Làm cách nào để phát triển ngôn ngữ khi chơi cùng con?

Bài viết được viết bởi Chuyên viên Âm ngữ trị liệu - Âu Thị Hoa, Trung tâm trị liệu tế bào, khoa Y học tái tạo - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chơi là cách học tốt nhất cho trẻ. Qua đó, trẻ phát triển được nhiều kỹ năng khác nhau, trong đó có ngôn ngữ. Nhưng đôi khi bạn cảm thấy thật khó để yêu cầu con bắt đầu một hoạt động chơi mới. Hoặc là để con đồng ý tham gia chơi cùng. Đôi lúc bạn cảm thấy phát cáu vì con cố tình lờ đi mọi điều mình nói. Có khi là hoạt động chơi mà bạn nghĩ rất vui vẻ lại kết thúc nhanh chóng với khuôn mặt chán nản của con.

Cha mẹ hãy thử thực hiện phương pháp: Quan sát - Chờ đợi - Lắng nghe.

1. Quan sát

Đừng vội vàng tham gia chơi cùng con ngay. Hãy thử dành thời gian quan sát con, bạn sẽ nhận ra một số điều thú vị sau:

  • Bạn hãy thử quan sát xem con thích đồ chơi gì, các đồ chơi có màu sắc ra sao, con không thích đồ chơi nào không?
  • Cách con đang chơi như thế nào: Con biết chơi đúng chức năng đồ vật hay thích sáng tạo ra cách chơi mới của mình? Con thích chơi với từng đồ chơi riêng biệt hay thích chơi kết hợp nhiều món đồ chơi cùng nhau?

>>> Chọn đồ chơi an toàn cho trẻ

Vui chơi với trẻ
Cha mẹ hãy dành thời gian quan sát thói quen của con trước khi chơi cùng bé

  • Khi chơi, con có nói nhiều không? Trẻ có thích chia sẻ cảm xúc trong khi chơi hay bình luận về hoạt động chơi hay không? Biểu hiện nào cho thấy con đang vui hay thấy khó chịu trong khi chơi.

Quan sát chính là chìa khóa đầu tiên để bạn bước chân vào thế giới của con. Cùng chơi theo cách của con trước khi bạn muốn hướng dẫn con làm điều gì đấy. Hãy cùng trò chuyện theo cách con đang làm trước khi muốn dạy con những điều mới nhé.

>>> Vui chơi với trẻ: Tại sao lại quan trọng?

2. Chờ đợi

Để bắt đầu chơi, chúng ta hãy chờ đợi.

Bạn không đọc nhầm đâu ạ. Hãy cho trẻ thời gian để chấp nhận và đồng ý chia sẻ đồ chơi với “người bạn lớn” nhé. Không có ai thích người khác đột nhiên động vào đồ của mình và trẻ cũng không ngoại lệ. Hãy hỏi ý kiến trẻ trước khi tham gia chơi hay bạn đang muốn đề nghị một cách chơi mới. Điều này là tiền đề để trẻ biết cư xử lịch sự, biết xin phép trước khi làm bất cứ điều gì.

Vui chơi với trẻ
Chờ đợi để trẻ chấp nhận và đồng ý chia sẻ đồ chơi với mình

Bên cạnh đó, khi đưa ra một yêu cầu, hay trò chuyện với trẻ, hãy chờ đợi để trẻ có thời gian phản hồi. Đừng “mớm” câu trả lời cho trẻ hay vội vã thúc giục. Trẻ cần thời gian để suy nghĩ và đưa ra câu trả lời của mình. Cho trẻ thời gian để bày tỏ niềm yêu thích hay nhận xét về hoạt động chơi của mình nhé.

3. Lắng nghe

Giờ là chiếc chìa khóa thứ ba cha mẹ có thể áp dụng khi chơi cùng trẻ. Việc lắng nghe những điều trẻ nói khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng và tạo cơ hội cho trẻ bày tỏ ý kiến một cách trọn vẹn. Có thể đấy là những âm ê a đầu đời, những câu chưa trọn vẹn hay chưa rõ nghĩa nhưng hãy cho trẻ được nói hết. Sau đó, chúng ta hãy hướng dẫn con nói một câu rõ ràng, hoàn chỉnh hơn. Thay vì ngắt lời và bảo “Con phải nói như này mới đúng”. Hẳn là chẳng ai muốn nói khi luôn bị sửa sai cả.

Với ba chiếc chìa khóa trên, hy vọng mỗi lần chơi cùng con sẽ trở thành những khoảnh khắc vui vẻ, đáng nhớ của cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

437 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan