Làm thế nào hạn chế nguy cơ dị ứng thuốc?

Dị ứng thuốc là một biến chứng rất hay gặp trong quá trình điều trị, biểu hiện lâm sàng đa dạng, phong phú với những tổn thương ở da, niêm mạc và cả ở các cơ quan nội tạng.

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng đơn nguyên Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Vinmec Times City

Mọi loại thuốc đều có thể gây ra những phản ứng dị ứng thuốc, tuy nhiên dị ứng thuốc tây hay gặp nhất ở các nhóm thuốc như: Thuốc kháng sinh (nhóm thuốc betalactam...), thuốc chống co giật, động kinh, chống viêm không steroid (Aspirin, ibuprofen...)và các thuốc điều trị gout là những thuốc có tỷ lệ gặp cao nhất gây ra các phản ứng dị ứng thuốc.

Các triệu chứng dị ứng thuốc biểu hiện rất phong phú và đa dạng trên các cơ quan, tổ chức của cơ thể. Dấu hiệu dị ứng thuốc xảy ra được biểu hiện dưới các hình thức nhẹ, trầm trọng và nặng. Có nhiều triệu chứng dị ứng thuốc không có biểu hiện rõ ràng mà người bệnh không thể nào biết như sau khi uống thuốc bị rối loạn tiền đình, suy thận, mất tế bào máu...

Nữ giới là đối tượng có nguy cơ bị dị ứng thuốc cao hơn nam giới. Người lớn sẽ dễ bị dị ứng thuốc nhiều hơn trẻ em, đặc biệt là nhóm đối tượng có cơ địa dị ứng (hen phế quản, viêm mũi dị ứng...). Theo thống kê, cứ 100 người có tiền sử hen phế quản, viêm mũi dị ứng thì có 11 người có nguy cơ bị dị ứng thuốc.

Ngoài ra, những người có gen HLA - B*15:02 sẽ có nguy cơ dị ứng thuốc Carbamazepine gấp 200 lần so với người bình thường.

Dấu hiệu dị ứng thuốc có thể nhận thấy chính là sốc phản vệ làm cho:

  • Da và niêm mạc: Ban đỏ, ngứa, mề đay, phù mạch, nổi da gà, ngứa ran, phù ở môi, lưỡi hoặc vòm miệng, cảm thấy có vị kim loại trong miệng, tỷ lệ gặp lên đến 90% số ca.
  • Hô hấp: Ngứa, nghẹt mũi, chảy nước mũi và hắt hơi; ngứa và "co thắt" cổ họng, khó thở, khàn giọng, khò khè, tức ngực, ho, tím tái, xuất hiện, tỷ lệ gặp lên đến 70% số ca
  • Tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và khó nuốt, tỷ lệ gặp đến 45% số ca
  • Tim mạch: Chóng mặt; ngất, thay đổi trạng thái tâm thần, đau ngực, đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, khó nghe, tiểu tiện không tự chủ hoặc ngừng tim, tỷ lệ gặp đến 45% số ca

Khi nhận thấy các triệu chứng dị ứng thuốc, người bệnh cần ngừng ngay thuốc đang tiêm, uống, bôi, nhỏ mắt, mũi,...Nếu dị ứng nhẹ, dùng các thuốc chống dị ứng thuốc. Trường hợp nặng như khó thở, rối loạn tiêu hóa, tức ngực, phát ban khắp người... Thì cần phải nhanh chóng đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để được cấp cứu kịp thời.

Để hạn chế nguy cơ dị ứng thuốc, người bệnh cần tuân theo những quy tắc sau:

  • Chỉ nên dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng toa chỉ định của bác sĩ và sử dụng thuốc đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Không tự ý mua thuốc để tự điều trị cũng như giới thiệu thuốc điều trị cho người khác vì đơn giản nghĩ rằng họ có bệnh lý giống mình.
  • Khi đã bị dị ứng loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng loại thuốc đó nữa.

Ngoài ra, người bệnh phải ghi nhớ loại thuốc gây ra dị ứng cho cơ thể mình, thông báo cho bác sĩ biết loại thuốc mình đã từng bị dị ứng, để bác sĩ không chỉ định uống thuốc đó nữa, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc khác thay thế để chữa trị khi bị bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

496 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan