Hỏi
Chào bác sĩ,
Tôi vừa xét nghiệm máu cho kết quả định lượng Ferritin 600 ng/mL và acid uric máu 560 μmol/L, mặc dù tôi giữ chế độ ăn uống rất nghiêm túc theo lời khuyên của các bác sĩ mà acid uric vẫn cao. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi định lượng Ferritin và acid uric trong máu có liên quan đến nhau không? Tôi cảm ơn bác sĩ.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Bác sĩ đa khoa - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bác,
Với câu hỏi “Định lượng Ferritin và acid uric trong máu có liên quan đến nhau không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Ferritin là protein dự trữ sắt, Ferritin tự do trong huyết thanh phản ánh nồng độ sắt dự trữ và được dùng làm chỉ số xét nghiệm để đánh giá mức độ dự trữ sắt trong cơ thể. Đối với xét nghiệm định lượng Ferritin, một người khỏe mạnh bình thường dao động từ 20 đến 250 ng/ml (đối với nam), nữ giới dao động từ 10 đến 120 ng/ml.
Xét nghiệm định lượng Ferritin sẽ giúp bác sĩ hiểu lượng sắt cơ thể lưu trữ được bao nhiêu. Nếu xét nghiệm Ferritin cho thấy mức độ Ferritin trong máu thấp hơn bình thường, điều đó có nghĩa dự trữ sắt của cơ thể thấp. Ngược lại, khi kết quả xét nghiệm Ferritin cao hơn bình thường thì có khả năng bệnh nhân bị ứ sắt.
Xét nghiệm Ferritin cao cũng có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh như bệnh Thalassemia, các bệnh lý viêm gan, viêm khớp dạng thấp, một số bệnh lý viêm cấp và mạn tính, cường giáp, lạm dụng rượu, tiểu đường tuýp 2, truyền máu nhiều lần mà không được thải sắt hoặc một số bệnh ung thư (gan, tụy, phế quản, thần kinh, u lympho ác tính, lơ xê mi) cũng có thể gây ra mức độ Ferritin trong máu cao.
Ngoài ra, xét nghiệm Ferritin cao cũng có thể do đột biến gen HFE. Gen HFE có 2 đột biến phổ biến là C282Y và H63D. Nếu một người thừa hưởng 2 gen bất thường có thể phát triển bệnh thừa sắt. Đột biến ở các gen này làm giảm sự kiểm soát của sự hấp thụ sắt trong quá trình tiêu hóa và làm thay đổi sự phân bố của sắt đến các bộ phận của cơ thể. Tuy nhiên, đây là nhóm nguyên nhân rất ít gặp ở người châu Á.
Acid uric là sản phẩm chuyển hóa của nhân purin- thành phần cấu tạo nên DNA, RNA,...(các vật chất di truyền). Acid uric được thải trừ qua thận. Khi acid uric trong máu tăng cao vượt quá độ bão hòa, nó có thể kết tinh lại thành các tinh thể urat, lắng đọng ở khớp gây ra cơn gút cấp (bệnh gút). Hoặc lắng đọng tại da, mô mềm thành các hạt tophi, hoặc tạo thành sỏi urat ở thận. Tăng acid uric máu có thể có triệu chứng hoặc không có triệu chứng. Tăng acid uric máu có triệu chứng thường đề cập đến các cơn gút cấp hoặc bệnh gút mạn.
Có nhiều nguyên nhân gây tăng acid uric máu, tựu chung lại chia thành hai nhóm lớn do tăng chuyển hóa nhân purin hoặc giảm thải trừ qua thận. Các nguyên nhân có thể kể đến:
- Uống nhiều bia rượu
- Chế độ ăn nhiều purin: Phủ tạng động vật, tôm cua, hải sản, đậu hạt các loại, nấm,...
- Suy thận mạn
- Do các bệnh lý làm phá hủy tế bào quá mức: Lơ xê mi, các bệnh lý ác tính, vẩy nến,..
- Do thuốc: Nhiều thuốc có thể làm tăng acid uric như corticoid, thuốc lợi tiểu (furosemid), aspirin, thuốc chống lao (Ethambutol, Pyrazinamid,..),...
- Do thiếu hụt enzym trong chuyển hóa purin (bệnh di truyền)
Qua rất nhiều nghiên cứu cho thấy Urat hoạt động như một chất chelat hóa sắt và do đó, sắt có thể điều chỉnh hoạt động của xanthine oxidase và sản xuất urat. Vì vậy, Ferritin có liên quan tỷ lệ thuận với urat trong huyết thanh, với sự gia tăng urat huyết thanh được xem như một dấu hiệu của tình trạng thừa sắt. Sắt có thể góp phần gây viêm gút bằng cách hình thành phức hợp với tinh thể urat (MSU- monosodium urate), kích thích quá trình oxy hóa thông qua việc tạo ra các loại oxy phản ứng và góp phần kích hoạt bạch cầu hạt và bổ thể.
Thực phẩm là nguồn cung cấp sắt chủ yếu, thông qua các nguồn động vật và thực vật. Chế độ ăn uống cũng là một nguồn cung cấp đạm (protein). Những thực phẩm giàu purin từ chế độ ăn có nguồn gốc động vật có liên quan đến việc tăng nguy cơ tái phát cơn gút trong khi thực phẩm giàu purin từ chế độ ăn có nguồn gốc thực vật thì không. Thông qua sự kết hợp chế độ ăn làm tăng lượng sắt huyết thanh trong thực phẩm giàu purin (thịt đỏ) có thể là một yếu tố nguyên nhân gây ra bệnh gút và tần suất bùng phát.
Chế độ ăn:
- Bổ sung thêm 500 - 1000mg vitamin C hàng ngày.
- Uống nhiều nước để tăng cường đào thải acid uric, nên uống nước khoáng kiềm.
- Chỉ nên ăn các loại thịt có màu trắng (thịt cá sông, thịt lườn gà, thịt heo,...) vì thịt có màu trắng thường ít purin hơn, lượng protein cần thiết cho cơ thể mỗi ngày là 50-100g.
- Tinh bột và thực phẩm giàu carbohydrate là loại thực phẩm quan trọng đối với người bệnh gout, bởi nó chứa một lượng purin an toàn. Chúng có chức năng làm giảm và hòa tan acid uric trong nước tiểu. Vì vậy, người bệnh có thể thoải mái ăn mì, phở, bún, khoai, bánh mì, ngũ cốc, gạo, mì,....
- Tăng cường các loại thực phẩm thảo dược có chức năng đào thải axit uric trong máu ra ngoài như cherry, dâu tây, cải bẹ xanh, cam, lá sake.
- Người bệnh có thể ăn thoải mái các loại rau củ vì chúng chỉ chứa khoảng 20-25 mg purin, trừ một số loại như nấm, giá đỗ, măng tây. Các loại rau ít purin dành cho người bệnh gout là rau cần, dưa chuột, súp lơ, cải bắp, cải xanh, các loại cà,....
- Nên thay thế các loại dầu bằng dầu ô liu, dầu lạc, dầu vừng,....để giảm bớt lượng chất béo.
- Khi chế biến nên ưu tiên các món hấp, luộc, hạn chế tối đa các món ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế tối đa các thực phẩm có lượng purin cao như nội tạng động vật, thịt bò, tôm, cua, ghẹ, thịt thú rừng, thịt gia cầm, các loại động vật có vỏ (sò, ốc, hến,.....). Những thực phẩm này dễ làm tăng nguy cơ hình thành bệnh gout cấp tính.
- Một số loại rau không tốt cho người bệnh gout là rau bina, cải bắp, măng tây và nấm.
- Hạn chế chất béo trong khẩu phần ăn bằng cách chọn thịt nạc, gia cầm không ăn da và các sản phẩm sữa ít chất béo.
- Tránh các loại hoa quả chua, đồ lên men, các loại nấm, măng, giá đỗ trong thực đơn bởi chúng có thể làm tăng tốc độ tổng hợp axit uric trong cơ thể.
- Một số loại gia vị như ớt, hạt tiêu cũng nên dùng hạn chế vì chúng có thể gây hưng phấn thần kinh tự chủ gây tái phát bệnh gout.
- Tránh uống rượu bởi rượu làm gia tăng sự tạo axit uric trong gan và ngăn cản thận thải axit uric.
Nếu chế độ ăn uống rất nghiêm túc nhưng không đỡ thì bác nên khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để tư vấn điều trị.
Nếu bác còn thắc mắc về định lượng Ferritin, bác có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bác đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bác có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.