Quản lý bệnh đái tháo đường trên người có bệnh lý gan mạn tính

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Quản lý bệnh đái tháo đường trên người có bệnh lý gan mạn tính đang là một vấn đề khó khăn, thách thức đối với các bác sĩ. Đây là hậu quả của tình trạng gia tăng béo phì và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

1. Bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính với biểu hiện lượng đường trong máu của người bệnh luôn cao hơn mức bình thường. Do cơ thể của người bệnh bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn tới rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Bệnh nhân đái tháo đường có những đặc điểm sau:

  • Tăng glucose máu
  • Kết hợp với những bất thường về chuyển hóa lipid, protein, carbonhydrat,...
  • Bệnh có xu hướng pháp triển các bệnh về mắt, thần kinh, tim mạch, gan, biến chứng thận.

Đái tháo đường được chia thành 2 loại:

  • Đái tháo đường type 1: Tế bào bêta của tuyến tụy bị phá hủy do nguyên nhân tự miễn hoặc không rõ nguyên nhân, gây nên thiếu insulin tuyệt đối.
  • Đái tháo đường type 2: Do tế bào của cơ thể kháng với insulin, dẫn đến thiếu insulin tương đối. Tức là insulin vẫn tiết ra với số lượng bình thường nhưng thiếu so với đòi hỏi của cơ thể.

Trong đó, đái tháo đường typ 2 là dạng phổ biến nhất, chiếm khoảng 90-95% trong số các bệnh nhân đái tháo đường.

tiểu đường type 2
Tiểu đường type 2 là dạng phổ biến nhất trong đái tháo đường

2. Mối liên hệ giữa đái tháo đường và bệnh lý về gan

Gan có vai trò quan trọng trong chuyển hóa carbohydrate, chịu trách nhiệm cho sự cân bằng nồng độ glucose trong máu. Cân bằng chuyển hóa của glucose bị suy giảm khi có bệnh gan mạn tính dẫn tới kháng insulin, không dung nạp glucose và đái tháo đường. Tỷ lệ đái tháo đường ở bệnh nhân gan mạn tính chiếm khoảng 18-71%. Ngoài ra, ở bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính, tình trạng không dung nạp glucose lên đến 80%. Do đó, bệnh đái tháo đường và bệnh gan mạn tính thường cùng tồn tại và các bằng chứng hiện có cho thấy bệnh gan mạn tính làm tăng các biến chứng và tử vong sớm ở bệnh nhân đái tháo đường.

Ngoài ra, bệnh đái tháo đường cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh gan mạn tính và ung thư biểu mô tế bào gan. Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh xơ gan, gan nhiễm mỡ không do rượu là một tình trạng hoạt tử gan mạn tính, dẫn đến suy tế bào gan và cuối cùng là ung thư biểu mô tế bào gan.

3. Quản lý bệnh đái tháo đường ở bệnh nhân có bệnh lý gan mạn tính

Gan là nơi chuyển hóa chính của hầu hết các thuốc đái tháo đường. Hơn nữa, bệnh gan mạn tính có liên quan đến các biến chứng như suy giảm chức năng thận, nhiễm acid lactic và hạ đường huyết. Có tới hơn 50% bệnh nhân mắc bệnh gan bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ hạ đường huyết. Do đó, việc quản lý bệnh đái tháo đường ở bệnh nhân có bệnh lý gan mạn tính đang là một thách thức đối với các bác sĩ chuyên khoa nội tiết và tiêu hóa.

Suy gan
Bệnh gan mạn tính làm tăng các nguy cơ mắc đái tháo đường

3.1 Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống và luyện tập có thể giúp cải thiện sự đề kháng insulin, nhưng có thể không phù hợp cho bệnh nhân đang mắc bệnh lý gan mạn tính hoạt động. Trong khi đó chế độ ăn kiêng lại có thể làm nặng lên tình trạng suy dinh dưỡng cho bệnh nhân. Do đó, các khuyến cáo về thay đổi chế độ ăn và luyện tập là dựa theo kinh nghiệm và chưa có đánh giá trên bệnh nhân xơ gan.

Vì vậy, bệnh nhân cần được tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn và luyện tập phù hợp đối với từng giai đoạn của bệnh.

3.2 Các loại thuốc điều trị

Một số loại thuốc điều trị cho bệnh đái tháo đường trên người có bệnh lý gan mạn tính như:

  • Insulin: Khoảng 60% bệnh nhân xơ gan cần điều trị Insulin. Liệu pháp insulin có thể được sử dụng ở bất kỳ giai đoạn nào của xơ gan. Tuy nhiên, hiệu quả lâu dài và độ an toàn của Insulin trên bệnh nhân xơ gan chưa được nghiên cứu. Nhu cầu Insulin tăng cao ở bệnh nhân xơ gan còn bù, trong khi thấp hẳn ở nhóm bệnh nhân xơ gan mất bù, dẫn đến giảm chức năng gan và sự tân tạo đường. Vì thế khuyến cáo sử dụng Insulin ở bệnh nhân xơ gan nên được dò liều, theo dõi sát tránh nguy cơ hạ đường huyết.
kháng insulin
Người bệnh có thể được áp dụng liệu pháp insulin ở bất kỳ mọi giai đoạn của xơ gan
  • Biguanide: Metformin là liệu pháp đầu tiên cho bệnh nhân đái tháo đường type 2. Nhóm thuốc này không trải qua quá trình chuyển hóa ở gan và được bài tiết dưới dạng không đổi qua bài tiết ở ống thận và lọc cầu thận qua nước tiểu.
  • Sulffonylureas: có thể làm tăng khả năng gây hạ đường huyết. Do đó, theo khuyến cáo không nên dùng sulffonylureas cho những bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính có nguy cơ hạ đường huyết.
  • Liệu pháp phụ thuốc hiệu ứng incretin: bao gồm thuốc đồng vận GLP-1 đường tiêm và thuốc ức chế DPP-4. Cả hai loại thuốc này hầu như không chuyển hóa qua gan, đào thải qua thận dưới dạng không thay đổi, do đó thuốc gần như an toàn trên bệnh nhân xơ gan.
  • Thuốc ức chế alpha-glucosidase: tác dụng chủ yếu trong đường tiêu hóa và được đặc trưng bởi sinh khả dụng toàn thân thấp và được chuyển hóa trong đường tiêu hóa. Do đó, thuốc có thể đặc biệt hữu ích ở bệnh nhân mắc bệnh gan.
  • Ngoài kiểm soát tốt các chỉ số tiểu đường cũng như giảm nguy cơ hạ đường máu, bệnh nhân cũng đồng thời cần điều trị kiểm soát tốt các chỉ số về lipid máu, trong đó cần xem xét tác dụng phụ của các thuốc này lên chức năng gan, bên cạnh đó bệnh nhân cũng cần được sử dụng thêm một số thuốc để hỗ trợ chức năng gan.

Tóm lại, quản lý bệnh đái tháo đường trên người có bệnh lý gan mạn tính đang là vấn đề nhức nhối đối với các bác sĩ. Do đó, người bệnh cần tuyệt đối tuân theo phác đồ điều trị, không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc nam. Ngoài ra, cần thăm khám định kỳ theo lịch hẹn để biết được tiến triển, tình trạng của bệnh gan mạn tính, từ đó bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp đối với từng giai đoạn của bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan