Bị giãn tĩnh mạch thừng tinh uống thuốc có khỏi không?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một bệnh lý nam khoa phổ biến, trong nhiều trường hợp bệnh gây rối loạn nội tiết tố nam, đau vùng bẹn bìu và làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới. Vậy giãn tĩnh mạch thừng tinh uống thuốc có khỏi không? Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để giải đáp thắc mắc trên.

1. Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh khi các tĩnh mạch trong túi da chứa tinh hoàn (bìu) bị giãn nở. Tình trạng này tương tự như trong bệnh lý giãn tĩnh mạch chi dưới.

Đây là bệnh lý phổ biến ở nam giới, bệnh thường gặp ở lứa tuổi dậy thì và thanh thiếu niên, hiếm gặp sau tuổi thanh thiếu niên. Bệnh thường gặp ở bên trái chiếm 90% do đường dẫn máu từ tinh hoàn trái. Một số trường hợp có thể xảy ra cả hai bên.

2. Nguyên nhân của giãn tĩnh mạch thừng tinh

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh lý giãn tĩnh mạch thừng tinh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Phân loại giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể được chia thành 3 mức độ bao gồm:

  • Khi kéo căng có thể sờ thấy bằng tay (độ I).
  • Khi thả lỏng có thể sờ thấy bằng tay (độ II).
  • Nhìn bằng mắt thường có thể thấy rõ dù ở khoảng cách xa, thậm chí khi nghỉ ngơi hoàn toàn (độ III).

3. Giãn tĩnh mạch thừng tinh có triệu chứng gì?

Đa số các trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có triệu chứng, không gây đau đớn, không gây bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào và không cần điều trị. Bệnh chủ yếu được phát hiện bởi bệnh nhân, hoặc bác sĩ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc trong quá trình đánh giá khả năng sinh sản khi trưởng thành.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh chỉ được điều trị khi có các dấu hiệu sau:

  • Gây đau
  • Tinh hoàn bị co rút hoặc kém phát triển (teo tinh hoàn).
  • Giảm khả năng sinh sản.

Triệu chứng đau hiếm khi xảy ra và nếu có thì:

  • Có thể gây đau nhói đến đau âm ỉ ở bìu.
  • Đau tăng khi người bệnh đứng lâu hoặc làm việc nặng.
  • Đau tăng dần trong ngày.
  • Hết đau khi nằm ngửa.

Co rút tinh hoàn bị ảnh hưởng (teo tinh hoàn): Phần lớn tinh hoàn được cấu tạo từ các ống sinh tinh. Khi xảy ra tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn sẽ có khả năng co rút lại và mềm hơn. Nguyên nhân gây co rút tinh hoàn cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tình trạng ứ máu này sẽ dẫn đến vấn đề làm tăng áp lực bên trong tĩnh mạch, từ đó gây tổn thương tinh hoàn.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới do nguyên nhân từ việc giảm lưu lượng máu và tăng nhiệt độ của tinh hoàn. Kết quả này làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành, khả năng di chuyển (độ di động) và chức năng của tinh trùng. Do đó, tinh hoàn sản xuất ít tinh trùng hơn và tinh trùng được sản xuất ra có thể không đảm bảo được chức năng sinh sản. Điều trị sớm cho bệnh nhân có thể giúp bệnh nhân tạo ra những tinh trùng khỏe mạnh hơn và thậm chí giúp tinh hoàn được hồi phục.

4. Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể tự khỏi?

Đây là thắc mắc của nhiều người khi được bác sĩ chẩn đoán mắc phải bệnh này. Do nguyên nhân gây ra bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh là khi các tĩnh mạch trong thừng tinh bị giãn và xoắn bất thường và có nguy cơ để lại những biến chứng nghiêm trọng. Do đó, bệnh này không thể tự khỏi nếu người bệnh không được thăm khám và điều trị kịp thời bởi các bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh khi phát hiện những triệu chứng nghi ngờ có liên quan đến bệnh không được chủ quan, cần đến ngay cơ sơ y tế để được chẩn đoán chính xác bệnh lý đã mắc phải.

5. Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh

Khi phát hiện ra bệnh, đa số mọi người đều thắc mắc “Giãn tĩnh mạch thần tinh uống thuốc có khỏi không? Và câu trả lời là còn tùy thuộc vào mức độ tình trạng bệnh của bệnh nhân khi được phát hiện. Trong trường hợp, người bệnh được phát hiện sớm, triệu chứng nhẹ, có thể điều trị nội khoa. Tuy nhiên, trong trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh đã gây ra các triệu chứng như gây đau tức ở vùng bìu kéo dài, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày, giãn tĩnh mạch tinh hoàn gây teo tinh hoàn, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, khả năng gây vô sinh,...cần phải can thiệp ngoại khoa.

Người bệnh bị giãn tĩnh mạch thừng tinh được bác sĩ chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp sau:

  • Búi giãn tĩnh mạch thừng tinh gây đau tức, căng cứng vùng bìu kéo dài.
  • Búi giãn tĩnh mạch gây đau, tinh hoàn ảnh hưởng đến tinh trùng, nguy cơ gây vô sinh.

Phẫu thuật

Phương pháp này giúp làm tắc các tĩnh mạch đã bị giãn với mục đích để ngăn dòng máu chảy về từ tinh hoàn. Tình trạng tắc nghẽn này làm chuyển hướng dòng máu đến các tĩnh mạch khỏe mạnh. Cách tiến hành như sau:

  • Dùng phương pháp vi phẫu để rạch một đường nhỏ ở quanh vị trí vùng bẹn.
  • Dùng dụng cụ nội soi để rạch nhiều đường nhỏ ở vị trí vùng bẹn.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành thắt nối các tĩnh mạch thừng tinh đã bị giãn nở và tránh làm tổn thương đến các cơ quan lân cận gọi là mạch bạch huyết. Trường hợp các hệ bạch huyết này bị tổn thương sẽ gây ra tình trạng không thể lưu thông đúng cách và có thể gây ra các biến chứng.

Các biến chứng thường gặp nhất sau phẫu thuật như:

  • Nguy cơ làm tích tụ một lượng dịch bên trong bìu quanh bộ phận tinh hoàn (gây tràn dịch màng tinh hoàn).
  • Teo tinh hoàn.
  • Giảm chức năng của tinh hoàn.
  • Nguy cơ làm tổn thương lên thành động mạch tinh hoàn.

Làm tắc mạch

Phương pháp làm tắc mạch hoặc nút mạch là một lựa chọn tốt để thay thế phương pháp phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Bằng cách tiêm vào tĩnh mạch các chất tương phản qua ống thông dưới hướng dẫn của tia X. Cách này giúp phát hiện ra các tĩnh mạch gây giãn tĩnh mạch thừng tinh. Thường thực hiện bằng thuốc gây tê hoặc thuốc an thần nhẹ qua một lỗ rất nhỏ ở vùng bẹn hoặc cổ. Thủ thuật thường kéo dài từ 45 phút đến 1 giờ.

Một số lưu ý sau phẫu thuật hoặc làm tắc mạch như sau:

  • Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động bình thường, không hoạt động gắng sức. Bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động gắng sức mức độ nhẹ nếu không cảm thấy khó chịu, như tập thể dục cường độ nhẹ sau 2 - 4 tuần nếu sau phẫu thuật hoặc sau 7 - 10 ngày nếu thực hiện tắc mạch.
  • Phẫu thuật thường gây đau nhẹ nhưng có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần. Bệnh nhân thường được bác sĩ kê đơn giảm đau trong vài ngày tùy vào mức độ đau của từng bệnh nhân.
  • Người bệnh nên mặc quần lót tam giác hoặc quần lót dây có thể giúp giảm áp lực cho tinh hoàn.
  • Người bệnh sẽ mất vài tháng sau phẫu thuật để có thể thấy sự cải thiện của chất lượng tinh trùng qua tinh dịch đồ. Điều này là do mất khoảng 3 - 4 tháng để hình thành tinh trùng mới.

Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh nhằm giúp người bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm, làm giảm khả năng xảy ra các nguy cơ bệnh diễn biến nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan