Hướng dẫn hô hấp nhân tạo cho người lớn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực Hồi sức cấp cứu.

Phương pháp hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực là các phương pháp sơ cứu cơ bản nhất khi gặp phải người bị ngưng tim hoặc ngạt thở. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất quyết định hiệu quả của việc sơ cứu là người cứu hộ phải nắm rõ kỹ thuật hô hấp nhân tạo như thế nào.

1. Ngừng tim phổi thường do những nguyên nhân nào gây ra?

  • Nguyên nhân do tim: Thiếu máu cơ tim, tắc mạch vành cấp; bệnh cơ tim, viêm cơ tim; chấn thương gây chèn ép tim cấp, kích thích trực tiếp vào tim.
  • Nguyên nhân tuần hoàn: Thiếu khối lượng tuần hoàn cấp (các loại sốc); tắc mạch phổi (do khí, do cục nghẽn); cơ chế phản xạ dây phế vị.
  • Nguyên nhân hô hấp: Tràn khí màng phổi nặng; thiếu oxy cấp (thường gây ra vô tâm thu): tai nạn hầm mỏ, vùi lấp, ngạt phòng kín; ưu thán.
  • Nguyên nhân rối loạn chuyển hoá: Rối loạn chuyển hoá kali, tăng canxi máu cấp, tăng catecholamin cấp, hạ thân nhiệt.
  • Nguyên nhân do thuốc, nhiễm độc: Tác động trực tiếp của thuốc gây ngừng tim; do tác dụng phụ của thuốc nói chung.
  • Điện giật, đuối nước; dị vật bít tắc đường thở.
Tim bất thường
Ngưng tim (trụy tuần hoàn) là một cấp cứu khẩn cấp khi cơ tim không còn co bóp và tim ngừng đập hoàn toàn

2. Nhận biết ngưng tim ngưng thở

Ngưng tim (trụy tuần hoàn) là một cấp cứu khẩn cấp khi cơ tim không còn co bóp và tim ngừng đập hoàn toàn, điều này dẫn đến quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể bị ngừng lại và các cơ quan không được cung cấp oxy để hoạt động.

Ngưng thở (ngưng hô hấp hay ngạt thở) cũng là một cấp cứu khẩn cấp, vì một lý do bệnh lý nào đó mà nạn nhân không còn hô hấp được. Ngưng thở có thể không kèm theo ngưng tim nhưng nếu nạn nhân ngừng thở quá lâu sẽ dễ dẫn đến ngừng tim kèm theo.

Những dấu hiệu nhận biết một nạn nhân bị ngưng hô hấp hoàn toàn bao gồm 3 dấu hiệu cơ bản sau:

  • Mất ý thức: được xác định khi gọi hỏi nạn nhân không đáp ứng trả lời, không có phản xạ thức tỉnh.
  • Ngừng thở hoặc thở ngáp: xác định khi lồng ngực và bụng nạn nhân hoàn toàn không có cử động thở.
  • Ngừng tim: khi mất mạch cảnh hoặc mất mạch bẹn.

Ngoài ra nạn nhân còn có các triệu chứng khác như: da nhợt nhạt hoặc tím tái, giãn đồng tử và mất phản xạ đồng tử với ánh sáng, nếu nạn nhân có vết thương sẽ thấy máu ở vết thương tím đen và ngừng chảy...

115
Hãy gọi cấp cứu khi xác định nạn nhân ngưng tim ngưng thở, đồng thời tiến hành sơ cấp cứu

3. Cấp cứu ngừng tim phổi gồm những bước nào?

3.1 Loại bỏ tác nhân gây ngừng tim phổi

Khi phát hiện, cần nhanh chóng tiếp cận nạn nhân, loại bỏ tác nhân gây ngừng tim phổi, đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm (đuối nước, điện giật...).

3.2 Đánh giá ý thức, kích thích tim, thức tỉnh nạn nhân

Ngay khi xác định hoặc được thông báo có người mất ý thức đột ngột cần nhanh chóng đánh giá ý thức, gọi hỏi nạn nhân thật to bằng 2 câu hỏi “Anh tên là gì?”“Anh làm sao thế?”; đồng thời dùng tay đập mạnh lên vùng ngực người bệnh hoặc dùng tay day ấn mạnh vào vùng xương ức (vùng giữa ngực) để kích thích tim và thức tỉnh nạn nhân.

3.3 Báo động, gọi người hỗ trợ

Cùng với kích thích tim và thức tỉnh nạn nhân, ngay lập tức gọi người hỗ trợ cấp cứu; gọi ngắn gọn, đủ lớn và đủ thông tin theo thứ tự: Người bệnh ở... (ví dụ: trong bếp, ngoài vườn...), bị bất tỉnh đột ngột, cần hỗ trợ cấp cứu khẩn cấp!

3.4 Tổ chức cấp cứu

  • Cấp cứu ngừng tim phổi được khởi động ngay từ khi phát hiện trường hợp nghi ngờ ngừng tim phổi. Người cấp cứu vừa tiến hành tiếp cận người bệnh, gọi người hỗ trợ vừa bắt đầu các biện pháp hồi sinh tim phổi cơ bản ngay.
  • Khi có nhiều người cấp cứu, cần có 1 người là chỉ huy để phân công, tổ chức cấp cứu đúng trình tự và đồng bộ.
  • Cần ghi nhớ thời điểm tiếp cận người bệnh và bắt đầu cấp cứu.
  • Thiết lập không gian cấp cứu đủ rộng và hạn chế tối đa những người không không tham gia cấp cứu vào và làm cản trở công tác cấp cứu.
  • Nhanh chóng đặt người bệnh nằm trên 1 mặt phẳng cứng để có thể tiến hành các phương pháp hồi sinh tim phổi cơ bản.

3.5 Thực hiện phương pháp hồi sinh tim phổi thích hợp

Hiện nay có nhiều phương pháp cấp cứu ngừng tim phổi có thể áp dụng, người cấp cứu cần căn cứ vào nguyên nhân gây ngừng tim phổi và người bệnh cụ thể mà lựa chọn phương pháp phù hợp để việc cấp cứu đạt được hiệu quả cao nhất.

4. Phương pháp ép tim, thổi ngạt

Là kỹ thuật hồi sinh tim phổi cơ bản, gồm 3 bước

4.1 Kiểm soát đường thở (airway control)

  • Đặt đầu ngửa, cổ ưỡn, kéo hàm dưới/nâng cằm. Trường hợp nghi ngờ hoặc có chấn thương cột sống cổ không làm thủ thuật kéo hàm/nâng cằm.
  • Móc sạch đờm dãi hay dị vật trong miệng nếu có.
  • Làm nghiệm pháp Heimlich nếu có nghi ngờ dị vật đường thở.

4.2 Hô hấp hỗ trợ (breathing support)

  • Nếu người bệnh không thở, thổi ngạt hoặc bóp bóng 2 lần liên tiếp, sau đó kiểm tra mạch.
  • Nếu có mạch: tiếp tục thổi ngạt hoặc bóp bóng.
  • Nếu không có mạch: thực hiên chu kỳ ép tim, thổi ngạt theo tỷ lệ 30/2.

Lưu ý: Nhịp thở nhân tạo (thổi ngạt hoặc bóp bóng) cần bảo đảm thổi vào trong 1 giây, đủ làm lồng ngực phồng lên nhìn thấy được với tần số thở 10 - 12 lần/phút. Nối oxy với bóng ngay khi có oxy.

4.2 Ép tim ngoài lồng ngực (chest compression)

  • Kiểm tra mạch cảnh trong vòng 10 giây.
  • Nếu không thấy mạch: tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ngay.
  • Ép tim ở 1/2 dưới xương ức, lún 1/3 - 1/2 ngực (4 - 5 cm với người lớn) đủ để sờ thấy mạch đập khi ép; tần số 100 lần/phút.
  • Phương châm là ép nhanh, ép mạnh, không gián đoạn và để ngực phồng lên hết sau mỗi lần ép.
  • Tỷ lệ ép tim/thổi ngạt là 30/2 (30 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt)
  • Kiểm tra mạch trong vòng 10 giây sau mỗi 5 chu kỳ ép tim, thổi ngạt (1 chu kỳ là 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt) hoặc sau mỗi 2 phút.
  • Tiếp tục cấp cứu ngưng tim ngưng thở đến khi nạn nhân có các dấu hiệu sống trở lại, kiểm tra các dấu hiệu mỗi 2 phút/lần và chú ý không gián đoạn quá 10 giây. Ngưng các động tác trên nếu bệnh nhân chắc chắn tử vong và khả năng cấp cứu đã không còn hiệu quả. Ngay khi bệnh nhân tự thở được, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục hồi sức cấp cứu.

Hô hấp nhân tạo cho người lớn là một kỹ thuật hồi sức cấp cứu quan trọng, giúp bệnh nhân trong các trường gặp tai nạn, ngạt thở, ngừng tim có tiên lượng sống tốt. Vì thế, trong một số trường hợp khẩn cấp ai cũng nên trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng về sơ cấp cứu này.

hô hấp nhân tạo
Lưu ý kiểm tra các dấu hiệu mỗi 2 phút/lần và chú ý không gián đoạn quá 10 giây

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan