Mục đích khám tiền mê trước khi phẫu thuật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thông - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Phẫu thuật luôn là một hoạt động điều trị không thể thiếu nhưng tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra biến chứng. Để giảm thiểu những tai biến không đáng có thì khám tiền mê trước khi phẫu thuật là việc làm đầu tiên cho tất cả các hoạt động gây mê hồi sức nhằm hạn chế tối đa và xử trí các tai biến có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật

1. Mục đích khám tiền mê trước phẫu thuật:

Khám tiền mê là việc làm thiết yếu và pháp lý trước tất cả các cuộc phẫu thuật. Do đó vai trò của bác sĩ khám tiền mê rất quan trọng vì tâm lý bệnh nhân trong giai đoạn này cực kỳ căng thẳng cần vừa tìm hiểu bệnh, vừa lên kế hoạch nhưng cũng phải làm công tác tư tưởng cho bệnh nhân hiểu, tin tưởng và giảm lo lắng. Mục đích của khám tiền mê trước phẫu thuật nhằm:

  • Đánh giá tình trạng bệnh nhân trước phẫu thuật
  • Phát hiện các tình trạng bệnh lý kèm theo cũng như lên phương án khảo sát và điều trị trước- trong và sau mổ
  • Biết được tiền sử gia đình
  • Hiểu rõ về bệnh cảnh ngoại khoa và các hoạt động phẫu thuật sẽ xảy ra
  • Đề xuất các xét nghiệm bổ sung nếu cần thiết
  • Thống nhất với phẫu thuật viên thời điểm và phương pháp điều trị tối ưu, cùng xác định các nguy cơ phẫu thuật
  • Chọn phương pháp vô cảm phù hợp: có thể là gây tê hoặc gây mê
Xét nghiệm máu để tìm ký sinh trùng
Khám tiền mê trước khi phẫu thuật giúp đánh giá tình trạng bệnh nhân và cần thực hiện xét nghiệm bổ sung nếu cần thiết
  • Tiên lượng những khó khăn trong quá trình vô cảm và khả năng chịu đựng của bệnh nhân cũng như khả năng hồi phục
  • Chuẩn bị các phương án phòng ngừa, xử trí với những khó khăn và tai biến có thể xảy ra
  • Giải thích với bệnh nhân hoặc người nhà, chuẩn bị tâm lý
  • Ghi nhận kết quả khám tiền mê một cách rõ ràng và dễ hiểu dựa vào mẫu khám tiền mê
  • Khám tiền mê được ví như là liều thuốc an thần tốt nhất đối với người bệnh chuẩn bị bước vào phẫu thuật.

2. Quy trình khám tiền mê trước phẫu thuật:

Hoạt động khám tiền mê trước phẫu thuật cần được thực hiện kỹ càng và nghiêm túc để giảm thiểu tối đa các nguy cơ không mong muốn trong suốt cuộc phẫu thuật. Thăm khám tiền mê có thể quy thành 3 bước như sau:

Bước 1: Tiền sử- bệnh sử

Cần nắm rõ quá trình tổng thể bệnh lý hiện tại của bệnh nhân, các xét nghiệm đã tiến hành và chẩn đoán ngoại khoa. Cần ghi nhận các triệu chứng trước mổ của bệnh chính để đánh giá sau mổ

Cơ địa bệnh nhân cần khai thác các yếu tố nghề nghiệp, hút thuốc lá, nghiện rượu bia, tổng trạng và BMI. Đặc biệt cần ghi nhận tiền sử dị ứng nhất là dị ứng thuốc và các dị ứng liên quan đến thuốc sử dụng trong phẫu thuật như:

  • Các nhóm penicillin, cephalosporin, sulfonamid thường gây dị ứng
  • Bệnh nhân dị ứng đậu nành hoặc trứng không dùng propofol
  • Phản ứng da với iod tránh sử dụng thuốc có iod
  • Tiền sử phản ứng với khí mê ở bệnh nhân hoặc người thân thì phải chú ý khả năng sốt cao ác tính trong mổ, viêm gan do khí mê, liệt cơ do thiếu men chuyển hóa
Dị ứng penicillin có nguy hiểm không?
Các nhóm thuốc penicillin thường gây dị ứng cho người sử dụng trong phẫu thuật

Ghi nhận các bệnh kèm của bệnh nhân theo từng hệ cơ quan để không bỏ sót, đặc biệt chú ý đến các bệnh liên quan đến phẫu thuật và gây mê như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim, suy tim, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), lao phổi, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), đái tháo đường, sử dụng thuốc chống đông máu, viêm loét dạ dày, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống...

Cần ghi nhận các thuốc đang điều trị cho bệnh chính lẫn bệnh kèm để xác định ngưng hay sử dụng tiếp thuốc trong thời gian trước mổ. Tiền sử phẫu thuât, tiền sử gây mê và tiền sử gia đình cũng cần được khai thác kỹ càng

Bước 2: Khám thực thể

Khám toàn diện bệnh nhân, đặc biệt lưu ý tình trạng đường thở, tim mạch, hô hấp, tuần hoàn, thần kinh, tình trạng cột sống và ghi nhận các dấu hiệu sinh tồn. Khám trước mê còn có một phần khám đặc biệt khác với khám bệnh thông thường là khám các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thông khí và đặt nội khí quản:

  • Tình trạng răng, cằm, râu, độ gập ngửa cổ, khoảng cách cằm – giáp, sẹo co rút vùng cổ, vận động khớp thái dương hàm
  • Tiêu chuẩn Malampatti gồm: độ há miệng, tình trạng lưỡi, khẩu cái.
  • Vùng gây tê có sẹo, dị dạng, nhiễm trùng, gù vẹo cột sống.
  • Tổn thương thần kinh ảnh hưởng đến chức năng các vùng như mắt nhắm không kín, miệng méo, nuốt khó, nuốt sặc, giảm phản xạ ho, yếu chi,...

Khám tiền mê giúp bác sĩ gây mê có cái nhìn toàn diện về người bệnh, đồng thời đánh giá về tình trạng đường thở, tiên lượng đường thở khó, khả năng gây tê tủy sống để lập kế hoạch gây mê - gây tê hoàn hảo nhất cho người bệnh.

Bước 3: cận lâm sàng

Bệnh nhân có thể đã được làm các xét nghiệm trước đó nên cần đọc các kết quả xét nghiệm đã có để tìm ra các bất thường và có biện pháp xử lý phù hợp và có thể đề nghị bổ sung thêm các xét nghiệm cần thiết khác cho quá trình phẫu thuật.

3. Đánh giá tình trạng bệnh nhân sau khám tiền mê:

Suy tim xung huyết
Suy tim xung huyết là bệnh nặng đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân

Dựa vào những gì ghi nhận được, bác sĩ khám tiền mê sẽ xếp loại sức khỏe bệnh nhân theo tiêu chuẩn ASA (Hiệp hội gây mê Hoa Kì) gồm có 5 mức độ:

  • ASA1: bệnh nhân có tình trạng sức khỏe tốt
  • ASA2: bệnh nhân có bệnh nhưng không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, có thể kể đến như tăng huyết áp nguyên phát, thiếu máu, béo phì tuổi già, viêm phế quản mạn
  • ASA3: bệnh nhân có bệnh ảnh hưởng đến sinh hoạt như tăng huyết áp nguyên phát ít đáp ứng điều trị, đái tháo đường kèm biến chứng mạch máu
  • ASA4: bệnh nhân có bệnh nặng đe dọa đến tính mạng như phình động mạch chủ, suy tim xung huyết, hen phế quản nặng, bệnh van tim
  • ASA5: bệnh nhân tình trạng quá nặng, hấp hối khó có khả năng sống được trong 24 giờ dù có mổ hay không

Ngoài ra bác sĩ gây mê còn sử dụng thang điểm Goldman để đánh giá yếu tố nguy cơ tim mạch:

-Loại I: 0 đến 5 điểm: 1% biến chứng tim mạch

-Loại II: 6 đến 12 điểm: 7% biến chứng tim mạch.

-Loại III: 13 đến 25 điểm: 14% biến chứng tim mạch

-Loại IV: 26 đến 53 điểm: 78% biến chứng tim mạch .

Khám tiền mê là quy trình khám thường quy tại Vinmec trước các ca phẫu thuật, thăm khám diễn ra. Theo đó, quy trình khám tiền mê, gây mê tại Vinmec được thực hiện bài bản, đúng chuẩn quy trình bởi đội ngũ y bác sĩ tay nghề chuyên môn cao, hệ thống máy móc hiện đại, nhờ vậy cho kết quả chính xác, góp phần không nhỏ vào việc xác định bệnh và giai đoạn bệnh, từ đó có hướng điều trị, hạn chế tối đa biến chứng trong quá trình gây mê, đảm bảo thành công cho cuộc phẫu thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan