Có nguy cơ suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật không?

Suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật là tình trạng mà nhiều bệnh nhân mắc phải, đặc biệt là người cao tuổi. Một số ý kiến cho rằng tình trạng suy giảm trí nhớ trầm trọng sau mổ liên quan đến tác dụng của thuốc gây mê. Tuy nhiên, nguy cơ suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật có thật sự xảy ra hay không và những trường hợp bị suy giảm trí nhớ phải làm sao?

1. Nguyên nhân dẫn đến suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật

Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi, xuất hiện tình trạng suy giảm trí nhớ trầm trọng sau một cuộc phẫu thuật điều trị bệnh. Tình trạng giảm sút trí nhớ này được đánh giá là tình trạng tương tự như bệnh Alzheimer giai đoạn sớm. Bệnh nhân có biểu hiện hay quên những chi tiết nhỏ và thường xuyên phải hỏi lại các vấn đề dù đã hỏi nhiều lần trước đó. Theo các chuyên gia, tình trạng suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật được gọi là Postoperative Cognitive Dysfunction (hay POCD).

Một số người cho rằng triệu chứng suy giảm trí nhớ trầm trọng sau các cuộc mổ có thể do tác dụng phụ của thuốc gây mê dùng trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu và đưa ra kết luận là không có mối liên quan rõ ràng giữa việc sử dụng thuốc gây mê và chứng suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật.

Với trình độ phát triển của y học hiện nay, các loại thuốc gây mê thế hệ mới được đào thải rất nhanh ngay sau khi phẫu thuật, đồng thời cũng không gây ra quá nhiều khó chịu cho người bệnh khi hồi tỉnh. Vì vậy, người bệnh và gia đình không nên quá lo lắng về tác dụng phụ gây suy giảm trí nhớ trầm trọng của các loại thuốc gây mê như nhiều người vẫn tưởng hiện nay.

Lưu ý, theo các chuyên gia suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật không phải là một bệnh lý mà đơn thuần chỉ là một triệu chứng xuất hiện do tác động của nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó, sẽ rất khó để đánh giá chính xác bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật là do các yếu tố trong cuộc mổ hay liên quan đến một nguyên nhân nào khác.

Nhiều nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy nguyên nhân của tình trạng suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật có thể là do tâm lý căng thẳng hay stress khi phải thực hiện phẫu thuật hoặc do chính bệnh lý khiến bệnh nhân phải phẫu thuật. Trong trường hợp người bệnh sau phẫu thuật có triệu chứng suy giảm trí nhớ trầm trọng, người thân và bản thân bệnh nhân nên bình tĩnh và đến khám bệnh với bác sĩ nội thần kinh để tìm ra biện pháp can thiệp phù hợp.

2. Bị suy giảm trí nhớ phải làm sao?

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật. Do đó vẫn chưa có biện pháp can thiệp chính xác nhất. Dưới đây là 3 cách giúp bệnh nhân “kích hoạt” não bộ, từ đó cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật.

2.1. Rèn luyện não bộ

Rèn luyện trí não mỗi ngày là một trong những biện pháp giúp não bộ hoạt động liên tục, qua đó giúp tư duy được minh mẫn hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người cố gắng ghi nhớ các sự kiện và trao đổi với người khác sẽ có trí nhớ tốt hơn.

Có nhiều hình thức để rèn luyện trí não từ đơn giản đến phức tạp như sau:

  • Xây dựng thói quen đọc sách báo;
  • Rèn luyện kỹ năng tự tổng hợp thông tin;
  • Tham gia các trò chơi mang tính tư duy cao như chơi cờ tướng hoặc cờ vua...

Lưu ý, để có thể cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ trầm trọng hiệu quả nhất, bệnh nhân và người thân phải kiên trì thực hiện các hoạt động rèn luyện trí não như trên một cách đều đặn và thường xuyên.

2.2. Rèn luyện thể chất

Luyện tập thể thao hàng ngày không chỉ giúp cải thiện sức khỏe của người bệnh sau mổ mà còn có tác dụng củng cố hoạt động của trí não. Các nhà khoa học khuyến cáo mỗi người nên dành ra ít nhất 20 phút mỗi ngày để tập thể dục. Thông qua các bài tập thể chất, các nơron thần kinh của não bộ sẽ liên kết với nhau tốt hơn, qua đó giúp người bệnh có phản xạ nhanh nhạy hơn.

Tùy vào thể trạng của mỗi người mà bác sĩ sẽ hướng dẫn những bài tập thể lực khác nhau. Tuy nhiên với bệnh nhân mới thực hiện phẫu thuật thì không nên áp dụng ngay các bài tập thể dục cường độ cao. Thay vào đó hãy tham gia một số bộ môn phù hợp hơn như tập hít thở, đi bộ, đạp xe hoặc các bài tập giúp kéo căng cơ thể...

Các nhà khoa học khuyến cáo người bệnh suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật nên rèn luyện thể chất trước khi bắt đầu bài tập rèn luyện trí nhớ với mong muốn đạt hiệu quả.

2.3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Cơ thể người bệnh sau phẫu thuật chưa hồi phục hoàn toàn nên cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cụ thể, bệnh nhân suy giảm trí nhớ trầm trọng sau mổ nên bắt đầu với các món ăn chế biến ở dạng lỏng, sau đó chuyển sang dạng rắn theo thời gian. Tùy thuộc vào loại phẫu thuật và bệnh lý trước đó mà người bệnh mắc phải, tốc độ hồi phục và khả năng dung nạp thức ăn của mỗi bệnh nhân với chế độ ăn sẽ khác nhau. Tuy nhiên, người thân nên chú ý bổ sung những thực phẩm tốt cho trí nhớ vào chế độ ăn của bệnh nhân, cụ thể như sau:

  • Các loại cá béo như: cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi...;
  • Trứng;
  • Các loại quả mọng như: quả việt quất, quả dâu tây, quả mâm xôi...:
  • Các loại quả hạch;
  • Các loại hạt;
  • Ngũ cốc nguyên hạt;
  • Bông cải xanh.

3. Trước khi phẫu thuật bệnh nhân cần lưu ý điều gì?

Phẫu thuật là biện pháp điều trị bệnh nhân bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo sức khỏe. Thay vì tìm câu trả lời cho thắc mắc bị suy giảm trí nhớ phải làm sao, người bệnh nên tự có biện pháp dự phòng từ trước để hạn chế tối đa nguy cơ mắc phải tình trạng suy giảm này. Một trong những việc quan trọng và có phần quyết định đến việc trí nhớ của người bệnh có suy giảm sau mổ hay không chính là bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý thoải mái và phải tin tưởng tuyệt đối vào đội ngũ y bác sĩ thực hiện phẫu thuật. Việc giải tỏa tâm lý căng thẳng, stress sẽ giúp bệnh nhân ít có nguy cơ suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật vì theo các chuyên gia stress là một nguyên nhân khiến trí nhớ giảm sút đáng kể.

Bên cạnh đó, trước phẫu thuật bệnh nhân cần lưu ý đến những vấn đề như sau:

  • Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tiền phẫu để đánh giá chức năng của các cơ quan trong cơ thể, trong đó quan trọng là gan, thận, phổi, tim mạch... Ngoài ra bệnh nhân cần được đánh giá nguy cơ chảy máu và nguy cơ nhiễm trùng...;
  • Bệnh nhân cần được khám, đánh giá tiền mê trước phẫu thuật để xem xét tình trạng sức khỏe và các bệnh lý kèm theo có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả cuộc mổ hay không. Trong trường hợp bệnh nặng cần hội chẩn các chuyên khoa, đội ngũ bác sĩ sẽ cùng bàn bạc để có xây dựng kế hoạch gây mê hồi sức và chăm sóc sau phẫu thuật thích hợp hợp cho từng bệnh nhân cụ thể;
  • Một lưu ý đơn giản nhưng rất quan trọng là bệnh nhân cần nhịn ăn uống trước khi mổ theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng suy giảm trí nhớ sau phẫu thuật. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ đến bác sĩ Vinmec để được thăm khám, điều trị hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

684 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan