Quy trình chụp cắt lớp vi tính hàm mặt có dựng hình 3D không tiêm thuốc cản quang

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp phim cắt lớp vi tính hàm mặt có dựng hình 3D được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý vùng hàm mặt. Kỹ thuật chụp đơn giản, không xâm lấn có giá trị cao trong chẩn đoán bệnh.

1. Ý nghĩa chụp cắt lớp vi tính hàm mặt có dụng hình 3D

Chụp cắt lớp vi tính hàm mặt có dựng hình 3D không sử dụng thuốc cản quang với mục đích để thăm khám bệnh lý vùng hàm mặt, dựng hình theo mặt phẳng không gian ba chiều giúp chẩn đoán và theo dõi sự tiến triển của bệnh.

Ngoài ra, chụp cắt lớp vi tính hàm mặt có dựng hình 3D còn được ứng dụng trong phẫu thuật, tạo hình vùng hàm mặt. Một số người do chấn thương hay bẩm sinh có cấu trúc vùng mặt hàm bất thường, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Từ việc chụp và tạo hình 3D phát hiện được những hình ảnh giải phẫu bất thường, từ đó lên kế hoạch điều trị phù hợp.

Chụp CT
Chụp cắt lớp vi tính cho phép chẩn đoán chính xác những tổn thương liên quan đến hàm mặt

2. Chỉ định, chống chỉ định cắt lớp vi tính hàm mặt dựng hình 3D

Chỉ định chụp cắt lớp vi tính hàm mặt dựng hình 3D:

  • Chấn thương vùng hàm mặt.
  • Bất thường bẩm sinh vùng hàm mặt.
  • Bệnh lý xoang hàm mặt.

Chống chỉ định: Phương pháp này không sử dụng thuốc cản quang nên không có chống chỉ định tuyệt đối. Với phương pháp này chỉ có chống chỉ định tương đối.

  • Phụ nữ có thai, nhất là mang thai trong 3 tháng đầu cần cân nhắc kỹ trước khi chụp. Khi chụp phải có áo bằng chì để che vùng bụng.
  • Trẻ nhỏ khi chụp có thể gây ra một số ảnh hưởng tới sự phát triển ở trẻ.
Chấn thương hàm mặt
Bệnh nhân chấn thương vùng hàm mặt được chỉ định chụp cắt lớp vi tính

3. Quy trình chụp cắt lớp vi tính hàm mặt có dựng hình 3D không tiêm thuốc cản quang

3.1 Chuẩn bị

Người thực hiện: Để chụp phim cắt lớp vi tính vùng hàm mặt cần có đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.

Phương tiện dùng để chụp chụp cắt lớp vi tính vùng hàm mặt gồm có:

Người bệnh:

  • Người bệnh được giải thích rõ ràng về cách chụp và một số tai biến có thể xảy ra khi chụp để có thể phối hợp với người chụp.
  • Tháo bỏ các vật dụng có thể gây ra nhiễu ảnh, ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh như khuyên tai, vòng cổ, cặp tóc... (nếu có)
  • Người bệnh quá kích thích, lo lắng và sợ hãi hoặc trường hợp trẻ nhỏ có thể cử động, không phối hợp khi chụp: Cho thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ điều trị trước khi chụp.
Máy chụp cắt lớp vi tính
Hình ảnh máy chụp cắt lớp vi tính

3.2 Các bước tiến hành

Bước 1: Chụp theo hướng cắt ngang

  • Tư thế bệnh nhân: Bệnh nhân nằm ngửa trên giường chụp, giữa yên đầu, khi chụp cần phải nằm im, không cử động khi chụp vì gây ra nhiễu ảnh.
  • Thực hiện chụp định vị, mặt phẳng chụp song song với khẩu cái cứng.
  • Chụp theo hướng ngang từ vị trí bờ dưới xương hàm dưới tới bờ trên ổ mắt.
  • Độ dày của mỗi lát cắt là 3mm.
  • Chụp xoắn ốc nhằm mục đích tạo hình theo các hướng.

Bước 2: Sau khi chụp theo hướng cắt ngang, tái tạo hình ảnh theo hướng đứng ngang nhưng đảm bảo chất lượng hình ảnh tốt như theo hướng cắt ngang. Từ đó tái tạo và dựng hình 3D.

Bước 3: Xác định hình ảnh đạt chuẩn và in kết quả theo cả hai hướng cắt ngang và tái tạo đứng ngang, tái tạo 3D theo cả cửa sổ xương và phần mềm.

3.3 Nhận định kết quả

  • Bác sĩ đọc kết quả, mô tả tổn thương: Vị trí tổn thương, cấu trúc tổn thương, kích thước, mức độ lan rộng của tổn thương...
  • Đối chiếu hình ảnh cắt lớp vi tính và lâm sàng
  • Đưa ra các định hướng chẩn đoán và bác sĩ điều trị tạo hướng điều trị.
  • Đồng thời có thể đưa đề nghị các thăm khám khác phối hợp.
  • Bác sĩ có thể tư vấn thêm về chuyên môn cho người bệnh nếu có yêu cầu.
Chụp cắt lớp vi tính
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính được xử lý qua phần mềm

4. Tai biến và cách xử lý tai biến khi chụp

Phương pháp chụp cắt lớp vi tính hàm mặt vùng hàm mặt có dựng hình 3D không tiêm thuốc cản quang nên không có tai biến nào xảy ra.

Tuy nhiên đôi khi có thể xảy ra một số trường hợp như:

  • Trẻ nhỏ có thể không hợp tác trong quá trình chụp như quấy khóc, cử động nhiều ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh hoặc một số người quá lo lắng hồi hộp, sợ hãi khi chụp. Có thể chụp lúc trẻ ngủ, dùng thuốc an thần hoặc có khi phải gây mê tùy trường hợp.
  • Ảnh hưởng tới phụ nữ mang thai: Do sử dụng tia X trong quá trình chụp nên có nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Vì vậy nếu mang thai cần khai báo với bác sĩ, để cân nhắc những rủi ro, lợi ích và các biện pháp bảo vệ khi chụp.

Trên đây là quy trình chụp cắt lớp vi tính có dựng hình 3D không tiêm thuốc đối quang. Quy trình chụp phim khá đơn giản, không xâm lấn, có giá trị chẩn đoán cao trong bệnh lý hàm mặt. Tuy nhiên cần có máy chụp đa dãy và quan trọng để chẩn đoán chính xác bệnh cần có đội ngũ bác sĩ chuyên môn tốt đọc phim để hạn chế bỏ sót tổn thương.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan