) hoặc nhiều lần tái phát (2đ) khi không sử dụng thuốc kháng viêm

+ Có (4đ) hoặc không (0đ) xuất hiện hạt tophi

Các xét nghiệm cận lâm sàng cho kết quả gồm:

Xét nghiệm axit uric trong máu:

  • < 240 mmol/l (-4đ)
  • 240 – < 360 mmol/l (0đ)
  • 360 – < 480 mmol/l (2đ)
  • 480 – < 600 mmol/l (3đ)
  • ≥ 600 mmol/l (4đ)

Xét nghiệm dịch khớp

Không phát hiện tinh thể urat (-2đ)

Chẩn đoán hình ảnh

  • Siêu âm: dấu hiệu đường đôi
  • DECT (dual energy computed tomography: chụp cắt lớp vi tính năng lượng kép) scanner: bắt màu urat đặc biệt. Có 1 trong 2 bằng chứng (4đ)

Tính điểm các chẩn đoán nói trên nếu tổng điểm >/=8 thì người bệnh được kết luận mắc bệnh gout. Đây là tiêu chuẩn mới nhất, tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chính xác bệnh gout cho người bệnh.

xét nghiệm Gastrin
Chẩn đoán bệnh gout dựa trên tiêu chuẩn của các xét nghiệm cận lâm sàng

5. Giảm axit uric trong máu, phòng ngừa bệnh gout

Như đã nói ở trên, tăng axit uric là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh gout, bởi vậy người bệnh cần biết cách để kiểm soát nồng độ axit uric trong máu ở mức bình thường, phòng ngừa bệnh gout hiệu quả bằng cách:

  • Hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất đạm như hải sản (mực, cua, tôm), các loại thịt đỏ (bò, trâu, dê), nội tạng như phổi, gan
  • Ăn nhiều rau xanh, củ quả, trái cây
  • Uống 1 - 1.5 lít nước/ ngày nhằm hạn chế sự kết tủa của muối urat và tăng khả năng lọc thải acid uric
  • Duy trì cân nặng nhằm giảm áp lực lên các khớp
  • Không dùng bia rượu và đồ uống có ga
  • Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh: không thức khuya, tránh căng thẳng, vệ sinh cơ thể giúp lưu thông khí huyết
  • Tập luyện phù hợp bằng cách đi bộ nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày, tập yoga,...
  • Xét nghiệm kiểm tra nồng độ axit uric, kiểm tra sức khỏe định kỳ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan