Đối phó với sự lo lắng khi kiểm tra y tế

Một số người có thể cảm thấy lo lắng khi đi khám hoặc kiểm tra y tế, điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến kết quả của xét nghiệm hoặc sức khỏe của người bệnh. Biết được các biện pháp đối phó sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và bớt lo lắng hơn khi bước vào buổi thăm khám.

1. Tình trạng lo lắng khi kiểm tra y tế

Lo lắng khi đi khám hoặc sợ đi khám có thể xảy ra ở nhiều bệnh nhân khi thực hiện các xét nghiệm y tế. Xét nghiệm y tế là những thủ tục được sử dụng trong việc chẩn đoán, sàng lọc hoặc theo dõi các bệnh lý khác nhau. Một số người đôi khi cảm thấy lo lắng hoặc không thoải mái về việc kiểm tra y tế. Tuy nhiên, nó thường không gây ra các vấn đề hoặc triệu chứng nghiêm trọng.

Trong một số trường hợp, tình trạng lo lắng khi đi khám có thể trở thành một loại ám ảnh – một chứng rối loạn lo âu gây ra nỗi sợ hãi dữ dội hoặc phi lý về một điều gì đó thực sự không nguy hiểm như bạn nghĩ. Sự sợ hãi này cũng có thể gây ra các triệu chứng về thể chất như khó thở, tim đập nhanh hoặc run rẩy.

2. Các loại xét nghiệm y tế khác nhau

Dưới đây là các loại xét nghiệm y tế được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, bao gồm:

  • Xét nghiệm dịch cơ thể: Chất lỏng trong cơ thể bạn thường bao gồm mồ hôi, nước tiểu, nước bọt và máu. Xét nghiệm y tế này sẽ liên quan đến việc lấy một mẫu chất lỏng trong cơ thể bạn.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: Đây là những bài kiểm tra giúp xem xét bên trong cơ thể bạn, bao gồm siêu âm, chụp X-quangchụp cộng hưởng từ (MRI). Một loại xét nghiệm hình ảnh khác là nội soi, trong đó, bác sĩ sẽ sử dụng một ống mỏng sáng, có gắn thêm camera được đưa vào cơ thể, giúp cung cấp các hình ảnh của cơ quan nội tạng cũng như những hệ thống khác.
  • Sinh thiết: Đây là một loại xét nghiệm lấy một mẫu mô nhỏ của cơ thể để kiểm tra cho các tình trạng như ung thư và một số bệnh lý khác.
  • Đo lường các chức năng của cơ thể: Các xét nghiệm này giúp kiểm tra hoạt động của nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể bạn. Việc kiểm tra có thể bao gồm đo chức năng phổi hoặc hoạt động điện của tim và não.
  • Xét nghiệm di truyền: Giúp kiểm tra các tế bào từ tủy xương, da hoặc các khu vực khác của cơ thể. Chúng thường được sử dụng để chẩn đoán các căn bệnh di truyền hoặc xác định xem liệu bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn di truyền hay không.

Những xét nghiệm kiểm tra y tế này có thể giúp cung cấp các thông tin quan trọng về sức khỏe của bạn. Hầu hết các xét nghiệm đều mang lại rất ít hoặc không có rủi ro cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đối với những người mắc chứng lo lắng khi đi khám hoặc sợ đi khám có thể quan ngại về việc thực hiện xét nghiệm đến mức họ tránh chúng hoàn toàn. Điều này thực sự có thể khiến cho sức khỏe của họ trở nên nguy hiểm hoặc tồi tệ hơn.

xét nghiệm độ tập trung tiểu cầu
Những xét nghiệm kiểm tra y tế có thể giúp cung cấp các thông tin quan trọng về sức khỏe của bạn

3. Các loại lo lắng khi kiểm tra y tế

Dưới đây là những loại lo lắng (ám ảnh) kiểm tra y tế phổ biến nhất, bao gồm:

  • Hội chứng sợ tiêm (Trypanophobia): Những người mắc chứng Trypanophobia thường cảm thấy sợ tiêm hoặc kim tiêm. Nỗi sợ hãi này có thể khiến họ không thể thực hiện được các xét nghiệm hoặc điều trị y tế cần thiết. Nó cũng đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc các bệnh mãn tính cần xét nghiệm hoặc điều trị thường xuyên.
  • Chứng sợ bác sĩ (Iatrophobia): Nhiều người mắc chứng Iatrophobia có thể sợ hãi khi thấy bác sĩ và muốn tránh né gặp họ. Nỗi lo sợ này có thể khiến một số bệnh nhẹ trở nên nghiêm trọng hoặc thậm chí gây tử vong khi không được điều trị kịp thời.
  • Hội chứng sợ không gian kín (Claustrophobia): Hội chứng này có thể ảnh hưởng đến mọi người theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể gặp phải chứng sợ hại Claustrophobia khi chụp MRI. Trong quá trình chụp cộng hưởng từ (MRI), bạn sẽ được đặt nằm bên trong một máy quét hình ống được bao bọc xung quanh. Không gian trong máy quét khá hẹp và nhỏ, có thể tạo ra cảm giác sợ hãi đối với những người mắc hội chứng Claustrophobia.
Tiêm mũi cúm khi mang thai có ảnh hưởng gì không?
Hội chứng sợ tiêm là một trong những loại lo lắng, ám ảnh kiểm tra y tế phổ biến nhất

4. Làm thế nào để đối phó với nỗi lo lắng khi kiểm tra y tế?

Một số kỹ thuật thư giãn có thể giúp làm giảm nỗi lo lắng khi kiểm tra y tế của bạn, bao gồm:

  • Thở sâu: Bạn có thể hít thở chậm 3 lần. Đếm đến 3 cho mỗi một lần hít thở sâu, sau đó lặp lại. Giảm tốc độ hít thở sâu nếu bạn bắt đầu cảm thấy lâng lâng.
  • Đếm: Bạn có thể đếm chậm rãi trong im lặng từ 1 - 10.
  • Tưởng tượng: Để xua tan nỗi lo lắng khi đi khám, bạn hãy nhắm mắt lại và hình dung ra một địa điểm hay hình ảnh khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.
  • Giãn cơ: Tập trung vào việc làm cho cơ bắp của bạn cảm thấy thư giãn và thả lỏng.
  • Nói chuyện: Bạn cũng có thể trò chuyện với một ai đó trong phòng kiểm tra y tế vì nó có thể giúp bạn phân tâm và làm giảm nỗi sợ đi khám của mình.

Nếu bạn mắc các hội chứng như Iatrophobia, Trypanophobia hoặc Claustrophobia; một số lời khuyên sau đây có thể giúp bạn giảm thiểu loại lo lắng cụ thể của mình:

Đối với hội chứng sợ tiêm (Trypanophobia):

  • Nếu bạn không cần phải nhịn hoặc hạn chế uống nước, hãy bổ sung nhiều chất lỏng cho cơ thể vào ngày hôm trước và buổi sáng trước khi thực hiện xét nghiệm máu. Điều này sẽ giúp cho nhiều chất lỏng hơn trong tĩnh mạch và hỗ trợ việc lấy máu dễ dàng hơn.
  • Có thể đề nghị bác sĩ cho sử dụng thuốc gây tê tại chỗ để làm tê da.
  • Nếu bạn sợ kim tiêm, hãy nhắm mắt và quay đi trong khi thực hiện xét nghiệm.
  • Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường và cần phải tiêm insulin thường xuyên, bạn có thể sử dụng phương pháp thay thế không dùng kim tiêm, chẳng hạn như kim tiêm phản lực.

Đối với chứng sợ bác sĩ (Iatrophobia):

  • Những người mắc hội chứng này có thể làm giảm nỗi lo lắng khi đi khám bằng cách đi cùng bạn bè hoặc người thân trong gia đình đến buổi xét nghiệm của mình để được hỗ trợ.
  • Bạn cũng có thể đem theo một cuốn sách, báo hay tạp chí hoặc bất cứ thứ gì giúp bạn phân tâm trong lúc chờ khám y tế.
  • Sử dụng thuốc giúp giảm lo lắng.

Đối với hội chứng sợ không gian kín (Claustrophobia):

  • Bạn có thể yêu cầu bác sĩ cung cấp một loại thuốc an thần nhẹ trước khi kiểm tra y tế.
  • Ngoài ra, hỏi bác sĩ các phương pháp thay thế chụp MRI truyền thống, chẳng hạn như máy quét MRI mở. Loại máy này có thể giúp bạn cảm thấy bớt ngột ngạt hơn. Mặc dù máy quét MRI mở không đem lại hình ảnh tốt bằng MRI truyền thống, nhưng nó vẫn có thể hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh.

Nếu bạn có bất kỳ nỗi lo lắng về kiểm tra y tế nào, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ và có biện pháp đối phó hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medlineplus.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan