Dấu hiệu bạn đang ăn quá nhiều muối

Muối là thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể mỗi người. Tuy nhiên việc ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến những tác hại to lớn đến sức khỏe. Vậy làm thế nào để biết cơ thể thừa muối?

1. Vai trò của muối đối với cơ thể

Muối là một loại gia vị có thể tạo hương vị cho thức ăn và có thể đóng vai trò như một chất bảo quản. Trong muối có thể chứa khoảng 60% clorua và 40% natri. Các loại thực phẩm chưa qua chế biến chẳng hạn như rau, trái cây, các loại hạt, thịt, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm từ sữa đều chứa ít natri. Muối góp phần giúp thư giãn và co cơ, hỗ trợ các xung thần kinh và cân bằng các khoáng chất và nước mà cơ thể hấp thụ.

Cơ thể chúng ta mỗi ngày chỉ cần một lượng nhỏ natri ở mức khoảng 1.500 miligam mỗi ngày. Tuy nhiên theo các nghiên cứu cho thấy người Mỹ trung bình tiêu thụ khoảng 3.400mg. Việc hấp thu quá nhiều muối có thể dẫn đến một số bệnh nguy hiểm như đột quỵ, các bệnh tim mạch và đặc biệt là huyết áp cao.

2. Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thừa muối trong cơ thể

  • Đầy hơi

Đầy hơi là tình trạng dạ dày của bạn căng to lên do tích tụ quá nhiều hơi. Đây là một trong những tác động tức thì phổ biến nhất của việc ăn quá nhiều muối. Đầy hơi sẽ làm cơ thể bạn giữ nước khiến cho chất lỏng dư thừa sẽ tích tụ lại. Do đó, không nhất thiết phải tiêu thụ các thực phẩm có vị mặn để chứa nhiều natri vì một số loại đồ ăn như bánh mì kẹp, bánh pizza, bánh mì tròn và đồ ăn đóng hộp có thể đang âm thầm cung cấp muối cho cơ thể của bạn.

  • Huyết áp cao

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng huyết áp cao, nhưng yếu tố hàng đầu được kể đến là do chế độ ăn mặn có chứa quá nhiều muối. Sự thay đổi huyết áp xảy ra thông qua chế độ lọc của thận vì việc gia tăng các ion chứa trong muối làm cho chúng khó được lọc bỏ qua màng lọc của thận. Điều này gây ra tình trạng huyết áp cao.

  • Cơ thể bị phù

Phù có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang tiêu thụ quá nhiều muối. Một số bộ phận cơ thể như mặt, bàn tay, bàn chân và mắt cá chân là nơi dễ dàng nhận ra sự thay đổi này nhất. Do đó, nếu bạn cảm thấy mình đang bị phù bất thường ở các bộ phận thì nên xem xét lại lượng muối mà bản thân đang tiêu thụ.

  • Khát nước

Nếu gần đây bạn thực sự khát nước và cảm thấy mình thèm uống nước nhiều hơn trước mặc dù cường độ học tập và làm việc vẫn giữ nguyên thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều muối. Khi lượng muối nạp vào tăng lên, cơ thể sẽ lấy nước từ các tế bào và bạn bắt đầu cảm thấy khát nước. Nước uống có thể giúp trung hòa lượng muối và phục hồi các tế bào.

  • Tăng cân

Khi cơ thể tăng giữ nước do lượng muối nạp vào tăng lên, bạn có thể bị tăng cân. Nếu cân nặng tăng nhanh chóng trong vòng một tuần hoặc thậm chí vài ngày thì có thể do bạn đang ăn quá nhiều muối.

  • Tiểu nhiều

Việc tăng hấp thu muối có thể làm cho bạn đi tiểu nhiều hơn bình thường. Điều này được lý giải là vì khi đó bạn cảm thấy khát nước và uống nhiều nước hơn nên dẫn đến đi vệ sinh nhiều hơn bình thường.

  • Ngủ không ngon

Ăn quá nhiều muối trước khi đi ngủ có thể dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ. Các dấu hiệu có thể bao gồm đơn giản từ giấc ngủ không yên, thức dậy thường xuyên vào ban đêm đến cảm giác không được nghỉ ngơi vào buổi sáng.

  • Cảm thấy không được khỏe

Khi có quá nhiều muối trong cơ thể, dịch nội bào có xu hướng đi ra khỏi tế bào để làm loãng muối nên bạn có thể bắt đầu cảm thấy yếu hơn bình thường.

3. Tác động lâu dài khi ăn quá nhiều muối

Việc thực hiện một chế độ ăn quá nhiều muối có thể gây ra những ảnh hưởng ngắn hạn đến cơ thể. Tuy nhiên cần chú ý đến những tác động lâu dài như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như giãn cơ tim, đau đầu, suy tim, huyết áp cao, bệnh thận, sỏi thận, loãng xương, ung thư dạ dày và đột quỵ.

4. Một số phương pháp để hạn chế lượng muối tiêu thụ

Để làm giảm lượng muối tiêu thụ quá mức, bạn nên thực hiện theo một số phương pháp sau:

  • Lựa chọn thịt tươi thay vì các loại thịt đông lạnh hoặc thịt đóng hộp
  • Khi chọn mua rau củ đông lạnh, hãy chọn những loại gắn nhãn đông lạnh tươi và hạn chế dùng các thực phẩm được tẩm ướp gia vị hoặc nước sốt.
  • Kiểm tra kỹ nhãn thành phần dinh dưỡng của sản phẩm, đặc biệt là hàm lượng natri trong các thực phẩm bạn muốn mua.
  • Trong trường hợp đi ăn tại nhà hàng, bạn có thể yêu cầu đầu bếp cắt giảm lượng natri trong thực đơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

543 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan