Chẩn đoán u nang thận với siêu âm, MRI, CT

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Công Hiền - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. BSCK I Võ Công Hiền đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt trong chẩn đoán u nang thận với siêu âm, MRI, CT.

U nang thận thường được chẩn đoán bằng các xét nghiệm hình ảnh nhưng chủ yếu là siêu âm. Nếu trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ có bệnh lý ác tính thì các phương pháp chụp MRI, chụp CT có thể được chỉ định để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

1. U nang thận là gì?

U nang thận là túi dịch lỏng được hình thành ở thận. Hầu hết, các nang thận là đơn nang, có vách mỏng và dịch lỏng giống nước. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi và thường không gây ra bất kỳ triệu chứng hay tác hại nào.

Trong một số ít trường hợp, u nang thận có thể cần điều trị do nhiễm trùng, chảy máu hoặc tăng kích thước. Khi xảy ra các biến chứng như vậy, u nang thận có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Sốt
  • Đau vùng sườn hoặc hông
  • Đau bụng vùng thượng vị
  • Thay đổi thói quen tiểu tiện
  • Máu trong nước tiểu (tiểu máu)

Nguyên nhân gây u nang thận chưa được xác định. Tuổi tác được cho là yếu tố nguy cơ chính. Ước tính 1⁄3 số người trên 70 tuổi có ít nhất một nang đơn thận. Việc xuất hiện nhiều hơn một nang đơn ở mỗi thận là bình thường ở người lớn tuổi.

U nang thận xuất hiện với số lượng nhiều ở thận có thể gây ra một tình trạng bệnh khác được gọi là bệnh thận đa nang (PKD). Thận đa nang là một rối loạn di truyền được đặc trưng bởi sự phát triển của các cụm u nang, có thể gây suy giảm chức năng thận.

Thận đa nang
Hiện nay nguyên nhân gây u nang thận vẫn chưa được tìm ra

2. Chẩn đoán u nang thận với siêu âm, MRI, CT

Đa số các trường hợp mắc u nang thận không xuất hiện triệu chứng nên thường được tình cờ phát hiện bằng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khi đi khám các bệnh lý khác. Trong trường hợp không có bất kỳ triệu chứng nào, ung nang thận thường không cần phải can thiệp hoặc tiến hành bất cứ xét nghiệm nào thêm. Tuy nhiên, với các nang thận phức tạp với thành dày, khối u rắn thay vì lỏng thì cần bổ sung các xét nghiệm để theo dõi và xác định đó là khối u nang hay một khối u ác tính khác. Chẩn đoán u nang thận thường được thực hiện bởi một số loại xét nghiệm hình ảnh, bao gồm:

2.1. Siêu âm ổ bụng và siêu âm vùng chậu

Siêu âm ổ bụng siêu âm vùng chậu giúp quan sát hình ảnh thận, từ đó xác định tính chất của nang thận (số lượng, kích thước và thành nang thận). Xét nghiệm thuận tiện, có thể sử dụng để theo dõi u nang thận khi phát hiện bất kỳ sự thay đổi nào theo thời gian.

Trên siêu âm, nếu nang thận có hình tròn hoặc bầu dục, bờ đều, dịch trong, khối trống âm, không có bóng cản phía sau, không thông với đài bể thận, khối u nang thận là lành tính. Nghi ngờ ác tính đối với các trường hợp nang thận có đậm độ, tiếng vang không đồng nhất hoặc đặc.

2.2. CT ổ bụng và vùng chậu

Chụp CT là chỉ định bổ sung khi có dấu hiệu nghi ngờ u nang thận phức tạp trên hình ảnh siêu âm. Nó giúp phân biệt các u nang thận lành tính với các khối u thận. Chụp CT cần được thực hiện bằng tiêm thuốc cản quang.

2.3. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Qua hình ảnh MRI có thể xác định chi tiết cấu trúc ở thận, giúp chẩn đoán chính xác tính chất của khối u nang. Chụp MRI cũng cần được thực hiện bằng tiêm thuốc cản quang.

chup-ct-mri-trong-chan-doan-viem-ruot-thua-3
Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp chẩn đoán u nang thận

3. U nang thận được điều trị như thế nào?

U nang thận thường không cần phải điều trị trừ khi xuất hiện các triệu chứng hoặc gây hại cho chức năng thận. Điều trị u nang thận được thực hiện bằng cách phương pháp sau:

  • Liệu pháp xơ hóa: Liệu pháp xơ hóa còn được gọi là chọc hút dịch nang thận. Nó được thực hiện bằng cách đưa một cây kim dài qua da và vào u nang dưới hướng dẫn siêu âm. Tiếp theo là hút dịch lỏng và lấp đầy nó bằng dung dịch chứa cồn làm cho u nang cứng và co lại, giúp giảm khả năng tái phát. Thủ tục thường được thực hiện ngoại trú bằng gây tê cục bộ.
  • Phẫu thuật: Đối với các u nang lớn hơn, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ và tiếp cận với khối u nang bằng phương pháp phẫu thuật nội soi. Sau đó, dịch lỏng sẽ được hút và vách ngoài của u nang sẽ được đốt hoặc cắt đi. Phẫu thuật nội soi đòi hỏi phải gây mê toàn thân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan