Rối loạn trầm cảm mãn tính: Những điều cần biết

Rối loạn trầm cảm mãn tính (rối loạn tính khí, rối loạn trầm cảm dai dẳng) là tình trạng gây ra triệu chứng kéo dài ít nhất 2 năm. Bệnh nhân có thể có các giai đoạn trầm cảm nặng và các giai đoạn có triệu chứng nhẹ hơn.

1. Giải đáp: Rối loạn trầm cảm mãn tính là gì?

Rối loạn trầm cảm mãn tính còn gọi là chứng trầm cảm thường xuyên, rối loạn trầm cảm dai dẳng. Đây là tình trạng người bệnh mất hứng thú trong các hoạt động bình thường hằng ngày, không có hy vọng, năng suất lao động giảm, có cảm giác hụt hẫng,... Những cảm xúc này kéo dài trong nhiều năm, có thể ảnh hưởng đáng kể tới các mối quan hệ, học tập, công việc hay các hoạt động hằng ngày.

Nếu mắc rối loạn trầm cảm mãn tính, người bệnh thường khó tìm được cảm giác lạc quan, thậm chí cả vào những thời điểm hạnh phúc nhất. Người bệnh có thể được mọi người nhận xét là có tính cách ảm đạm, hay buồn chán, phàn nàn,... Mặc dù tình trạng này không nghiêm trọng như trầm cảm nặng nhưng cũng gây khá nhiều phiền lụy cho cuộc sống của người bệnh.

2. Triệu chứng của rối loạn trầm cảm mãn tính

Các triệu chứng phổ biến của rối loạn trầm cảm mãn tính gồm:

  • Mất hứng thú trong những hoạt động hằng ngày;
  • Thường xuyên cảm thấy buồn, trống rỗng;
  • Tuyệt vọng;
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng;
  • Hay tự trách cứ bản thân hoặc mất tự tin;
  • Khó tập trung trong công việc, khó đưa ra quyết định;
  • Thường xuyên khó chịu, nóng giận quá mức;
  • Kém năng động, hiệu quả công việc và năng suất thấp;
  • Ít tham gia, hòa mình vào các hoạt động xã hội;
  • Thường cảm thấy tội lỗi và lo lắng về quá khứ;
  • Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc ăn quá nhiều;
  • Rối loạn giấc ngủ;
  • Ở trẻ em: Tâm trạng chán nản, hay cáu gắt,...

Các triệu chứng rối loạn trầm cảm mãn tính thường xuất hiện và biến mất trong khoảng vài năm, cường độ có thể thay đổi theo thời gian. Các đợt trầm cảm nặng có thể xảy ra trước hoặc trong thời gian bị rối loạn trầm cảm dai dẳng - còn gọi là trầm cảm đúp.

Khi những cảm xúc trên tồn tại trong một thời gian dài, người bệnh nên đến gặp bác sĩ. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng mình gặp phải và nhận lời khuyên phù hợp. Nếu chưa sẵn sàng tìm đến các chuyên gia tâm lý, bạn có thể trao đổi với bạn bè, người thân hay ai đó mà bạn tin tưởng. Nếu bạn nghĩ mình có thể gây tổn thương cho bản thân hoặc người khác, bạn nên nói với người thân ngay lập tức.

3. Nguyên nhân dẫn tới rối loạn trầm cảm dai dẳng

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm mãn tính. Một số nguyên nhân được đề cập là:

  • Sự khác biệt sinh học: Những người bị rối loạn trầm cảm dai dẳng có một số thay đổi về thể chất trong não. Mức độ thay đổi này có thể là nguyên nhân gây bệnh;
  • Các chất hóa học trong não: Các chất dẫn truyền thần kinh trong não có thể giữ một vai trò đối với bệnh trầm cảm. Nghiên cứu gần đây cho thấy sự thay đổi chức năng và tác động của các chất dẫn truyền thần kinh và cách chúng tương tác với mạch thần kinh có liên quan tới việc duy trì tâm trạng ổn định;
  • Đặc điểm di truyền: Tình trạng rối loạn trầm cảm mãn tính phổ biến hơn ở những người có người thân mắc phải căn bệnh này;
  • Các sự kiện trong cuộc sống: Những sự kiện đau buồn như mất đi người thân, căng thẳng quá mức, vấn đề tài chính,... có thể gây rối loạn trầm cảm dai dẳng.

4. Phương pháp điều trị rối loạn trầm cảm mãn tính

Có 2 phương pháp chính được sử dụng để điều trị rối loạn trầm cảm dai dẳng là: Dùng thuốc và liệu pháp tâm lý. Bác sĩ sẽ khuyến nghị người bệnh lựa chọn phương pháp phù hợp dựa trên các yếu tố: Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, mong muốn của bệnh nhân, các phương pháp điều trị trước đây, khả năng chịu đựng, các vấn đề tình cảm khác,...

4.1 Dùng thuốc

Các loại thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng để điều trị rối loạn trầm cảm mãn tính gồm:

*Lưu ý: Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc.

4.2 Tâm lý trị liệu

Điều trị trầm cảm bằng cách nói chuyện với bác sĩ tâm lý là lựa chọn của nhiều bệnh nhân, đặc biệt là với nhóm trẻ em, thanh thiếu niên bị rối loạn trầm cảm dai dẳng. Bệnh nhân và bác sĩ có thể thảo luận về loại hình điều trị phù hợp, mục tiêu điều trị, thời gian điều trị,...

Tâm lý trị liệu giúp người bệnh:

  • Điều chỉnh tâm trạng khi gặp khủng hoảng hoặc khó khăn;
  • Xác định các vấn đề làm tăng nguy cơ trầm cảm và thay đổi những hành vi có thể khiến bệnh nặng hơn;
  • Xác định niềm tin và các hành vi tiêu cực để thay thế chúng bằng những thứ tích cực, lành mạnh;
  • Tìm được các biện pháp tốt hơn để đối phó và giải quyết vấn đề;
  • Khám phá các mối quan hệ, trải nghiệm, phát triển các tương tác tích cực với người khác;
  • Lấy lại cảm giác hài lòng, kiểm soát cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng trầm cảm: Vô vọng, tức giận,...;
  • Học được cách thiết lập những mục tiêu thực tế cho cuộc sống.

5. Biện pháp hạn chế sự tiến triển của rối loạn trầm cảm mãn tính

Thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn đối phó với tình trạng bệnh rối loạn trầm cảm dai dẳng và hạn chế sự tiến triển của bệnh:

  • Tuân thủ kế hoạch điều trị: Bệnh nhân không nên từ bỏ những buổi trị liệu tâm lý hoặc các cuộc hẹn khám bệnh. Dù đã cảm thấy ổn hơn, người bệnh cũng không nên tự ý ngưng thuốc mà cần phải tham vấn ý kiến của chuyên gia;
  • Tìm hiểu về tình trạng bệnh: Bạn nên tìm hiểu về tình trạng bệnh của bản thân để tuân thủ điều trị tốt hơn. Bạn cũng nên khuyến khích gia đình tìm hiểu về bệnh lý này để được người thân hiểu và đồng cảm hơn;
  • Chú ý tới những dấu hiệu cảnh báo: Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về những yếu tố có thể kích hoạt triệu chứng trầm cảm. Sau đó, bạn cần lên kế hoạch để biết bản thân phải làm gì để đối phó với triệu chứng của bệnh;
  • Chăm sóc bản thân: Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn,... Các bài tập tốt cho sức khỏe là đi bộ, chạy bộ, làm vườn, bơi lội, tập yoga,... Ngoài ra, bạn nên chú ý ngủ đủ giấc, tránh mất ngủ bởi giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần;
  • Tránh uống rượu và các chất kích thích: Chúng có thể làm tình trạng trầm cảm trở nên tệ hơn và gây khó khăn cho việc điều trị.

Khi bị rối loạn trầm cảm mãn tính, người bệnh nên đi khám bác sĩ tâm lý và tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ để có suy nghĩ và hành vi tích cực hơn, không đắm chìm vào tình trạng u uất, buồn bã,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan