Chế độ dinh dưỡng 3 tháng giữa thai kỳ

Một chế độ dinh dưỡng mang thai phù hợp, kết hợp với vận động, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp thai nhi phát triển tối ưu và thai phụ có đủ sức khỏe để nuôi dưỡng, chăm sóc cho bé. Do vậy, cần đảm bảo dinh dưỡng cho thai phụ trong suốt thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng giữa - giai đoạn thai nhi phát triển nhanh.

1. Vai trò của chăm sóc dinh dưỡng mang thai

Thời kỳ trẻ còn trong bào thai, dinh dưỡng của bé phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng mang thai của mẹ. Nguồn dinh dưỡng từ mẹ sẽ đi theo máu, qua nhau thai tới cung cấp cho thai nhi. Nếu có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, người mẹ sẽ có sức đề kháng tốt, không mắc bệnh, có đủ sức khỏe để sinh con mà mau chóng hồi phục sức khỏe sau sinh, có đủ sữa cho con bú, có sức chăm sóc con.

Ngoài ra, người mẹ được chăm sóc dinh dưỡng tốt từ trước và trong khi mang thai sẽ sinh những em bé khỏe mạnh, không bị suy dinh dưỡng bào thai hay chậm phát triển tâm thần, vận động. Vì vậy, việc chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai là vô cùng quan trọng.

Dinh dưỡng khi mang thai cũng cần có sự điều chỉnh riêng cho phù hợp với từng giai đoạn. Cụ thể:

  • Trong 3 tháng đầu: Là giai đoạn hình thành các cơ quan, tổ chức của thai nhi như tủy sống, não, phổi, gan, tim,... nên người mẹ cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu đạm;
  • Dinh dưỡng 3 tháng giữa thai kỳ: Là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh, phát triển về khung xương và chiều cao của trẻ nên cần tăng cường đáp ứng năng lượng cho phụ nữ mang thai;
  • Trong 3 tháng cuối: Là giai đoạn thai nhi phát triển cân nặng nhanh nhất nên người mẹ cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng để bé sẵn sàng chào đời khỏe mạnh.
mang thai
Chế độ dinh dưỡng hợp lý ở 3 tháng giữa rất quan trọng

2. Nhu cầu dinh dưỡng 3 tháng giữa thai kỳ

Nhu cầu về dinh dưỡng của các thai phụ trong 3 tháng giữa thai kỳ tương tự với các giai đoạn khác, gồm các loại dưỡng chất quan trọng sau:

2.1 Nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết

Nhu cầu năng lượng trung bình của phụ nữ là 2.200 kcal/ngày. Với phụ nữ mang thai trong 3 tháng giữa sẽ cần năng lượng thêm 360 kcal/ngày, tức là khoảng 2.560 kcal/ngày. Việc cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong quá trình mang thai giúp thai phụ tăng cân đều đặn.

Tốc độ tăng cân đối với phụ nữ có cân nặng bình thường trước khi mang thai nên duy trì ở mức 0,4kg/tuần trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Còn với phụ nữ có cân nặng thấp thì tốc độ tăng cân nên giữ ở mức 0,5kg/tuần. Với phụ nữ thừa cân, tốc độ tăng cân phù hợp là 0,3kg/tuần.

Nhu cầu về các chất dinh dưỡng thiết yếu:

  • Chất đạm: Cần thiết để hình thành bào thai, nhau thai và mô cơ thể mẹ. Phụ nữ mang thai nên tăng cường ăn những thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu;
  • Chất béo: Rất cần thiết cho việc xây dựng màng tế bào và hệ thống thần kinh của thai nhi, đồng thời cung cấp năng lượng, hỗ trợ thai phụ hấp thu các vitamin tan trong dầu. Phụ nữ mang thai nên tăng cường sử dụng chất béo, bao gồm cả mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ với lượng ít và dầu nành, dầu mè, mỡ cá với lượng nhiều hơn;
  • Chất xơ: Thai phụ cần bổ sung chất xơ từ ngũ cốc, khoai lang, trái cây, rau xanh,... và uống nhiều nước để giảm nguy cơ táo bón, trĩ.

2.2 Nhu cầu vitamin và khoáng chất

Phụ nữ mang thai có nhu cầu vitamin và khoáng chất cao hơn so với bình thường. Các loại vitamin, khoáng chất thiết yếu cho thai phụ gồm:

  • Canxi: Trợ giúp cho quá trình hình thành hệ xương của thai nhi. Nhu cầu canxi hằng ngày của phụ nữ mang thai cần tăng thêm khoảng 300mg/ngày, tương đương tổng lượng cần thiết là 1.000 - 1.200 mg/ngày. Các thực phẩm giàu canxi cần thiết cho phụ nữ mang thai 3 tháng giữa thai kỳ gồm: chế phẩm từ sữa, đậu, rau xanh, cá, tôm đồng,...;
  • Axit folic: Rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi vì nếu thai phụ bị thiếu axit folic thì thai nhi dễ bị dị tật ống thần kinh. Nhu cầu acid folic ở phụ nữ mang thai là 600 μg/ngày. Vì vậy, bà bầu cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu axit folic như bắp cải, bông cải xanh, măng tây, chuối, cam, trứng,... Ngoài thực phẩm, thai phụ nên bổ sung thêm axit folic bằng đường uống với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ;
  • Vitamin D: Hỗ trợ cơ thể hấp thu canxi và photpho tốt hơn để hình thành hệ xương. Thiếu vitamin D dẫn tới nhuyễn xương, hạ canxi máu gây co giật, loãng xương,... Thai phụ nên tắm nắng nhiều hơn (ở thời điểm trời dịu mát, không nắng gắt), đồng thời bổ sung thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu vitamin D như gan cá, bơ, sữa, trứng, các loại cá béo,...;
  • Vitamin A: Phụ nữ mang thai trong suốt thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng giữa cần có một lượng vitamin A dự trữ để cung cấp cho con và tăng sức đề kháng cho mẹ. Nhu cầu vitamin A của thai phụ là 800 μg/ngày. Một số thực phẩm giàu vitamin A rất tốt cho sức khỏe gồm: gan, lòng đỏ trứng, sữa, thịt, rau màu xanh, vàng, đỏ,... Tuy nhiên, cần chú ý nếu phụ nữ mang thai tiêu thụ quá nhiều vitamin A thì có thể gây dị tật thai nhi. Vì vậy, thai phụ cần bổ sung vitamin A theo chỉ định của bác sĩ;
  • Vitamin B1: Bà bầu cần được cung cấp đủ vitamin B1 để tránh bị tê phù. Thực phẩm giàu vitamin B1 nên bổ sung vào chế độ ăn của thai phụ gồm thịt lợn, rau, các loại hạt đậu, một số loại cá,...
nguoi-lon-co-can-bo-sung-vitamin-d-1
Vitamin D giúp phòng ngừa loãng xương ở mẹ bầu

2.3 Nhu cầu vi chất khác

  • Sắt: Là vi chất rất cần thiết đối với sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Các bà mẹ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng giữa thai kỳ nên tăng cường bổ sung thực phẩm có hàm lượng sắt cao như thịt, gan động vật, nghêu, sò, ốc, ngũ cốc, đậu đỗ,... để phòng ngừa thiếu máu cho mẹ bầu. Nguyên nhân vì nếu mẹ bầu bị thiếu máu có thể gây sinh non, thai chết lưu hoặc thai phụ bị chảy máu nhiều sau sinh. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên dùng thêm viên uống bổ sung sắt, uống ngay từ khi phát hiện có thai và kéo dài tới sau sinh 1 tháng. Đồng thời, để hấp thu sắt tốt hơn nên tăng cường sử dụng thực phẩm giàu vitamin C;
  • I-ốt: Là loại vi chất có vai trò rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Thai phụ nếu thiếu i-ốt có nguy cơ cao bị sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc trẻ sinh ra bị chậm phát triển trí tuệ, cân nặng sơ sinh thấp, có các khuyết tật bẩm sinh,... Do vậy, bà bầu nên bổ sung thực phẩm giàu i-ốt như cá biển, rong biển và dùng muối ăn có bổ sung i-ốt, đảm bảo nhu cầu i-ốt đạt 200 μg/ngày;
  • Kẽm: Phụ nữ mang thai nên bổ sung thực phẩm giàu kẽm để đạt liều lượng tổng là 20 mg/ngày. Nguyên nhân vì nếu thiếu kẽm, thai nhi dễ bị nhẹ cân, chiều cao thấp và dễ có các khuyết tật bẩm sinh.
Định nghĩa và phân độ thiếu máu
Mẹ bầu cần bổ sung sắt để không bị thiếu máu

3. Một số lưu ý về dinh dưỡng 3 tháng giữa thai kỳ

Phụ nữ mang thai trong suốt thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng giữa cần lưu ý:

  • Tuyệt đối không hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích. Nếu người xung quanh hút thuốc nên tránh xa để tránh hít phải khói thuốc độc hại. Nguyên nhân vì các chất kích thích có thể làm tim đập nhanh, gây buồn nôn, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi;
  • Giảm ăn các gia vị cay, chua như ớt, tiêu, giấm, tỏi vì chúng có thể gây đau dạ dày, trĩ và táo bón;
  • Hạn chế uống cà phê và các thức ăn chế biến sẵn;
  • Chọn thực phẩm tươi, sạch và có giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi;
  • Không ăn no trước khi đi ngủ và nên ăn chậm, ngồi thẳng khi ăn;
  • Nếu bị nghén nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và tránh thức ăn có mùi;
  • Giảm ăn mặn đối với những thai phụ bị phù, tăng huyết áp hoặc nhiễm độc thai nghén,... để tránh gặp tai biến khi sinh;
  • Hạn chế đồ ngọt vì lượng đường nạp vào cơ thể quá nhiều có thể làm hao tổn canxi, dễ gây tăng cân và tiểu đường thai kỳ;
  • Không cần quá kiêng khem, không nên chỉ ăn một vài loại thức ăn hoặc ăn quá nhiều thức ăn chua, cay,... vì dễ gây thiếu chất cho mẹ và bé. Bữa ăn của thai phụ nên đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau;
  • Uống nhiều nước;
  • Việc dùng thuốc trong thời kỳ mang thai cần thận trọng, tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong thời kỳ 3 tháng giữa thai kỳ, các thai phụ không ốm nghén nhiều, có thể ăn uống thoải mái hơn nên cần ăn đủ chất để cung cấp đủ dinh dưỡng thiết yếu cho nhu cầu của mẹ và bé. Mỗi phụ nữ nên quan tâm tới khẩu phần ăn của mình trong thời kỳ mang thai, xây dựng một thực đơn khoa học để có một thai kỳ khỏe mạnh. Trong trường hợp muốn có một chế độ dinh dưỡng khoa học, bà bầu nên tìm đến các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn, kỹ hơn.

Để đảm bảo sức khỏe của thai phụ và thai nhi tốt, bạn nên lựa chọn đăng ký các gói Thai sản trọn gói tại các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ thăm khám và theo dõi thường xuyên để xử lý kịp thời những phát sinh, rủi ro xảy ra trong suốt thai kỳ và sau khi chuyển dạ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:

  • Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao
  • Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
  • Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
  • Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai: Cẩm nang mẹ bầu cần biết

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

183.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan