Hội chứng thắt lưng hông: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hội chứng thắt lưng hông là một trong những bệnh thường gặp ở xương khớp (chỉ đứng sau bệnh thoát vị đĩa đệm về số lượng người mắc). Đây là bệnh lý có ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt của bệnh nhân và nếu không chữa trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng khó lường.

1. Hội chứng thắt lưng hông là gì?

Ở vùng cột sống thắt lưng của mỗi người, các rễ dây thần kinh tủy sống từ L1 đến L5 có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi cột sống hoặc đĩa đệm ở vùng thắt lưng bị tổn thương sẽ làm tổn thương các rễ dây thần kinh, gây ra hội chứng thắt lưng hông (còn gọi là hội chứng rễ thần kinh thắt lưng cùng).

Hội chứng thắt lưng hông là một tổn thương kết hợp bởi 2 hội chứng nhỏ hơn là hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh. Đây là tình trạng bệnh lý liên quan tới các rễ thần kinh, các dây thần kinh tủy sống tại vùng thắt lưng và đoạn cuối của tủy sống (vùng tủy cùng).

2. Triệu chứng điển hình của hội chứng thắt lưng hông

Lưng gù
Lưng bị gù là triệu chứng của hội chứng cột sống

Khi mắc hội chứng thắt lưng hông, bệnh nhân thường có triệu chứng của các hội chứng phối hợp (hội chứng cột sống và hội chứng rễ thần kinh). Trong đó, mỗi hội chứng lại có nhiều triệu chứng khác nhau như:

2.1 Hội chứng cột sống

  • Đau cột sống thắt lưng: Có thể đau đột ngột, đau sau chấn thương hoặc đau xuất hiện từ từ. Bệnh nhân thường chỉ đau ở một số đốt sống nhất định, đau dữ dội hoặc âm ỉ, khi ấn trên các mỏm gai các đốt sống sẽ thấy đau chói ở đốt sống bị bệnh;
  • Cột sống bị biến dạng: Biểu hiện ở tình trạng thay đổi đường cong sinh lý, mất ưỡn hoặc giảm ưỡn cột sống thắt lưng, bị hoặc lệch vẹo cột sống;
  • Giảm biên độ hoạt động của cột sống thắt lưng: Hạn chế các động tác cúi người, ngửa người, nghiêng hoặc xoay cột sống.

2.2 Hội chứng rễ thần kinh

  • Đau rễ thần kinh, đau lan dọc theo đường đi của rễ thần kinh và triệu chứng đau nhức buốt như bị mưng mủ. Đau tăng khi đi, đứng, ho hoặc hắt hơi và giảm khi nghỉ ngơi. Có người bị đau liên tục ở mọi tư thế;
  • Tê bì tay chân, mất cảm giác, giảm khả năng đi lại, lao động và sinh hoạt;
  • Có dấu hiệu căng rễ thần kinh: Phát hiện bằng cách khi ấn trên đường cạnh sống ngàn điểm giữa của khe gian đốt thì bệnh nhân thấy đau.

3. Nguyên nhân hội chứng thắt lưng hông

thoát vị đĩa đệm gây chèn ép rễ
Thoát vị đĩa đệm là một trong các nguyên nhân gây hội chứng thắt lưng

Một số nguyên nhân gây hội chứng thắt lưng hông gồm:

  • Thoát vị đĩa đệm: Những áp lực từ đĩa đệm thoát vị dễ gây kích ứng và viêm nhiễm rễ thần kinh. Đĩa đệm là những miếng sụn nằm giữa các đốt sống trong cột sống, Đĩa đệm đóng vai trò giảm sốc khi đốt sống di chuyển. Theo thời gian, bao xơ ngoài đĩa đệm có thể bị rách, dịch từ đĩa đệm chảy ra ngoài, tạo áp lực gây chèn ép các rễ dây thần kinh, dẫn tới đau lưng - hông;
  • Nguyên nhân khác: U đốt sống, hẹp đốt sống, chấn thương, nhiễm trùng,...;
  • Yếu tố nguy cơ: Tuổi tác (nguy cơ mắc bệnh tỷ lệ thuận với sự gia tăng tuổi tác), tính chất công việc (vận động viên tập các môn tác động trực tiếp lên vùng cơ lưng, người thường xuyên làm việc nặng nhọc hoặc nâng bê vật nặng, ngồi sai tư thế lâu ngày,...), mắc bệnh lý cột sống (viêm khớp, thoái hóa khớp, đau thắt lưng, thoái hóa cột sống, dị tật cột sống bẩm sinh,...).

4. Chẩn đoán và điều trị hội chứng thắt lưng hông

4.1 Chẩn đoán

  • Chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh, triệu chứng lâm sàng và khám thực thể tủy sống, chân;
  • Kiểm tra sức cơ và phản xạ của cơ;
  • Chỉ định thực hiện các xét nghiệm hình ảnh cho các trường hợp bị đau nhiều. Các xét nghiệm thường được sử dụng là chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ cột sống, chụp cắt lớp vi tính, khảo sát chẩn đoán điện hoặc tủy đồ.
Ứng dụng chụp cộng hưởng từ (MRI) trong chẩn đoán chấn thương khớp gối
Chụp cộng hưởng từ cột sống giúp chuẩn đoán hội chứng thắt lưng hông

4.2 Điều trị hội chứng thắt lưng hông

Nguyên tắc chung trong việc điều trị bệnh hiệu quả là xác định nguyên nhân và triệu chứng bệnh để có phương án trị liệu phù hợp nhất. Việc điều trị thường được phân theo 2 trường hợp: Mắc hội chứng thắt lưng hông cấp tính và mắc hội chứng thắt lưng hông mãn tính. Cụ thể là:

  • Hội chứng thắt lưng hông cấp tính: Các cơn đau thường tự biến mất sau một khoảng thời gian và người bệnh có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà để giảm đau như:
    • Chườm nóng hoặc chườm lạnh;
    • Tập theo các bài tập giãn cơ;
    • Tập luyện thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe, không cố sức;
    • Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa.
  • Hội chứng thắt lưng hông mãn tính: Các cơn đau thường kéo dài dai dẳng và khó điều trị dứt điểm. Ở trường hợp này, bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp điều trị sau:
    • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid;
    • Dùng thuốc tiêm steroid;
    • Dùng thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ;
    • Thay đổi các thói quen sinh hoạt hằng ngày;
    • Đưa trọng lượng cơ thể về mức bình thường;
    • Luyện tập các bài tập điều chỉnh lại tư thế, giúp cơ lưng khỏe mạnh và xương khớp dẻo dai hơn;
    • Nếu đã áp dụng các biện pháp điều trị trên nhưng bệnh không cải thiện thì bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật.

5. Biện pháp phòng ngừa và kiểm soát diễn tiến của hội chứng thắt lưng hông

Tập thể dục hàng ngày
Tập thể dục thường xuyên để cải thiện sự dẻo dai của các cơ thắt lưng

Mỗi người có thể tự phòng ngừa và hạn chế được những cơn đau do hội chứng thắt lưng hông gây ra bằng các biện pháp sau:

  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để cải thiện sự dẻo dai của các cơ thắt lưng. Tuy nhiên, các bài tập thể dục cần phải nhẹ nhàng, không gây áp lực lên vùng thắt lưng;
  • Khi nâng, bê vật nặng cần chú ý thao tác đúng tư thế chuẩn;
  • Hạn chế ngồi nhiều và ngồi sai tư thế trong một thời gian dài. Người làm việc văn phòng hoặc công việc đặc thù nên đứng dậy, đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng sau mỗi giờ làm việc;
  • Tránh những tư thế khó, cường độ mạnh khi sinh hoạt vợ chồng;
  • Hạn chế đi giày cao gót để giảm áp lực lên cột sống - thắt lưng;
  • Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng (bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin D và canxi để cải thiện sức khỏe của xương), hạn chế sử dụng đồ uống có cồn hoặc các chất kích thích;
  • Nên nằm giường cứng, tránh nằm võng hoặc ngồi ghế xích đu nếu đang mắc hội chứng thắt lưng hông;
  • Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần.

Hội chứng thắt lưng hông là một bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa hoặc phát hiện sớm, giúp tránh được những biến chứng khó lường. Khi thấy có dấu hiệu đau tại vùng thắt lưng xuống hông, tê bì tay chân xuất hiện với tần suất lớn, bệnh nhân nên đi khám ngay.

Khi được chỉ định điều trị theo bất kỳ phương pháp nào, người bệnh cũng cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đẩy lùi bệnh hiệu quả. Bạn nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, chất lượng để kết quả điều trị đạt hiệu quả tốt, tránh tái phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

71.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan