Khớp cắn ngược là gì? Nên làm gì khi bị khớp cắn ngược?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Khớp cắn ngược còn được gọi là tình trạng răng móm, đây là một trong những sai lệch khớp cắn nghiêm trọng, không chỉ gây mất thẩm mỹ cho khuôn mặt mà còn gây ra những trở ngại trong cuộc sống sinh hoạt và công việc. Vậy chúng ta nên làm gì khi bị khớp cắn ngược?

1. Khớp cắn ngược là gì?

Khớp cắn ngược hay răng móm, mặt lưỡi cày là tình trạng hàm răng dưới bị chìa ra ngoài quá nhiều so với tiêu chuẩn. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khớp cắn ngược như do bẩm sinh, có sự tác động từ bên ngoài, yếu tố di truyền. Phần lớn các trường hợp gặp tình trạng móm là do những thói quen xấu từ khi còn nhỏ: mút ngón tay, dùng lưỡi đẩy răng, ti giả, răng cửa hàm dưới mọc trước răng cửa hàm trên, xương hàm trên kém phát triển, xương hàm dưới phát triển quá mạnh

Theo đó, khớp cắn ngược do răng và khớp cắn ngược do xương là 2 dạng của khớp cắn ngược. Cụ thể:

  • Khớp cắn ngược do răng: Do răng cửa hàm trên mọc muộn hơn răng cửa hàm dưới hoặc do trẻ có thói quen trượt hàm sang bên theo xu hướng không thuận lợi. Khi bị khớp cắn ngược do răng sẽ thấy nhóm răng cửa phía trước cửa hàm dưới chìa ra bên ngoài, bao lấy răng hàm trên. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, xương hàm trên sẽ bị ảnh hưởng, gây cho khuôn mặt lõm hay còn gọi là mặt gãy.
  • Khớp cắn ngược do xương: Là tình trạng xương hàm trên kém phát triển hoặc xương hàm dưới quá phát triển hoặc do cả hai nguyên nhân trên. Ngoài ra, khớp cắn ngược do xương còn do dị tật khe hở vòm miệng... Điều này khiến cho xương hàm trên thiếu hụt kích thước theo chiều trước sau làm cho răng cửa hàm trên luôn ở phía trong so với răng cửa hàm dưới.
Răng thế nào bị coi là khớp cắn ngược?
Hình ảnh mô phỏng khớp cắn ngược

2. Biến chứng của khớp cắn ngược

Khớp cắn ngược gây ra các biến chứng về tính thẩm mỹ cũng như các hoạt động nhai của răng... Cụ thể:

  • Mất thẩm mỹ: Biến chứng lớn nhất của khớp cắn ngược là mất đi sự thẩm mỹ, khiến người có khớp cắn ngược mất đi sự tự tin, ngại giao tiếp. Có thể nhìn thấy rõ nhất sự khắc khổ, già nua, xấu xí trên khuôn mặt.
  • Ảnh hưởng đến ăn nhai: Người mắc khớp cắn ngược chỉ có thể ăn uống và nhai từ từ, chậm rãi nhằm tránh tình trạng va chạm răng môi gây chảy máu hoặc hóc, nghẹn ảnh hưởng đến tiêu hóa.
  • Cản trở cuộc sống sinh hoạt thường ngày: Biến chứng cản trở cuộc sống sinh hoạt, nhất là trong khâu vệ sinh, chăm sóc răng miệng. Người có khớp cắn ngược rất khó khăn trong việc phát âm, thậm chí họ không thể nói chuẩn tiếng Anh.

Ngoài ra, tình trạng khớp cắn ngược còn gây ra các biến chứng bệnh lý như đường ruột, bệnh tim mạch, đau buốt nửa đầu do khớp thái dương hàm bị ảnh hưởng. Bởi khớp cắn ngược khiến cơ nhai trục trặc làm thức ăn không được nghiền nhỏ đã xuống dạ dày. Bên cạnh đó, sâu răng, viêm nướu, viêm lợi,...cũng là những bệnh lý không tránh khỏi khi bị khớp cắn ngược.

3. Điều trị khớp cắn ngược như thế nào?

Tùy vào tình trạng khớp cắn ngược cũng như tài chính của mỗi người sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Một số phương pháp điều trị khớp cắn ngược được sử dụng phổ biến là: phẫu thuật, bọc răng sứ, niềng răng.

Phẫu thuật điều trị u xơ tuyến vú
Phẫu thuật là một trong ba phương pháp chính điều trị khớp căn ngược

3.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật chỉnh hình răng miệng là phương pháp điều trị hiệu quả hầu hết các trường hợp khớp cắn ngược, đặc biệt là khớp cắn ngược do xương.

Phẫu thuật chỉnh hình xương là phẫu thuật chỉnh sửa xương hàm nhằm mục đích đưa tương quan hàm trên hàm dưới hài hòa với nhau, qua đó làm thay đổi hình dạng khuôn mặt, mang lại nét hài hòa và cải thiện thẩm mỹ khuôn mặt và cải thiện được chức năng ăn nhai.

3.2. Bọc răng sứ

Không phải tất cả các trường hợp khớp cắn ngược đều thực hiện được bọc răng sứ. Bọc răng sứ chỉ được chỉ định trong trường hợp bị lệch khớp nhẹ do răng. Ưu điểm của phương pháp này:

  • Thời gian phục hồi nhanh chóng, không mất quá nhiều thời gian như niềng răng.
  • Cải thiện được màu sắc, dáng răng như ý muốn. Những người răng bị ố vàng, xỉn màu bị móm thì nên áp dụng phương pháp này
  • Đạt độ thẩm mỹ cao do răng sứ có màu sắc y như răng thật
  • Độ bền của răng sứ có độ bền lên tới 15 năm và chịu được lực ăn nhai lớn gấp 3 – 4 lần răng thật.

Tuy vậy, bọc răng sứ cần phải mài cùi răng thật nhưng không quá 2mm và chỉ phù hợp khớp cắn nhẹ.

3.3. Niềng răng

Phương pháp niềng răng phù hợp với mọi tình trạng khớp cắn ngược từ nhẹ đến nặng. Mọi người khi gặp tình trạng này thường lựa chọn niềng răng vì phương pháp này bảo tồn răng thật đến mức tối đa. Bạn sẽ không cần mài răng như bọc sứ mà vẫn điều chỉnh được khớp cắn về đúng vị trí.

niềng răng
Người bị khớp cắn ngược có thể sử dụng phương pháp niềng răng

Tất cả các trường hợp răng mọc lệch lạc, người có răng bị lệch khớp cắn - trong đó có khớp cắn ngược làm cho khuôn mặt mất đi vẻ thẩm mỹ thì đều có thể điều trị bằng phương pháp chỉnh hình răng. Thực tế, niềng răng chính là một phát minh vĩ đại, mang đến các lợi ích tuyệt vời cho những ai đang gặp khó khăn vì hàm răng không được như ý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan