Bài viết được viết bởi ThS. Nguyễn Văn Phòng và ThS. Hoàng Thanh Hương - Khối Liệu pháp tế bào, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
Một loại tế bào miễn dịch được gọi là các tế bào giết tự nhiên (NK – Natural Killer) có khả năng trở thành một vũ khí mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư phổi, theo một nhóm các nhà nghiên cứu từ châu Úc.
1. Ung thư phổi tế bào nhỏ
Ung thư phổi là một căn bệnh ung thư ác tính, xảy ra khi các tế bào gây ung thư phát triển mạnh mẽ trong các mô phổi. Các tế bào này tăng sinh nhanh chóng và khó có thể kiểm soát được, dần dần hình thành nên các khối u ác tính và có khả năng cao xâm lấn vào các bộ phận khác nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh ung thư phổi thường có hai loại chính, bao gồm ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC – Small Cell Lung Cancer) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC – Non-small Cell Lung Cancer).
Ung thư phổi tế bào nhỏ là u thần kinh nội tiết ác tính, chiếm 13% số ca chẩn đoán ung thư phổi hằng năm ở Mỹ. Đặc tính của loại ung thư này là sự phát triển vô cùng nhanh và mạnh mẽ, dễ lây lan sang các khu vực khác của cơ thể. Khả năng phát tán sớm và di căn của các tế bào khối u này là nguyên nhân chính gây tử vong.
Mặc dù hầu hết các bệnh nhân SCLC ban đầu đều đáp ứng rất tốt với các tác nhân hóa trị liệu bạch kim, tình trạng kháng thuốc phát triển khá nhanh chóng ở khoảng 95% số bệnh nhân, dẫn đến tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn ở dưới 7%.
Chính vì vậy, tính mạng người bệnh có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng nếu không được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Loại ung thư này thường có mức độ nguy hiểm cao hơn so với ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC), do đó những bệnh nhân bị SCLC ở giai đoạn tiến triển thường rất khó có thể điều trị được dứt điểm bệnh.
Cho đến thời điểm hiện tại, các phương pháp điều trị truyền thống như xạ trị, hóa trị hoặc phẫu thuật không thể loại bỏ tận gốc được các tế bào ung thư này mà chỉ có thể làm thu nhỏ các khối u và ngăn chặn sự phát triển của chúng trong cơ thể. Các biện pháp điều trị cũng giúp nâng cao tỷ lệ sống sót và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ.
2. Vai trò của tế bào giết tự nhiên trong SCLC
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Y học Walter & Eliza Hall (Úc), bởi TS. BS. Sarah Best đã khám phá ra rằng sự mất các tế bào NK khiến các khối u SCLC lan rộng nhanh chóng hơn, trong khi sự mất các tế bào T không hề ảnh hưởng đến sự lan rộng của bệnh. Điều này gợi ý rằng trong hai loại tế bào miễn dịch NK và T, các tế bào NK đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế di căn của SCLC.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các tế bào NK sau khi được hoạt hóa bằng cách bổ sung các cytokine có thể hoạt động tốt hơn trong việc hạn chế sự lan rộng của SCLC. Sự di căn ở SCLC được kiểm soát bởi hoạt tính gây độc tế bào (cytotoxic activity) của các tế bào NK và sự hoạt hóa của chúng có thể giúp kiểm soát vượt trội hơn sự phát tán của các tế bào ung thư.
Quan trọng hơn, các phân nhóm SCLC thể hiện mức độ khác biệt của các yếu tố phiên mã phản ứng miễn dịch, có thể dự đoán sự xâm nhập của các chất trung gian gây độc tế bào vào mô khối u. Trong tương lai, việc áp dụng liệu pháp miễn dịch sử dụng NK hoạt hóa sẽ được nghiên cứu rộng rãi hơn trong điều trị SCLC.
Các khám phá mang lại hy vọng cho những phương pháp điều trị tốt hơn cho những bệnh nhân SCLC, những người mà rất nhiều trong số họ chỉ có thể sống được vài tháng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh do sự lan rộng mạnh mẽ của ung thư.
Liệu pháp tăng cường miễn dịch tự thân sử dụng tế bào NK đã được áp dụng thành công lần đầu tiên ở Nhật Bản.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Viện nghiên cứu Walter & Eliza Hall (Úc)
Best, S.A., et al. (2020) Harnessing Natural Killer Immunity in Metastatic SCLC. Journal of Thoracic Oncology. doi.org/10.1016/j.jtho.2020.05.008.