Làm gì khi phát hiện vết cắn của rệp giường?

Rệp giường là loài ký sinh trùng sống ở những nơi khó bị phát hiện như khe giường, chăn, chiếu, đệm,...và thường gây ra những vết cắn đau nhức, khó chịu. Vậy rệp giường có nguy hiểm không và nên làm gì khi bị rệp giường cắn? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các câu hỏi trên.

1. Rệp giường là gì?

Rệp giường là một loại ký sinh trùng có khả năng hút máu động vật và con người. Chúng có thể ẩn trong hay xung quanh giường và hút máu khi chúng ta đang ngủ. Chúng hoạt động mạnh nhất vào khoảng 1 giờ trước khi trời sáng. Sau chiến tranh thế giới, rệp giường đã giảm nhưng trong những năm gần đây, nó lại gia nhanh chóng bởi du lịch quốc tế và sự đề kháng thuốc diệt côn trùng.

Vết cắn của rệp giường thường xuất hiện ở những vùng da không được che chắn khi ngủ như cổ, mặt, cánh tay và chân. Vết cắn của rệp giường là những vết sưng nhỏ màu đỏ và gây ngứa. Tuy nhiên, các vết sưng này lại khá tương đồng với vết đốt của các loài côn trùng khác. Ít khi chúng ta trực tiếp nhìn thấy con rệp giường, nên rất nhiều người lầm tưởng những tổn thương da là do bị muỗi, bọ chét hoặc côn trùng khác cắn. Đôi khi nhiều người cũng nhầm vết cắn của rệp với một số bệnh lý về da phổ biến khác như mày đay, ghẻ ngứa, thủy đậu... Do đó, cách tốt nhất để xác định có bị rệp cắn giường cắn hay không là tìm ra chúng.

2. Bị rệp giường cắn phải làm sao?

Nhìn chung, bệnh nhân có thể tự điều trị vết cắn của rệp giường nếu không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng hoặc phản ứng nghiêm trọng nào. Đầu tiên, sau khi phát hiện bị rệp giường cắn, bệnh nhân cần rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng để làm sạch vết cắn, ngăn ngừa nhiễm khuẩn và giúp giảm ngứa. Nếu vết cắn còn ngứa nhiều, không nên gãi mạnh hay chà xát mạnh mà hãy lau khô vết cắn và thoa kem chống ngứa. Bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc bôi chứa corticoid hay uống thuốc kháng histamin để giảm ngứa và sưng. Nên tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn và phòng ngừa tác dụng không mong muốn.

Vết cắn của rệp tương đối lành tính và có thể biến mất sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có các dấu hiệu sau thì nên đến bác sĩ da liễu để khám và điều trị: có nhiều vết cắn, xuất hiện bọng nước, ngứa nhiều, vết cắn đau nhức, chảy máu, phản ứng dị ứng da nặng như sưng đỏ, đau, phát ban lan rộng, sốt...Sau khi thăm khám, tùy theo tổn thương mà bác sĩ sẽ chỉ định liệu trình điều trị phù hợp.

3. Phòng ngừa rệp giường cắn bằng cách nào?

Để giảm nguy cơ bị rệp giường cắn, bạn có thể áp dụng một số giải pháp sau đây:

  • Hạn chế mua đồ nội thất đã qua sử dụng vì rệp giường có thể ẩn nấp trong đó.
  • Khi đi du lịch, điều đầu tiên là kiểm tra xem nệm, ga giường và không gian trong phòng có rệp giường không.
  • Điều quan trọng là cần phải tầm soát rệp giường thường xuyên để tránh sự lây lan.
  • Giũ sạch ga giường, chiếu, đệm, nên gõ mạnh vạt giường xuống sàn để tìm và diệt rệp; lấy que khều bắt rệp ở các khe hở của giường. Sau đó, hãy đổ nước sôi vào các khe, kẽ giường hoặc dùng que lửa hơ nóng để đốt chết rệp con và trứng.
  • Nên giặt giũ quần áo, chăn đệm bằng nước nóng trên 50oC. Đối với một số đồ không thể giặt, hãy bọc chúng trong một túi nhựa trong suốt và để ngoài trời, nơi có thể đạt nhiệt độ tới 50oC.
  • Có thể dùng dipterex 2-3% hoặc pyrethrin 0,1-0,2% phun xịt vào những nơi có rệp giường. Chỉ phun một lần cũng có thể tiêu diệt được rệp, nhưng nếu cần thiết có thể thực hiện thêm lần thứ hai cách lần thứ nhất tối thiểu 2 tuần.
  • Thường xuyên hút bụi nhà cửa cũng là một cách loại bỏ trứng và rệp nhưng cách này thường không mang lại hiệu quả hoàn toàn.
  • Nên dọn dẹp nhà gọn gàng, tránh để đồ đạc lộn xộn, bừa bãi để loại bỏ những nơi rệp giường có thể ẩn nấp và sinh sản

Tóm lại, vết cắn của rệp thường lành tính và có thể biến mất sau vài tuần. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có các dấu hiệu nghiêm trọng thì nên đến bác sĩ da liễu để khám và điều trị đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan