Nhiễm ấu trùng sán dải heo hệ thần kinh trung ương

Nhiễm ấu trùng sán dải heo hệ thần kinh trung ương bị gây ra bởi chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”. Vậy các triệu chứng thường gặp của bệnh cũng như phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh là gì?

1. Nhiễm ấu trùng sán dải heo hệ thần kinh trung ương là gì?

Ấu trùng sán dải heo là bệnh gì? Nhiễm ấu trùng sán dải heo hệ thần kinh trung ương (hay còn có tên gọi khác là nhiễm ấu trùng sán lợn hệ thần kinh trung ương – Neurocysticercosis) là một dạng bệnh ký sinh trùng phổ biến nhất ở hệ thần kinh. Đồng thời đây cũng là một trong nguyên nhân chính dẫn đến bệnh động kinh ở các nước đang phát triển.

Người bệnh có thể bị nhiễm ấu trùng sán dải heo hệ thần kinh trung ương thông qua việc tiếp xúc phân – miệng với những người mang trùng hoặc vô tình ăn phải thức ăn bị ô nhiễm. Theo thống kê, có nhiều trường hợp người bệnh sán dải heo mắc bệnh do nuốt phải trứng sán vào ruột.

sán dải heo
Nhiễm ấu trùng sán dải heo do ăn phải thức ăn ô nhiễm

Khi ăn thịt heo có nhiễm sán và chưa được nấu chín, các nang sán sẽ xâm nhập vào bên trong ruột non. Thông qua các giác bám và móc, chúng bám vào thành ruột và phát triển thân sán với nhiều đốt, một đốt sán có thể chứa tới 60.000 trứng sán.

Ấu trung sau khi nở sẽ vượt qua thành ruột đi vào máu và đến các mô khác trong cơ thể để tìm nơi cư trú tạo nang sán. Thông thường, hầu hết ấu trùng được tìm thấy trong hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, đôi khi ấu trùng cũng có thể cư trú trong các mô, các cơ, dưới da hoặc trong hốc mắt.

2. Triệu chứng thường gặp khi nhiễm ấu trùng sán dải heo

Tùy thuộc vào vị trí nang và số lượng nang ấu trùng mà các triệu chứng lâm sàng ở người nhiễm ấu trùng sán dải heo có sự khác nhau nhất định.

Các triệu chứng lâm sàng có thể bắt gặp ở người bệnh như:

  • Ấu trùng tại não: biểu hiện chức năng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí cư trú của ấu trùng như nói ngọng, động kinh, tăng áp lực nội sọ (đau đầu dữ dội) hoặc rối loạn ý thức.
  • Ấu trùng tại mắt: gây nang trong hốc mắt, mí mắt hoặc kết mạc. Các triệu chứng có thể xuất hiện như tăng nhãn áp, chảy nước mắt, giảm thị lực, song thị, chèn ép sau nhãn cầu,...
  • Ấu trùng tại cơ vân: dưới da có thể xuất hiện các nang với kích thước từ 0,5 – 2cm và di động dễ dàng, không gây ngứa; các nang ở cơ liên sườn, lưng, ngực hoặc cơ bắp tay, chân có thể dẫn đến tình trạng đau đầu mãn tính, máy, giật cơ,...
  • Nang ấu trùng tại cơ tim: tiếng tim biến đổi, làm tim đập nhanh khiến người bệnh khó thở và dễ ngất xỉu,...
Ngất xỉu
Ấu trùng sán tại cơ tim có thể khiến người bệnh ngất xỉu

3. Chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán dải heo hệ thần kinh trung ương

Để chẩn đoán chính xác bệnh nhiễm ấu trùng sán dải heo hệ thần kinh trung ương, người bệnh có thể được chỉ định tiến hành một hoặc nhiều các kỹ thuật sau:

  • Sinh thiết các nang sán dưới da để tìm ra ấu trùng sán.
  • Tìm các hình ảnh đặc hiệu của nang sán thông qua chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) và có thể kết hợp chụp cộng hưởng từ MRI để nhận được hình ảnh quan sát rõ hơn.
  • Phương pháp ELISA dịch não tủy giúp phát hiện kháng thể và kháng nguyên ấu trùng sán dải heo (độ đặc hiệu 65% và độ nhạy 50%).
  • Các bệnh nhân mới khởi phát co giật hoặc khiếm khuyết thần kinh có thể được chỉ định làm xét nghiệm dịch não tủy.
  • Trường hợp tăng nhãn áp, nhức sau nhãn cầu, giảm thị lực nên soi đáy mắt để kiểm tra xem có sán ở ổ mắt hay không.
  • Một số xét nghiệm khác như: xét nghiệm phân (10 – 15% bệnh nhân mắc bệnh có sán dải heo trong phân), xét nghiệm công thức máu toàn phần (kiểm tra bạch cầu ái toan Eo).

4. Xử trí bệnh nhiễm ấu trùng sán dải heo hệ thần kinh trung ương

Bệnh nhiễm ấu trùng sán dải heo hệ thần kinh trung ương cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện phân có đốt sán để hạn chế được tối đa các biến chứng có thể xảy ra.

thuốc
Xử trí bệnh nhiễm ấu trùng sán dải heo hệ thần kinh trung ương bằng thuốc

Tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của ấu trùng mà có cách xử trí bệnh nhiễm ấu trùng sán dải heo hệ thần kinh trung ương khác nhau.

  • Đối với các trường hợp ký sinh trùng đã chết: chủ yếu là điều trị các triệu chứng kết hợp sử dụng thuốc chống co giật để điều trị động kinh.
  • Đối với trường hợp ký sinh trùng còn sống: bệnh nhân có thể được chỉ định các đợt điều trị steroid với các loại thuốc như albendazole, praziquantel và niclosamide.
  • Ngoài ra, các trường hợp não úng thủy, tắc nghẽn do viêm màng nhện hoặc khoáng dưới nhện và trong bể não xuất hiện nhiều nang sán sẽ được cân nhắc và chỉ định can thiệp phẫu thuật sớm nhất có thể.

5. Các biện pháp phòng chống nhiễm ấu trùng sán dải heo

Để có thể phòng ngừa nhiễm ấu trùng sán dải heo hệ thần kinh trung ương một cách hiệu quả nhất, bạn nên:

  • Không ăn các loại thực phẩm chưa được nấu chín bao gồm thịt heo, gan heo, nem chua, thính,...
  • Không uống nước lã hay ăn rau sống.
  • Quản lý phân tốt, luôn đảm bảo hố xí sử dụng hợp vệ sinh.
  • Không nên nuôi heo thả rông để tránh trường hợp heo ăn phải phân người nhiễm ấu trùng sán dải heo.
  • Phát hiện và điều trị sớm các trường hợp nhiễm sán dải heo, đặc biệt cần lưu ý xử lý những con sán đã được tẩy ra.

Người bệnh khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh thì nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được phát hiện và chẩn đoán kịp thời. Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan