Chớ coi thường viêm họng cấp

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm họng cấp là bệnh thường gặp, bệnh xảy ra quanh năm. Đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa thì viêm họng cấp dễ dàng xuất hiện. Tuy nhiên, viêm họng cấp tưởng chừng như đơn giản nhưng lại dễ biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

1. Nguyên nhân gây viêm họng cấp tính

Viêm họng cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc ở họng, xảy ra một cách đột ngột, thường là do virus (cúm, sởi, Adenovirus...), vi khuẩn (phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Hemophilus influenzae...). Nguy hiểm hơn cả là viêm họng cấp do liên cầu khuẩn nhóm A (S.pyogenes) gây ra. Đây chính là thủ phạm gây nên hàng loạt biến chứng viêm họng đến viêm khớp cấp (thấp tim tiến triển), viêm cầu thận cấp... Ngoài ra, một số trường hợp viêm họng cấp có thể do nấm (Candida) gây ra.

Ngoài các nguyên nhân trên, phải kể đến các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết, trời lạnh quá, ẩm quá, bụi bẩn nhiều, khói bụi công nghiệp, khói thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi, rơm rạ và có thể còn do tác động của rượu bia.

2. Triệu chứng viêm họng cấp tính

Bệnh viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột, người bệnh thường sốt cao từ 39 - 40 độ C, điển hình là cảm giác nuốt đau, rát họng. Lúc đầu, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy khô nóng trong họng, dần dần hình thành cảm giác đau rát, tăng lên khi nuốt, ho và kể cả khi nói chuyện. Một số người bệnh còn thấy đau tai và đau nhói khi nuốt.

Các triệu chứng kèm theo khi mắc viêm họng cấp là sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi dịch nhầy, tiếng nói có thể khàn nhẹ, ho khan, 2 amidan viêm to, bề mặt amidan có chất nhầy trong, có khi xuất hiện bựa trắng như nước cháo phủ trên bề mặt, một số có hạch cổ bị sưng.

Trường hợp viêm họng cấp do virus cúm gây ra thì các triệu chứng có xu hướng khá nặng gồm: nhức đầu, đau rát họng, xuất huyết ở thành sau họng. Trường hợp viêm họng cấp do virus APC (Adeno Pharyngo Conjunctival) thì kèm theo xuất tiết mũi, niêm mạc họng đỏ, viêm màng tiếp hợp và sưng hạch cổ rõ. Tuy nhiên, các trường hợp viêm họng cấp do virus hiện nay thường gặp không ít khó khăn khi xác định loại virus gây bệnh.

Viêm họng cấp
viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột, người bệnh sốt cao từ 39 - 40 độ C.

3. Viêm họng cấp tính có nguy hiểm không?

Tình trạng viêm họng cấp do thời tiết chuyển mùa thường chỉ diễn ra trong vòng 3 - 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt và chăm sóc tốt thì bệnh sẽ tự lui dần, các triệu chứng sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu (đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi) thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, dễ tiến triển nặng hơn và có thể gây biến chứng như: viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm, trở thành viêm họng mạn tính, thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp... đặc biệt nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes).

4. Nguyên tắc điều trị viêm họng cấp tính

Nguyên tắc điều trị hiệu quả nhất đó là dựa vào nguyên nhân gây bệnh, trong trường hợp xác định được loại vi khuẩn và có kết quả của kháng sinh đồ thì nên lựa chọn kháng sinh điều trị thích hợp với tuổi, tình trạng bệnh và đặc điểm của kháng sinh. Việc dùng thuốc để điều trị trong trường hợp cấp tính cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự động mua thuốc để chữa bệnh cho bản thân mình và người nhà vì nếu nguyên nhân là do virus sẽ không cần dùng kháng sinh để điều trị. Bác sĩ thường chỉ định thêm các thuốc điều trị triệu chứng để giảm khó chịu cho bệnh nhân.

5.Lưu ý khi chữa trị viêm họng cấp

Lưu ý cần bù nước và chất điện giải do bệnh nhân bị sốt cao. Bù nước và điện giải là uống dung dịch oresol (ORS) và pha đúng theo chỉ dẫn trên bao bì. Thông thường sử dụng ORS như sau, trẻ nhũ nhi cần thì dùng 50ml/lần với khoảng 2 - 3 lần/ngày, trẻ từ 2 - 6 tuổi nên dùng 100ml/lần với 2 - 3 lần/ngày, trẻ từ 6 - 12 tuổi dùng 150ml/lần với 2 - 3 lần/ngày. Đối với người lớn dùng ORS theo nhu cầu.

Thức ăn cho người đang bị viêm họng cấp tính nên dùng loại mềm, nhuyễn, dễ nuốt và cần ăn thêm rau, trái cây. Việc nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân là việc cần chú ý khi đang bị bệnh. Người bệnh nên tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong cần phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch. Cần vệ sinh họng, răng miệng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Súc họng bằng nước muối nhạt hằng ngày vừa có tác dụng hỗ trợ trị bệnh vừa giúp phòng bệnh hiệu quả.

Viêm họng cấp
Bù nước và điện giải là uống dung dịch oresol (ORS) khi điều trị viêm họng cấp.

6. Phòng ngừa viêm họng cấp

Để phòng ngừa viêm họng cấp và các biến chứng nguy hiểm, chúng ta cần vệ sinh răng miệng, họng, mũi thường xuyên và hàng ngày. Cần đánh răng sau khi ăn và trước, sau khi ngủ dậy làm sao tạo thành một thói quen, nhất là đối với trẻ em. Nên tắm bằng nước ấm trong những ngày thời tiết chuyển mùa, nhất là với những người mắc bệnh viêm họng tái đi tái lại nhiều lần. Không nên ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hòa lạnh đột ngột sau khi tắm xong.

Khi phát hiện bị viêm họng cấp với các biểu hiện nặng (sốt cao, đau họng nặng) nên đi khám ngay, là khám chuyên khoa tai mũi họng hoặc phòng khám đa khoa để nhanh chóng xác định bệnh và điều trị ngay từ những ngày đầu, không nên để bệnh kéo dài nhiều ngày, không nên tự chẩn đoán bệnh, không dùng theo đơn thuốc cũ hoặc tự mua thuốc để điều trị vì có nguy cơ dẫn đến một số biến chứng không đáng có xảy ra.

7. Điều trị viêm họng cấp hiệu quả tại Vinmec Times City

Khoa Liên Chuyên Khoa (khoa ghép của chuyên khoa: Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt) - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là chuyên khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng thông thường, các khối u vùng đầu mặt cổ, dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp nội - ngoại khoa tối ưu nhất cho bệnh nhân, cả trẻ em và người lớn. Đặc biệt, chuyên khoa Tai Mũi Họng chuyên trị các bệnh lý thường gặp như: viêm họng cấp, ù tai, viêm mũi không do dị ứng, ung thư cổ họng, thủng màng nhĩ, viêm tai giữa, viêm amidan, viêm V.A, viêm xương cấp, polyp dây thanh, ung thư thanh quản...Đến với Vinmec Times City, bệnh nhân sẽ nhận được sự thăm khám trực tiếp, tận tình và chuyên nghiệp từ đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm:

  • Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hữu Tuấn: Nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều trị các bệnh về Tai - Mũi - Họng và đã có 3 năm làm việc cũng như được đào tạo Thạc sĩ Y học, Thạc sĩ Bác sĩ Nội trú tại Cộng hòa Pháp. Hiện tại bác sĩ đang là Trưởng khoa Liên Chuyên Khoa hệ ngoại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
  • Bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Lan: Với hơn 25 năm kinh nghiệm khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng. Trước khi làm việc tại Vinmec, bác sĩ Lan từng công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
  • Bác sĩ Phùng Thị Phương Loan: Với trên 40 năm kinh nghiệm về thăm khám và điều trị các bệnh lý Tai - Mũi - Họng và hô hấp Nhi.
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Toàn: Với 15 năm kinh nghiệm trong ngành Tai - Mũi - Họng, từng tham gia các khóa học về phẫu thuật tại bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương, Thái Lan và Singapore.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan