Siêu âm thận có nên uống nước?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Khổng Tiến Đạt, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có hơn 14 năm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Siêu âm là phương pháp giúp chẩn đoán chính xác nhiều bệnh lý. Trong đó siêu âm thận được sử dụng để chẩn đoán bệnh lý tại hệ tiết niệu. Việc uống nước trước khi siêu âm thận khoảng một thời gian nhất định giúp cho bàng quang căng nước tiểu và từ đó giúp khảo sát, phát hiện bệnh lý dễ dàng hơn.

1. Siêu âm thận là gì?

Siêu âm là kỹ thuật thăm khám không xâm lấn, không gây đau đớn và là phương pháp tiện dụng, rẻ tiền nhưng lại có giá trị chẩn đoán cao. Người ta có thể được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần để chẩn đoán, theo dõi và kết hợp làm các thủ thuật điều trị bệnh. Cho cho đến nay về cơ bản vẫn chưa thấy những tác dụng không mong muốn của siêu âm trên con người.. Do các tính ưu việt đó nên siêu âm đã được sử dụng rộng rãi như một xét nghiệm thường quy để tầm soát ung thư và khảo sát nhiều bệnh lý ở ổ bụng.

Thông thường khi siêu âm bụng tổng quát để thăm khám các vùng trong ổ bụng như gan, lách, tụy...thì bác sĩ cũng tiến hành thăm khám các cơ quan của hệ tiết niệu.

2. Kỹ thuật siêu âm thận

Siêu âm thận là phương pháp khảo sát hệ tiết niệu bằng sóng âm, khi phát sóng âm qua đầu dò vào các tạng trong ổ bụng sẽ thu về hình ảnh tại bộ xử lý hình ảnh, từ những hình ảnh đó để đưa ra các chẩn đoán bệnh lý nếu có bất thường.

siêu âm thận
Siêu âm thận là kỹ thuật thăm khám không xâm lấn và không gây đau đớn

Kỹ thuật thăm khám thận trong siêu âm thận như sau:

  • Thận nằm ở trong hố thắt lưng, trên mặt phẳng ngang có hướng chếch từ sau ra trước và từ ngoài vào trong. Khi siêu âm thận cần đánh giá theo hường cắt dọc và cắt ngang của thận để đánh giá được chức năng của thận.
  • Khi siêu âm thận phải, bác sĩ thường dựa vào cửa sổ gan để thấy rõ được cực trên của thận và qua lát cắt dưới sườn đề thấy phần dưới của thận.
  • Thận trái thường phải cắt theo hướng sau bên của thành bụng, do khó sử dụng được cửa sổ lách.
  • Niệu quản là cấu trúc nối giữa thận và bàng quang, siêu âm thường thấy đoạn dưới bể thận và đoạn gần bàng quang. Tuy nhiên, thường khó quan sát và đánh giá trừ khi có những bất thường xảy ra. Bên cạnh đó, đánh giá bàng quang của người bệnh.

3. Siêu âm thận có thể phát hiện bệnh lý gì?

Siêu âm thận có thể phát hiện được các bệnh lý đường tiết niệu bao gồm:

  • Biến đổi cấu trúc hệ tiết niệu bẩm sinh như: Bệnh lý bẩm sinh của thận (Thận đôi, thận móng ngựa, thận sa, thận lạc chỗ, bất sản thận..), bệnh lý niệu quản (sa lồi niệu quản, niệu quản đôi...), Bàng quang( bàng quang đôi, túi thừa bàng quang, sa bàng quang...).
  • Bệnh lý nang thận: Nang thận đơn thuần, nang thận mắc phải, thận đa nang...
  • Bệnh lý khối u thận: Khối u lành tính (U cơ mỡ mạch, u tuyến...) và khối u ác tính (ung thư biểu mô tế bào thận, u lympho...).
  • Ung thư bàng quang, khối u bất thường tại bàng quang.
  • Giãn và bít tắc hệ thống đài bể thận: Giãn bể thận, ứ mủ bể thận, ứ nước thận...
  • Sỏi thận, sỏi niệu quản và sỏi bàng quang.
  • Bệnh lý nhiễm trùng và viêm hệ tiết niệu: Viêm thận-bể thận, áp-xe thận, lao thận...
Siêu âm
Siêu âm thận giúp phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý đường tiết niệu

4. Siêu âm thận có nên uống nước?

Đối với siêu âm thận, bệnh nhân cần phải uống đủ nước trước khi siêu âm khoảng 1 giờ để cho bàng quang căng nước tiểu giúp các bác sĩ dễ dàng quan sát hình ảnh thận cũng như một số cơ quan khác trong hệ tiết niệu. Cụ thể:

  • Khi nước tiểu trong bàng quang căng sẽ tạo môi trường truyền âm tốt, giúp tăng cường âm cho các tia sóng siêu âm đi qua (do cung cấp môi trường tốt để dẫn âm thanh).
  • Khi bàng quang căng nước tiểu sẽ giúp đánh giá tốt cấu trúc bên trong bàng quang, những bất thường của bàng quang. Khi căng nước tiểu sử dụng cửa sổ truyền âm từ bàng quang để phát hiện sỏi vị trí đoạn xa của niệu quản, gần bàng quang giúp chẩn đoán vị trí và kích thước sỏi niệu quản.

Ngoài ra, khi có nhiều nước tiểu trong bàng quang làm cho bàng quang căng dẫn đến thay đổi vị trí của tử cung, từ đó tử cung được đẩy lên dễ dàng quan sát hơn. Bàng quang căng dễ quan sát các cơ quan trong vùng tiểu khung như niệu quản, tuyến tiền liệt, tử cung, thai dưới 3 tháng.

Thủng bàng quang khiến vi khuẩn xâm nhập nên nước tiểu có mùi hôi
Bàng quang căng nước tiểu giúp việc quan sát hình ảnh thận và các cơ quan khác dễ dàng hơn

5. Lưu ý về cách uống nước khi siêu âm thận

Trước khi thực hiện siêu âm thận, bệnh nhân cần chú ý về cách uống nước như sau:

  • Nên nhịn tiểu để khi thấy buồn tiểu thì bắt đầu siêu âm, không nên nhịn tiểu quá mức, như vậy sẽ làm cho bàng quang căng giãn quá mức gây ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh. Bệnh nhân cảm giác khó chịu khi ấn vào vùng bàng quang để siêu âm.
  • Khi bàng quang căng nước tiểu quá mức, có thể dẫn tới giãn đài bể thận sinh lý. Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng vì tình trạng này sẽ hết sau khi đi tiểu.
  • Nên uống từ 4-6 cốc nước trước khi siêu âm khoảng 01 giờ, như vậy sẽ giúp bàng quang căng nước tiểu trước khi khám.

Việc uống đủ nước để bàng quang căng nước tiểu giúp bác sĩ siêu âm khảo sát tốt các cơ quan vùng tiểu khung và cho kết quả chính xác hơn. Khi không có nước tiểu việc khảo sát sẽ trở lên khó khăn hơn và không thể chẩn đoán chính xác bệnh, người bệnh cần phải chờ thêm thời gian để bàng quang căng nước tiểu. Người bệnh nên chủ động uống đủ nước trước khi thăm khám bệnh để có kết quả và tránh phải chờ lâu khi thăm khám.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan