Đặc điểm sinh học của tế bào Lympho T

Bài viết bởi ThS. Nguyễn Văn Phòng và ThS Lê Thị Huyền - Khối Liệu pháp tế bào, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec

Tế bào lympho T (hay tế bào T) là một loại bạch cầu thuộc dòng tế bào lympho, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch đáp ứng của cơ thể. Tế bào lympho T có nguồn gốc từ tế bào gốc tạo máu tủy xương và được trưởng thành ở tuyến ức. Bài viết này sẽ thảo luận về sự phát triển của tế bào lympho T trong tuyến ức và sự phân loại tế bào lympho T.

1. Sự trưởng thành của tế bào lympho T trong tuyến ức

Các tế bào lympho T di chuyển từ tủy xương vào tuyến ức để trải qua quá trình “huấn luyện” trở thành những tế bào lympho T trưởng thành.Tại vỏ tuyến ức các tế bào lympho T hình thành nên các thụ thể bề mặt tế bào đặc trưng cho tế bào T (T cell receptor – TCR) giúp cho chúng có thể nhận diện được các kháng nguyên lạ. Mỗi TCR chính là một sản phẩm biểu hiện gen từ sự sắp xếp các gen quy định cho thụ thể tế bào T với nhau. Sau đó, các thụ thể này sẽ tiếp xúc với tế bào biểu mô vỏ tuyến ức để kiểm tra khả năng nhận diện được một trong hai loại phân tử MHC (MHC lớp I và MHC lớp II). Các tế bào lympho T có khả năng nhận diện được phân tử MHC lớp I sẽ trở thành những tế bào T CD8+, còn các tế bào lympho T có khả năng nhận diện được phân tử MHC lớp II thì trở thành những tế bào T CD4+.

Tế bào T tiếp tục rời khỏi vỏ tuyến ức và di chuyển vào vùng tủy tuyến ức để tham gia vào bước tập luyện khả năng nhận diện tế bào. Tại đây, các tế bào lympho T tương tác với tế bào biểu mô vùng tủy có gắn một số lượng lớn phân tử MHC trình diện protein của cơ thể. Trong quá trình này, những tế bào lympho T có liên kết yếu với phân tử MHC sẽ được trưởng thành và trực tiếp đi vào máu ngoại vi. Ngược lại, những tế bào T có liên kết mạnh với phân tử MHC sẽ không còn khả năng phân biệt được protein của bản thân với các tác nhân lạ thì chúng sẽ chết đi theo con đường apoptosis để bảo vệ cơ thể.

Sự trưởng thành tế bào lympho T trong tuyến ức
Hình 1: Sự trưởng thành tế bào lympho T trong tuyến ức

Trong cơ thể chúng ta có hàng trăm triệu tế bào lympho T đi vào tuyến ức hàng ngày và chỉ có từ 2% đến 4% số lượng tế bào này trở thành tế bào lympho T trưởng thành. Vì vậy quá trình trưởng thành của tế bào lympho T luôn được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo rằng chúng có khả năng nhận diện được các tế bào bất thường với tế bào bình thường của bản thân để tiêu diệt hay kích hoạt các tế bào khác thực hiện chức năng miễn dịch của mình.

2. Phân loại tế bào lympho T

Dựa vào đặc điểm chức năng của tế bào thì tế bào lympho T được phân thành 5 loại tế bào chính như sau:

Tế bào T gây độc (T CD8+): Tế bào T gây độc có khả năng nhận biết và tiêu diệt các tế bào bất thường như tế bào nhiễm vi rút hay tế bào ung thư thông qua sự liên kết đặc hiệu giữa thụ thể tế bào T (TCR) với kháng nguyên được trình diện trên phân tử MHC lớp I của tế bào bất thường.

Tế bào T hỗ trợ (T CD4+): Tế bào T hỗ trợ được hoạt hóa thông qua sự liên kết đặc hiệu giữa thụ thể tế bào T (TCR) với kháng nguyên lạ được phân tử MHC lớp II trình diện trên bề mặt của tế bào trình diện kháng nguyên.

Tế bào T điều hòa: tế bào T điều hóa có vai trò kiểm soát hệ miễn dịch và chống lại các bệnh tự miễn.

Thế nào là bệnh tự miễn?
Tế bào T có vai trò chống lại các bệnh tự miễn.

Tế bào T ghi nhớ: Tế bào T ghi nhớ có thời gian sống kéo dài hơn so với các loại tế bào T khác và chúng có khả năng tăng nhanh chóng để tạo ra một lượng lơn các tế bào T hiệu ứng (effector) khi tiếp xúc lại với kháng nguyên.

Tế bào giết tự nhiên T (natural killer T cells - NKT): Tế bào giết tự nhiên T là một nhóm tế bào có cả đặc điểm của tế bào T và tế bào giết tự nhiên (NK), có vai trò làm cầu nối giữa đáp ứng miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng. Tế bào giết tự nhiên T khi được hoạt hóa có thể thực hiện chức năng tương tự như tế bào T gây độc và T hỗ trợ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Abul K. Abbas, et al. (2017). T lymphocyte development. Cellular and Molecular Immunology, ninth edition, Elsevier, Philadelphia, 199-205.
  2. Bruce Alberts, et al. (2002). The Adaptive Immune System. Molecular Biology of the Cell, 4th edition, Garland Science, New York.
  3. Cano RLE & Lopera HDE. (2013). Introduction to T and B lymphocytes. Autoimmunity: From Bench to Bedside, El Rosario University Press; Bogota, chapter 5.
  4. Kurd N, Robey EA. T-cell selection in the thymus: a spatial and temporal perspective. Immunol Rev. 2016;271:114-126.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

66K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan