Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh lý tiền sản giật nhưng chỉ số acid uric cao lại chính là cơ hội để tình trạng này xuất hiện, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé.
1. Tìm hiểu về bệnh tiền sản giật
Tiền sản giật là một trong những biến chứng thai kỳ vô cùng nguy hiểm do thai phụ bị huyết áp cao hoặc có các đã hiệu tổn thương các cơ quan khác.
Thai phụ có huyết áp tăng nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý tiền sản giật, nếu không có phương án điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng sản giật, gây nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và thai nhi.
Khi mắc phải bệnh lý tiền sản giật, thai phụ thường có biểu hiện sau:
- Thay đổi thị lực;
- Đau bụng trên;
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Đi tiểu ít;
- Tăng huyết áp đột ngột;
- Xét nghiệm thấy có protein trong nước tiểu hoặc các vấn đề về thận;
- Chức năng gan suy giảm;
- Khó thở do có dịch trong phổi;
- Bị đau đầu nghiêm trọng;
- Giảm lượng tiểu cầu trong máu.
2. Acid uric tăng cao trong tiền sản giật có nguy hiểm không?
Acid uric là thành phần sẽ được đào thải qua thận và chỉ tồn đọng trong cơ thể một hàm lượng rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu như cơ quan bài tiết gặp vấn đề hay cơ thể bị tăng số lượng purin thu nạp thì nồng độ axit uric sẽ có xu hướng tăng cao. Đối với phụ nữ mang thai, nếu như tăng acid uric trong tiền sản giật sẽ nguy hiểm và khó khắc phục hơn và mỗi tác động lên cơ thể người mẹ đều có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi.
Tăng acid uric máu cảnh báo sức khỏe bất thường. Nếu để kéo dài, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và ngăn cản sự phát triển của thai nhi.
Ngoài ra, khi nồng độ acid uric tăng cao trong thời gian mang thai có thể khiến mẹ bầu phải đối mặt với một số căn bệnh như gout, thận, cao huyết áp và nguy hiểm nhất là bệnh lý tiền sản giật, đây là chứng rối loạn thai nghén rất nguy hiểm, có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng của mẹ bầu cũng như thai nhi.
Hiện tượng tăng acid uric trong tiền sản giật khá phổ biến, thường xảy ra ở những mẹ bầu mắc những bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì... Mặc dù không trực tiếp gây ra tình trạng này nhưng nồng độ acid uric tăng cao sẽ là tác nhân để các bệnh lý có cơ hội xuất hiện và gây ra chứng tiền sản giật cho mẹ bầu.
3. Nguyên nhân khiến acid uric tăng trong thời gian mang thai
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu bị tăng acid uric có thể là do các nguyên nhân sau:
- Do chế độ dinh dưỡng: Một chế độ dinh dưỡng không khoa học sẽ khiến cho nồng độ acid uric ở cơ thể mẹ bầu tăng cao, sở dĩ như vậy là do đa số các mẹ bầu thường có thói quen bổ sung quá nhiều các thực phẩm giàu đạm vì muốn đảm bảo dinh dưỡng cho quá trình phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt, việc thu nạp số lượng lớn đạm trong một thời gian ngắn đã khiến cho quá trình sản sinh acid uric tăng nhanh và thận không thể hoạt động để đào thải hoàn toàn;
- Do mắc phải một số bệnh lý: Trong thời gian mang thai, nếu mẹ bầu mắc một số bệnh như huyết áp cao, tiểu đường, thận... thì khả năng tăng acid uric là rất lớn.
Ngoài ra, cũng có trường hợp mẹ bầu bị tăng acid uric trước khi mang thai nhưng đến khi khám thai mới phát hiện ra, việc xác định nguyên nhân lúc này sẽ khá khó khăn vì sự tăng acid uric còn do tác động của nhiều yếu tố.
4. Acid uric cao khi mang thai phải làm sao?
Mẹ bầu bị tăng acid uric trong thai kỳ sẽ rất nguy hiểm, chính vì thế ngay khi phát hiện tình trạng này thì cần phải chủ động trao đổi với bác sĩ để tìm hướng giải quyết. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc điều trị khi chưa có sự đồng ý từ bác sĩ chuyên khoa.
Trong chế độ ăn uống hàng ngày, mẹ bầu cũng nên xây dựng một thực đơn khoa học, đảm bảo dinh dưỡng, không thừa cũng không thiếu, có thể nhờ các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn để thiết lập chế độ ăn hợp lý giúp bảo vệ sức khỏe và quá trình phát triển của thai nhi.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên bổ sung cho cơ thể từ 2,5 – 3 lít nước mỗi ngày để kích thích thận bài tiết và đào thải nồng độ acid uric ra khỏi cơ thể. Đồng thời, hãy dành thời gian nghỉ ngơi, nhất là những tháng cuối thai kỳ để cơ thể có thời gian chuẩn bị cho kỳ sinh nở sắp tới. Mẹ bầu cũng đừng quên thăm khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng sức khỏe tốt nhất.
Chỉ số acid uric tăng cao khi mang thai sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng và nguy cơ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi, chính vì thế mỗi người cần chủ động tìm hiểu kiến thức và phòng ngừa, trong trường hợp đã bị tăng acid uric thì nên thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của chính mình và thai nhi. 3 tháng cuối thai kỳ, sức khỏe của cả mẹ và bé cần được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Thai phụ cần:
- Nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
- Phân biệt rỉ ối và chảy dịch âm đạo để xử lý kịp thời, tránh gây sinh non, suy thai, thai chết lưu.
- Đặc biệt cẩn trọng khi xuất hiện chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ cần được cấp cứu khẩn cấp để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé.
- Theo dõi lượng nước ối thường xuyên, liên tục.
- Theo dõi cân nặng của thai nhi 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển của bé và tiên lượng các nguy cơ có thể xảy ra khi sinh.
- Nhóm theo dõi đặc biệt như nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định phù hợp.
- Phân biệt cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện kịp thời.
Dịch vụ thai sản trọn gói tại Vinmec giúp quá trình mang thai của thai phụ trở nên nhẹ nhàng và an toàn hơn. Trong suốt quá trình mang thai, thai phụ sẽ được thăm khám bởi các bác sĩ khoa Sản có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, đưa ra những tư vấn, hướng xử lý tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.