Nang tóc: Chức năng và giải phẫu

Thông thường, các nang tóc sẽ chịu trách nhiệm cho sự phát triển của tóc, diễn ra theo chu kỳ gồm ba giai đoạn khác nhau. Các nang này cũng đồng thời xác định nên loại tóc của bạn, chẳng hạn như tóc thẳng hoặc xoăn. Một khi bị tổn thương, các nang tóc có thể ngừng sản xuất tóc và khiến chu kỳ phát triển của tóc bị chậm lại.

1. Giải phẫu của nang tóc

Nang tóc là một cấu trúc hình túi nằm ở lớp biểu bì (lớp ngoài cùng) của da. Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ cho biết, con người sẽ có trung bình khoảng 100.000 nang tóc trên da đầu. Tóc sẽ bắt đầu mọc ở phần dưới cùng của nang tóc. Phần gốc của tóc được tạo thành từ các tế bào protein và được nuôi dưỡng nhờ các mạch máu lân cận.

Khi càng tạo ra nhiều tế bào thì tóc sẽ nhô ra khỏi da và vươn ra ngoài bề mặt của da đầu. Trong khi đó, các tuyến bã nhờn gần các nang tóc sẽ giữ chức năng sản xuất ra dầu, giúp nuôi dưỡng tóc và da luôn khỏe mạnh và đầy đủ độ ẩm cần thiết để phát triển.

2. Chu kỳ phát triển của tóc

Thông thường, tóc sẽ mọc ra khỏi nang tóc và phát triển theo một chu kỳ nhất định. Một chu kỳ phát triển của tóc sẽ trải qua 3 giai đoạn khác nhau, bao gồm:

Giai đoạn Anagen (tăng trưởng): tóc bắt đầu mọc lên từ gốc. Giai đoạn này thường kéo dài từ ba đến bảy năm.

Giai đoạn Catagen (chuyển tiếp): sự phát triển của tóc bắt đầu có dấu hiệu chậm lại, và nang tóc cũng co lại trong giai đoạn này. Thông thường, Catagen sẽ kéo dài từ hai đến bốn tháng.

Giai đoạn Telogen (nghỉ ngơi): các sợi tóc cũ sẽ rụng đi và được thay thế bởi những sợi tóc mới bắt đầu mọc ra từ cùng một nang tóc. Điều này thường kéo dài từ ba đến bốn tháng.


Chu kỳ sinh trưởng của tóc
Chu kỳ sinh trưởng của tóc

Theo các nghiên cứu gần đây cho thấy, các nang tóc không chỉ đơn thuần là “nghỉ ngơi” trong giai đoạn Telogen. Có rất nhiều các hoạt động tế bào xảy ra trong giai đoạn này nhằm giúp tái tạo lại các mô và tạo điều kiện cho tóc mọc nhiều hơn. Nói cách khác, giai đoạn Telogen giữ vai trò vô cùng quan trọng, góp phần hình thành nên một mái tóc khỏe mạnh.

Ngoài ra, mỗi một nang tóc khác nhau sẽ trải qua các giai đoạn khác nhau của cùng một chu kỳ phát triển. Một số nang có thể đang ở trong giai đoạn phát triển, trong khi những nang khác có thể đang ở giai đoạn nghỉ ngơi. Hoặc một số sợi tóc đang trong giai đoạn phát triển, trong khi những sợi khác lại rụng đi.

Theo các nhà nghiên cứu cho biết, một người bình thường sẽ bị rụng khoảng 100 sợi tóc vào mỗi ngày. Chưa hết, trong khoảng 90% nang tóc của bạn có thể đang ở trong giai đoạn Anagen tại bất kỳ thời điểm nào.

3. Vai trò của nang tóc

Trung bình mỗi tháng, tóc của bạn sẽ mọc ra khoảng nửa inch. Nhìn chung, tốc độ mọc tóc của bạn có thể bị ảnh hưởng ít nhiều bởi tuổi tác, loại tóc và sức khỏe tổng thể của bạn.

Các nang tóc không chỉ chịu trách nhiệm về mức độ phát triển của tóc mà chúng còn ảnh hưởng đáng kể đến vẻ ngoài của mái tóc. Hình dạng của nang tóc sẽ quyết định đến mức độ xoăn của tóc. Các nang tròn sẽ tạo ra tóc thẳng, trong khi đó các nang hình bầu dục sẽ tạo ra mái tóc xoăn hơn.

Bên cạnh đó, các nang tóc cũng đóng một phần trong việc quyết định nên màu tóc của một người. Tương tự như da, tóc của chúng ta cũng có sắc tố do sự hiện diện của melanin. Đối với màu tóc của con người thường được quyết định bởi hai loại melanin chính, bao gồm eumelanin và pheomelanin.

Thông qua các gen sẽ giúp xác định xem liệu bạn có eumelanin hay pheomelanin, cũng như lượng sắc tố mà bạn có. Lượng eumelanin dồi dào giúp cho tóc có màu đen, một lượng eumelanin vừa phải sẽ làm cho tóc có màu nâu. Nếu trong nang tóc có chứa ít eumelanin thì tóc bạn sẽ có màu vàng. Mặt khác, sắc tố pheomelanin sẽ làm cho tóc có màu đỏ.

Như vậy, cả hai melanin này đều được lưu trữ trong các tế bào nang tóc, sau đó quyết định nên màu sắc của tóc. Vào một thời điểm nào đó, các nang tóc có thể mất đi khả năng sản xuất ra các hắc sắc tố melanin (đặc biệt ở những người lớn tuổi), dẫn đến sự phát triển của tóc bạc hoặc tóc trắng.

Nếu tóc bị bật ra khỏi nang tóc, chúng có thể mọc trở lại. Tuy nhiên, khi nang tóc bị tổn thương sẽ làm ngừng quá trình sản xuất tóc. Trong một số tình trạng nhất định, chẳng hạn như chứng rụng tóc có thể khiến cho các nang lông ngừng sản xuất tóc hoàn toàn.


Hình ảnh vị trí của nang tóc
Hình ảnh vị trí của nang tóc

4. Một số vấn đề liên quan đến nang tóc

Một số tình trạng về tóc có thể bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến nang tóc. Nếu bạn đang mắc phải một trong số các tình huống sau đây, hoặc có các triệu chứng không rõ nguyên nhân (chẳng hạn như rụng tóc), thì tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu.

Bệnh rụng tóc: Rụng tóc Androgenetic, hay còn được gọi là chứng hói đầu ở nam giới. Đây là một tình trạng có ảnh hưởng lớn đến chu kỳ phát triển của các nang tóc trên da đầu. Khi mắc phải tình trạng này, chu kỳ phát triển của tóc sẽ chậm lại và yếu đi, cuối cùng dừng lại hoàn toàn. Điều này sẽ khiến cho các nang tóc không thể sản xuất ra bất kỳ sợi tóc mới nào. Theo thống kê từ Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, có khoảng 50 triệu nam giới và 30 triệu nữ giới bị ảnh hưởng bởi chứng rụng tóc do nội tiết tố nam.

Rụng tóc từng vùng: đây là một căn bệnh tự miễn. Tức là hệ thống miễn dịch nhầm lẫn các nang tóc với các tế bào lạ và tấn công chúng, khiến cho tóc bị rụng thành từng mảng. Thậm chí, nó có thể dẫn đến rụng tóc toàn thân, tức là lông và tóc trên toàn bộ cơ thể đều bị rụng. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị tận gốc cho bệnh rụng tóc từng vùng, tuy nhiên việc tiêm steroid hoặc sử dụng các liệu pháp điều trị tại chỗ có thể phần nào làm chậm lại quá trình rụng tóc của bạn.

Viêm nang lông: là tình trạng các nang lông bị viêm nhiễm. Nó có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào có tóc hoặc lông mọc trên cơ thể, bao gồm:

  • Da đầu
  • Khuôn mặt
  • Nách
  • Cánh tay
  • Chân

Tình trạng viêm nang lông thường trông giống như phát ban với những nốt mụn nhỏ xuất hiện ở trên da. Các vết sưng có thể có màu đỏ, trắng hoặc vàng, đôi khi chứa mủ. Thường khi bị viêm nang lông, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất ngứa và đau.

Nguyên nhân chính dẫn đến viêm nang lông thường bắt nguồn từ tình trạng nhiễm trùng tụ cầu. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng bác sĩ vẫn sẽ chẩn đoán và kê đơn thuốc để giúp bạn kiểm soát bệnh. Điều này có thể bao gồm liệu pháp điều trị tại chỗ hoặc sử dụng thuốc uống để điều trị nguyên nhân gốc rễ gây ra nhiễm trùng, đồng thời làm dịu các triệu chứng của viêm nang lông.

Rụng tóc kiểu TE (telogen effluvium): đây là một dạng rụng tóc tạm thời và có mức độ phổ biến cao. Thông qua một sự kiện căng thẳng cũng có thể khiến cho các nang tóc chuyển sang giai đoạn Telogen sớm, dẫn đến tình trạng tóc mỏng và rụng dần.

Đối với rụng tóc kiểu TE, tóc thường rụng thành từng mảng trên da đầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng, chúng có thể rụng ở những vị trí khác trên cơ thể, bao gồm cả chân, lông mày và vùng mu.

Sự căng thẳng gây rụng tóc kiểu TE có thể bắt nguồn từ:

  • Một sự kiện đau thương về thể chất
  • Sinh con
  • Sử dụng một loại thuốc mới
  • Ốm
  • Phẫu thuật
  • Một sự thay đổi căng thẳng trong cuộc sống

Một cú sốc có thể kích hoạt sự thay đổi trong chu kỳ phát triển của tóc. Tình trạng rụng tóc kiểu TE chỉ mang tính chất tạm thời và không cần phải điều trị. Tuy nhiên, bạn vẫn nên trao đổi cụ thể với chuyên gia da liễu để có thể loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác.


Hình ảnh bệnh nhân rụng tóc kiểu TE (telogen effluvium)
Hình ảnh bệnh nhân rụng tóc kiểu TE (telogen effluvium)

5. Liệu tóc có mọc lại được sau khi rụng không?

Khi mắc phải các chứng bệnh như rụng tóc hoặc hói đầu, liệu rằng chúng ta có thể kích thích nang tóc để mọc lại tóc hay không?

Thực tế, nếu một nang tóc bị tổn thương, bạn sẽ không thể kích hoạt lại nó. Hiện nay các nhà nghiên cứu đã tìm ra được một phương pháp mới để kích hoạt lại các nang tóc đã chết hoặc bị hư hỏng. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này vẫn chưa được thử nghiệm trên người và chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe