Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa và Cố vấn chuyên môn,Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Sốc tim là một căn bệnh nguy hiểm và cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong lớn. Tuy nhiên, theo thống kê cho thấy hơn 50% bệnh nhân bị sốc tim sống sót nếu được điều trị ngay lập tức.
1. Tổng quan về bệnh sốc tim
Sốc tim là tình trạng xảy ra khi tim đột ngột không thể bơm máu để đáp ứng nhu cầu oxy và dinh dưỡng cho các cơ quan trong cơ thể. Sốc tim thường do một cơn đau tim nặng gây ra. Sốc tim không phải là bệnh phổ biến mà hiếm khi xảy ra, nhưng nếu không được trị ngay lập tức thì phần lớn đều dẫn đến tử vong.
Một số triệu chứng thường gặp của sốc tim bao gồm:
- Thở dốc nghiêm trọng, thở nhanh
- Nhịp tim nhanh đột ngột
- Mất ý thức
- Lẫn lộn
- Vã nhiều mồ hôi
- Tay chân lạnh
- Đi tiểu ít hơn so với bình thường
Nguyên nhân chính dẫn đến sốc tim chính là những cơn đau tim nặng. Chính vì vậy việc nắm được phần nào các triệu chứng của một cơn đau tim cũng là điều cần thiết. Cụ thể là:
- Có cảm giác áp lực, đau ép ở vùng ngực kéo dài đến vài phút.
- Đau ngực sau đó lan ra phần vai cánh tay, thậm chí đến xương hàm và răng.
- Đau phần bụng trên kéo dài
- Đau ngực gắng sức
- Buồn nôn, nôn
- Đổ mồ hôi
- Bất tỉnh
Ngay khi có một trong những triệu chứng kể trên, cần tìm kiếm dịch vụ y tế một cách nhanh chóng nhất để có thể giảm thiểu thiệt hại và nâng cao tỷ lệ sống sót cho người bệnh. Không nên suy xét những triệu chứng này trong hơn 5 phút và cần có người đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Chỉ khi không còn lựa chọn nào khác thì bệnh nhân mới nên tự lái xe đi.
2. Phương pháp được sử dụng để chẩn đoán sốc tim
Chẩn đoán sốc tim trong các trường hợp khẩn cấp. Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng của sốc tim đồng thời làm thêm các xét nghiệm để có thể tìm ra được nguyên nhân gây sốc.
- Đo huyết áp
Những người bị sốc tim thường có huyết áp rất thấp. Với các trường hợp bệnh nhân được cấp cứu bằng xe cứu thương thì huyết áp sẽ được đo ngay trên xe, trước khi đến bệnh viện.
- Điện tâm đồ (ECG)
Đây là phương pháp đầu tiên được tiến hành để chẩn đoán một cơn đau tim. Trong lúc hỏi người bệnh về các triệu chứng, bác sĩ sẽ đồng thời tiến hành điện tâm đồ. Thông qua các điện cực được gắn trên da, điện tâm đồ có thể ghi lại được hoạt động điện của tim và hiển thị trên màn hình dưới dạng “sóng”. Thông thường, nếu tim đang bị tổn thương thì không thể thực hiện xung điện bình thường. Vì vậy, quan sát ECG bác sĩ có thể biết được có hay không cơn đau tim đang đã xảy ra hoặc đang diễn ra.
- Chụp X-quang ngực
Để kiểm tra hình dạng và kích thước của tim cũng như các mạch máu của nó, bác sĩ cần phải thực hiện chụp X-quang vùng ngực của bệnh nhân.
- Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu được chỉ định thực hiện nhằm phát hiện ra các dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng trong tim, từ đó xác định được xem nếu đã có cơn đau tim xảy ra.
Ngoài ra, người bị sốc tim cũng có thể được yêu cầu làm xét nghiệm khí máu động mạch để đo lường lượng oxy có trong máu.
- Siêu âm tim
Ở phương pháp siêu âm tim, bệnh nhân sẽ được bác sĩ sử dụng thiết bị đầu dò hướng vào vùng ngực. Khi đó, sóng âm được phản xạ trở lại và hiển thị thành hình ảnh trên màn hình. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ xác định được vị trí nào của trái tim đang chịu tổn thương do cơn đau tim gây ra.
3. Điều trị sốc tim
Các phương pháp điều trị sốc tim thường tập trung vào việc sửa chữa và khắc phục những tổn thương ở cơ tim cũng như các cơ quan khác do tình trạng thiếu oxy gây ra.
- Hỗ trợ chức năng sống khẩn cấp
Đây là phương pháp điều trị cần thiết đối với tất cả những người điều trị sốc tim. Người bệnh lúc này sẽ được thêm dưỡng khí nhằm giảm thiểu tổn thương cho cơ. Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể phải sử dụng máy hô hấp (máy thở).
- Thuốc men
Thuốc được bác sĩ chuyên khoa kê đơn có nhiệm vụ làm tăng khả năng bơm máu và cải thiện lưu lượng máu qua tim. Một số loại thuốc thường được chỉ định như: aspirin, tiêu huyết khối, superaspirins, thuốc làm loãng máu (heparin), thuốc vận mạch (dopamine/ epinephrine).
- Thủ thuật y tế
Các thủ thuật y tế được tiến hành nhằm phục hồi lưu lượng máu qua tim. Cụ thể như:
- Nong mạch và đặt stent: Nong mạch vành khẩn cấp giúp mở động mạch vành bị chặn để máu dễ dàng lưu thông đến tim hơn. Ống thông được trang bị một bóng đặc biệt sẽ được chèn đi qua động mạch, thường từ chân tới động mạch bị chặn tắc trong tim. Bóng của ống thông được bơm căng trong thời gian ngắn để có thể mở động mạch vành bị chặn. Cùng lúc đó, việc phục hồi lưu lượng máu tới tim được thực hiện bằng cách đặt một lưới stent kim loại vào động mạch để giữ nó mở lâu dài.
- Bóng động mạch chủ: Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ quyết định có chèn bóng động mạch chủ hay không.
- Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được bác sĩ yêu cầu thực hiện nếu thuốc và các thủ thuật y tế không có hiệu quả.
- Phẫu thuật động mạch vành
- Phẫu thuật sửa chữa tổn thương tim
- Phẫu thuật cấy máy bơm hỗ trợ tim
- Phẫu thuật cấy ghép tim.
Trên đây là một số phương pháp chẩn đoán và điều trị sốc tim phổ biến. Các trường hợp có dấu hiệu đau tim hay sốc tim thì cần tìm kiếm sự giúp đỡ y tế ngay lập tức, như vậy có thể nâng cao được tỷ lệ sống sót cho người bệnh. Thế nhưng, tốt hơn hết, mọi người vẫn nên duy trì lối sống khoa học để có thể hạn chế được tối đa các cơn sốc tim nguy hiểm.
XEM THÊM