Đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ

Đo dung tích toàn phổi có thể được thực hiện bằng nhiều kỹ thuật khác nhau. Trong đó, đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ hiện nay khá phổ biến, dễ thực hiện, ít nguy cơ cho người bệnh và được ứng dụng khá rộng rãi.

1. Các phương pháp đo dung tích toàn phổi là gì?

Dung tích toàn phổi là một trong các yếu tố quan trọng có ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng hô hấp của cơ thể. Đây là yếu tố thuộc đặc điểm giải phẫu và không thể thay đổi được. Trong một số bệnh lý, khi nguyên nhân khiến tình trạng hô hấp không đủ đáp ứng với nhu cầu sống vẫn chưa rõ rằng, giá trị dung tích toàn phổi cũng cần được khảo sát nhằm loại trừ cho các nguyên nhân khác.

Từ đó, nhiều phương pháp đo dung tích toàn phổi được trình bày với các nguyên lý khác nhau:

  • Đo dung tích toàn phổi thông qua đo chức năng hô hấp: Đây là một phương pháp động học, giá trị dung tích toàn phổi được tính toán gián tiếp qua các giá trị của luồng khí lưu thông. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương pháp này là không thể đo được phần khí cặn còn lại trong nhu mô phổi sau khi người bệnh đã thở ra hết sức. Lượng khí này cũng chiếm một thể tích tương đối đáng kể trong dung tích toàn phổi.
  • Đo dung tích toàn phổi bằng phim X quang: Bằng cách chụp X quang phổi quy ước, các thông số giải phẫu học của những thành phần cơ bản trong lồng ngực sẽ hiện lên trên phim, từ đó có thể tính toán một cách tương đối dung tích toàn phổi. Tuy nhiên, sự biểu hiện của các cấu trúc trong không gian trên mặt phẳng sẽ dẫn đến khả năng sai số đáng kể; đồng thời, giá trị tính toán còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật đo dung tích phổi, tư thế người bệnh. Vì vậy, phương pháp này hiện nay không còn được sử dụng.
Chụp X quang phổi
Chụp X quang phổi là một phương pháp đo dung tích toàn phổi

  • Đo dung tích toàn phổi bằng cách bơm khí: Phương pháp này sử dụng các chất khí như một tác nhân chỉ điểm, ví dụ khí heli và nitơ. Một lượng khí nhất định với thể tích đã biết trước sẽ được bơm vào luồng khí hít vào phổi. Sau đó, nồng độ chất khí đó sẽ được theo dõi và đo lường lại trong thể tích khí thở ra, từ đó tính toán ra dung tích toàn phổi. Đây cũng là một phương pháp động học, sinh lý. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn không xác định được lượng khí cặn, vùng không có vai trò trao đổi khí trong phổi.

2. Đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ là gì?

Đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ là một phương pháp đo các thể tích phổi bằng cách sử dụng phép trừ. Sau mỗi cuối nhịp thở ra ghi nhận trên máy phế dung kế dùng trong phòng đo chức năng hô hấp, tỷ lệ phần trăm (%) về nồng độ khí nitơ (N2) sẽ được đo lại theo công thức là hiệu số của 1 trừ đi tỷ lệ % về nồng độ của hỗn hợp khí O2 và CO2 với phương trình: %N2 = 1 - %O2 - %CO2

Trong quá trình thủ thuật, nguồn khí dùng để hít vào cho người bệnh là O2 100%; theo đó, trên những đối tượng có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), việc thực hiện kỹ thuật này cần thận trọng vì sẽ làm tăng nguy cơ dư thừa oxy nhưng lại ứ trệ thán khí nhiều hơn.

Trong một lần đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ, cần thực hiện hai lần để cho ra kết quả có tính chuẩn xác cao hơn. Tuy nhiên, giữa hai lần đo, cần chờ tối thiểu 15 phút để chức năng hô hấp trở về bình thường với hỗn hợp khí phòng, tránh gây thở oxy nguyên chất kéo dài, dễ dẫn đến ngộ độc oxy và tăng nguy cơ xơ phổi.

Đo dung tích toàn phổi
Cần thực hiện đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ 2 lần để có kết quả chính xác

3. Những chỉ định để thực hiện đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ là gì?

Khi người bệnh được nghi ngờ có rối loạn thông khí kiểu bệnh phổi hạn chế, là hệ quả của các tình trạng sau đây, cần xem xét thực hiện đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ:

  • Đã đo chức năng hô hấp có dấu hiệu giảm chức năng kiểu hạn chế, chức năng thông khí hoàn toàn bình thường
  • Có các dấu hiệu biến dạng lồng ngực bẩm sinh hay mắc phải: sau chấn thương ngực, sau phẫu thuật can thiệp vào khu vực phẫu thuật lồng ngực, cột sống
  • Phục vụ yêu cầu giám định y khoa trong khảo sát chức năng hô hấp toàn diện

Tuy nhiên, dù là kỹ thuật không xâm lấn, có một số tình trạng cấp tính nhất định không thể thực hiện đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ như rối loạn huyết động, suy hô hấp do mọi nguyên nhân, tổn thương phổi do viêm phổi, phù phổi, tổn thương màng phổi, thành ngực, thần kinh... Ngoài ra, nếu bệnh nhân không hợp tác, không hiểu cách thực hiện, bệnh nhân hôn mê thì không thể thực hiện kỹ thuật này.

Suy hô hấp
Bệnh nhân suy hô hấp chống chỉ định thực hiện phương pháp này

4. Cách thực hiện đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ như thế nào?

Bước 1: Chuẩn bị

  • Nhân lực: Một bác sĩ chuyên khoa hô hấp hay một kỹ thuật viên thành thạo về cách đo chức năng hô hấp và một điều dưỡng phụ chuẩn bị bệnh nhân, đưa dụng cụ.
  • Phương tiện: Máy đo chức năng hô hấp loại có chức năng đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ và màng lọc khuẩn gắn vào ống ngậm, nguồn khí thở O2 100%.
  • Bệnh nhân và thân nhân đã được giải thích rõ mục đích và quy trình đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ. Bệnh nhân có thể đứng hay ngồi trên ghế với tư thế thẳng lưng, mặc quần áo rộng rãi sao cho có thể thực hiện được thao tác hít thở một cách thoải mái và tối đa. Tư thế này giữ cố định trong các lần đo nhằm hạn chế sai lệch.

Bước 2: Tiến hành

  • Chọn chế độ làm việc trên máy đo chức năng hô hấp là đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ
  • Bệnh nhân được ra hiệu lệnh hít vào và thở ra nhịp nhàng theo nhu cầu bình thường. Tránh nói chuyện, hắt hơi, ho hay ngắt quãng trong quá trình này. Nếu có xảy ra, cần chấm dứt và đánh giá lại từ đầu nhằm ghi nhận một biên độ thở ổn định sinh lý của người bệnh.
đo dung tích toàn phổi
Hướng dẫn người bệnh hít thở đúng cách trong đo dung tích toàn phổi rất quan trọng

  • Sau khi nhận định nhịp thở là ổn định, ra hiệu cho người bệnh sử dụng toàn bộ các cơ hô hấp thực hiện động tác hít vào hết sức và liền sau đó là thở ra hết sức.
  • Ngay khi người bệnh vừa thở ra hết sức, bác sĩ hay kỹ thuật viên nhanh tay nhấn phím để bơm hỗn hợp khí và yêu cầu người bệnh tiếp tục hít vào sâu hết sức nối tiếp với thở ra hết sức. Điều này nhằm giúp quá trình rửa lượng khí nitơ trong phổi được diễn ra nhanh hơn.
  • Quan sát tỷ lệ % về nồng độ khí nitơ (N2) được ghi nhận trên màn hình máy đo sau mỗi lần thở ra. Máy đo sẽ tự động cho tín hiệu báo kết thúc nếu kết quả này là dưới 1% sau hai lần đo liên tiếp.
  • Cho bệnh nhân nghỉ 15 phút và thực hiện lặp lại quy trình đo như trên. Lấy kết quả báo cáo là giá trị trung bình của hai lần đo.
  • Khi kết thúc đo, ra tín hiệu cho bệnh nhân hít thở lại như bình thường và có thể ra về ngay sau đó.

Tóm lại, kết quả của đo dung tích toàn phổi bằng phương pháp rửa Nitơ sẽ cho biết rối loạn chức năng hô hấp ở bệnh nhân có phải thuộc nhóm bệnh phổi hạn chế về thể tích phổi hay không và có cách điều trị thích hợp. Mặc dù kỹ thuật đo khá đơn giản và có thể thực hiện ở bất kỳ phòng xét nghiệm có thể đo chức năng hô hấp nói chung, việc nhận định kết quả tin cậy cần đảm bảo dựa trên khả năng tuân thủ cũng như thao tác của người đo.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan