Gây mê trong phẫu thuật có làm mất trí nhớ?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hoài Nam, Trưởng Đơn nguyên Giảm đau - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Gây mê là tình trạng mất ý thức dưới tác dụng của thuốc được thực hiện khi tiến hành các thủ thuật hay phẫu thuật cho người bệnh. Mục đích của gây mê nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh và giúp thủ thuật, phẫu thuật được thuận lợi và thành công.

1. Gây mê trong phẫu thuật có làm mất trí nhớ hay không?

Luôn là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh và gia đình. Đồng thời đây cũng là câu hỏi thường gặp nhất mà bất kỳ bác sĩ gây mê nào trong quá trình khám tiền mê cũng dành thời gian khá dài để tư vấn giải đáp cho người bệnh.

Các nhà khoa học đã nói gì về vấn đề này?

  • Những trường hợp mất trí nhớ sau mổ (Postoperative Cognitive Dysfunction- POCD) đầu tiên được nhắc đến từ 100 năm trước đây và nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên 20 năm qua. Tuy nhiên cơ chế vẫn chưa được chứng minh rõ ràng và một số giả thuyết được đặt ra để giải thích tình trạng này vẫn còn là vấn đề được bàn cãi. Biểu hiện của POCD cũng đa dạng và mang tính chung chung. Người bệnh thường có biểu hiện quên chuyện linh tinh, làm việc hay lẫn lộn, khó tập trung, mất khả năng thực hiện nhiều việc cùng lúc... Để đánh giá tình trạng và mức độ POCD, hiện nay đã có những thử nghiệm về tâm thần đánh giá một tuần trước mổ và 3 tháng sau mổ.

Mất trí nhớ sau mổ khiến người bệnh khó tập trung khi làm việc
Mất trí nhớ sau mổ khiến người bệnh khó tập trung khi làm việc

  • Nghiên cứu của Alejandro A. Rabinstein năm 2014 về rối loạn thần kinh và gây mê cho thấy POCD thường xảy ra ở người già và tần suất gặp cao nhất sau phẫu thuật tim mạch: 30-80% trong vài tuần đầu sau mổ, 10-60% sau 3-6 tháng. Ngoài ra yếu tố nguy cơ bao gồm nghiện rượu, trình độ học vấn thấp, tiền căn đột quỵ. Điều đáng ngạc nhiên là không có bằng chứng nào cho thấy việc lựa chọn phương thức gây mê hay gây tê cũng như độ sâu của gây mê làm thay đổi nguy cơ POCD. POCD được cho là liên quan đến rối loạn đáp ứng viêm thần kinh. Duy trì cân bằng nội môi sinh lý trong và sau mổ có thể làm giảm nguy cơ của biến chứng này.
  • John Beca, David Sidebotham trong nghiên cứu về rối loạn thần kinh năm 2007 thấy POCD thường gặp trong phẫu thuật tim mạch, 14-37% sau mổ bắt cầu mạch vành, 53% khi xuất viện, 36% sau mổ 6 tuần, 24% sau 6 tháng và 42% sau 5 năm. Yếu tố nguy cơ gồm cao tuổi, xơ vữa động mạch ngoài mạch vành, học vấn thấp, tiểu đường, có khiếm khuyết thần kinh trước đó... Nhồi máu não đa ổ diện nhỏ ở người cao tuổi không triệu chứng làm tăng đáng kể nguy cơ POCD kể cả khi họ không trải qua phẫu thuật.

Nghiên cứu năm 2007 cho thấy POCD thường xảy ra sau phẫu thuật tim mạch
Nghiên cứu năm 2007 cho thấy POCD thường xảy ra sau phẫu thuật tim mạch

  • Mới đây trên tạp chí Frontier Psychiatry ngày 17 tháng 1 năm 2019, Seyed A. Safavynia và Peter A. Goldstein cũng đưa ra bằng chứng nghiên cứu trên người cho thấy không thể chứng minh có mối liên quan giữa POCD và gây mê. Tổng hợp các nghiên cứu khi so sánh giữa gây mê và gây tê tủy sống, tỉ lệ POCD không khác biệt, gợi ý phẫu thuật mà không phải gây mê là nguyên nhân POCD.
  • Kirk Hogan trường Y tế công đại học Wiscosin (Madison) cũng đã kết luận trong nghiên cứu của mình : “Những sự thay đổi trong khả năng tư duy sau phẫu thuật thường nhỏ, hầu như không có biểu hiện gì và không ảnh hưởng đến nhận thức”.

Stress trong cuộc sống cũng có thể gây mất trí nhớ. Bản thân phẫu thuật là stress đối với người bệnh, làm các tế bào, đặc biệt là tế bào mô thần kinh bị viêm nên dẫn đến mất trí nhớ sau mổ tương tự như các stress trong cuộc sống. Gây mê không làm mất trí nhớ như người ta vẫn thường lo lắng. Mặt khác gây mê nếu có kế hoạch thích hợp sẽ giúp ngăn chặn stress do phẫu thuật gây ra, giảm thiểu các biến chứng trong mổ, bảo đảm an toàn cho người bệnh.


Stress lâu ngày cũng dẫn đến mất trí nhớ
Stress lâu ngày cũng dẫn đến mất trí nhớ

2. Trước gây mê phẫu thuật người bệnh cần chuẩn bị gì?

  • Để bảo đảm an toàn trong gây mê phẫu thuật, tất cả các bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm tiền phẫu để đánh giá chức năng gan, thận, hô hấp, tim mạch, nội tiết, đông máu, tình trạng nhiễm trùng.
  • Ngoài ra người bệnh phải được thăm khám tiền mê trước mổ để đánh giá toàn trạng và các bệnh lý kèm theo. Nếu cần sẽ được hội chẩn các khoa liên quan để có được kế hoạch gây mê hồi sức và chăm sóc sau mổ thích hợp.
  • Người bệnh cần nhịn ăn uống trước mổ 6 giờ theo đúng quy định.
  • Cần chuẩn bị tâm lý cho người bệnh trước mổ. Bác sĩ gây mê trong quá trình khám tiền mê sẽ giải thích các nguy cơ có thể xảy ra, trấn an người bệnh để họ yên tâm và có thể vượt qua được stress do phẫu thuật.
  • Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa bác sĩ mổ, bác sĩ gây mê hồi sức và các chuyên khoa liên quan nhằm chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm an toàn tối đa cho người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe