Bài viết bởi ThS. Nguyễn Văn Phòng và ThS Lê Thị Huyền - Khối Liệu pháp tế bào, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
Khái niệm giám sát miễn dịch (immunosurveillance) được đưa ra từ những năm 1957, mô tả quá trình hệ thống miễn dịch thực hiện nhiệm vụ rà soát, phát hiện và tiêu diệt tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, tế bào lạ hoặc tế bào bất thường có khả năng biến đổi phát triển thành tế bào ung thư.
1. Khái niệm giám sát miễn dịch khối u
Giai đoạn từ năm 1994 đến năm 1998, nhiều nhóm nghiên cứu đã đưa ra những dẫn chứng ban đầu được thử nghiệm trực tiếp trên chuột cho thấy các con chuột bị đột biến ở những gen gây ra khiếm khuyết hệ miễn dịch thì dễ bị ung thư hơn so với những con chuột khác.
Do đó, các nhà khoa học bắt đầu đặt ra những nghi vấn về sự tồn tại của giám sát miễn dịch ở người. Những nghiên cứu được thực hiện và theo dõi trên người đều cho thấy hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống ung thư.
Theo thống kê từ một nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Đại học Odense, Đan Mạch vào năm 1995 cho thấy những người nhận cơ quan cấy ghép có hệ miễn dịch suy giảm hoặc ức chế miễn dịch thường có tỷ lệ mắc ung thư cao. Cụ thể, 5692 bệnh nhân ghép thận ở Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển có tỷ lệ mắc ung thư cao hơn gấp 5 lần so với người bình thường.
2. Vai trò của hệ miễn dịch trong giám sát miễn dịch
Ung thư không chỉ là một căn bệnh được gây ra bởi yếu tố di truyền hay chính sự phát sinh bất thường trong tế bào, mà nó còn là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa hệ miễn dịch và các tế bào tiền ung thư.
Để hình thành được khối u, các tế bào tiền ung thư trải qua quá trình trốn thoát giám sát miễn dịch thông qua cơ chế có tên gọi là chỉnh sửa miễn dịch (immunoeditting) với 3 giai đoạn: loại trừ, cân bằng và trốn thoát.
Ở giai đoạn loại trừ, các tế bào ung thư được phát hiện và loại bỏ bởi các tế bào miễn dịch như tế bào giết tự nhiên (NK), tế bào T trợ giúp (T CD4+), tế bào T gây độc (T CD8+)... Các tế bào này nhận diện tế bào ung thư thông qua các thụ thể bề mặt. Đây là giai đoạn hoạt động giám sát của hệ miễn dịch diễn ra hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, tế bào ung thư thường phát triển không đồng nhất dẫn đến những biến đổi về di truyền để tạo ra các tế bào có khả năng lẩn trốn sự nhận diện của hệ miễn dịch. Vì vậy, những tế bào này sẽ tiếp tục sống sót và đi vào giai đoạn cân bằng.
Trong giai đoạn cân bằng, hoạt động của hệ miễn dịch và các tế bào ung thư đều duy trì trạng thái ổn định. Quá trình chọn lọc xảy ra ở giai đoạn này làm gia tăng sự đa dạng về mặt di truyền của các tế bào khối u.
Những tế bào ung thư ban đầu bị tiêu diệt nhưng đồng thời các đột biến mới cũng liên tục được tạo ra giúp các tế bào mang đột biến này chống lại sự tấn công từ cơ thể. Giai đoạn này thường duy trì một thời gian dài trước khi các tế bào ung thư đi vào giai đoạn trốn thoát.
Tại giai đoạn trốn thoát, các tế bào miễn dịch dần trở nên mất hiệu lực trong việc duy trì trạng thái cân bằng, trong khi các tế bào ung thư lại tăng sinh không kiểm soát dẫn tới sự hình thành khối u và di căn.
Hiện nay, liệu pháp miễn dịch đang được coi là một chiến lược hiệu quả trong điều trị ung thư. Mục đích của phương pháp này nhằm thiết lập lại mối quan hệ giữa hệ thống miễn dịch với các tế bào ung thư với kỳ vọng đưa quá trình giám sát miễn dịch từ trạng thái trốn thoát trở về trạng thái cân bằng hoặc lý tưởng hơn là trở về trạng thái loại trừ.
Tại Vinmec, liệu pháp tăng cường miễn dịch tự thân đang được triển khai một cách mạnh mẽ trong hỗ trợ và điều trị ung thư. Cụ thể, nhằm tạo ra ưu thế cho hệ miễn dịch, các tế bào giết tự nhiên NK và tế bào T gây độc trong cơ thể bệnh nhân đã được nuôi cấy tăng sinh hoạt hóa với số lượng lớn để tạo ra một hàng rào bảo vệ hiệu quả với nhiệm vụ nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư.
3. Hoạt tính tế bào miễn dịch và ung thư
Một nghiên cứu ở Nhật Bản theo dõi trên 3500 người tham gia trong khoảng thời gian từ 1986 đến 1990 đã chỉ ra những người có hoạt tính miễn dịch tự nhiên thấp có tỷ lệ mắc ung thư cao hơn so với những người có hoạt tính miễn dịch tự nhiên cao hoặc trung bình.
Vì vậy, hoạt tính tế bào miễn dịch được coi là chỉ số đánh giá khả năng miễn dịch tự nhiên chống ung thư. Chỉ số này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đánh giá tình trạng hệ miễn dịch hay nguy cơ mắc ung thư của chúng ta.
Tại Vinmec, xét nghiệm hoạt tính miễn dịch đã bắt đầu được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong việc kiểm tra hay theo dõi sự thay đổi tình trạng sức khỏe thông qua giá trị hoạt tính của các tế bào miễn dịch.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.