Bệnh viêm tuyến giáp bán cấp có khỏi được không

Viêm tuyến giáp bán cấp là bệnh lý hiếm gặp với biểu hiện đau và khó chịu ở tuyến giáp. Tuy bệnh lý này không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng viêm giáp bán cấp lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Câu hỏi được đặt ra là liệu viêm tuyến giáp bán cấp có khỏi được không?

1. Viêm tuyến giáp là gì?

Trước khi tìm hiểu về khái niệm viêm tuyến giáp bán cấp, chúng ta cần hiểu trước về khái niệm viêm tuyến giáp. Viêm tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp xảy ra phản ứng viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, vị trí ở phía trước cổ với khả năng bài tiết nhiều loại hormone. Hormone do tuyến giáp bài tiết có vai trò điều hòa quá trình trao đổi chất của cơ thể, trong đó có quá trình chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Ngoài ra, hormon giáp còn đóng vai trò quan trọng trong phản ứng thể chất và cảm xúc của con người, chẳng hạn như cảm xúc sợ hãi, phấn khích hoặc vui vẻ.

Viêm tuyến giáp là bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến giáp, do đó sẽ gây ra một loạt các triệu chứng liên quan. Viêm tuyến giáp được phân thành nhiều thể khác như như viêm cấp, bán cấp hoặc mạn tính (hay viêm giáp Hashimoto) hà hậu quả thường dẫn đến tình trạng cường giáp hoặc suy giáp:

  • Cường giáp là rối loạn mà ở đó tuyến giáp hoạt động quá mức và sản xuất quá nhiều hormon giáp;
  • Ngược lại, suy giáp là tình trạng thiếu hụt hormon giáp do tuyến giáp hoạt động kém.

Cả 2 hệ quả trên do viêm tuyến giáp gây ra đều có thể khiến bệnh nhân thay đổi cân nặng, kèm theo đó là trạng thái lo lắng và mệt mỏi.

2. Viêm tuyến giáp bán cấp là gì?

Viêm tuyến giáp bán cấp là thể viêm giáp hiếm gặp với biểu hiện đau và khó chịu ở tuyến nội tiết này. Những trường hợp mắc bệnh viêm giáp bán cấp thường biểu hiện những triệu chứng cường giáp ở giai đoạn đầu, sau đó sẽ tiến triển sang suy giáp ở giai đoạn sau. Vậy viêm tuyến giáp bán cấp có khỏi được không? Theo các chuyên gia, mặc dù tình trạng viêm chỉ diễn ra tạm thời nhưng bệnh lý này có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh viêm tuyến giáp bán cấp thường là virus hoặc vi khuẩn. Trong đó thường gặp nhất là nhiễm trùng thứ phát sau một tình trạng nhiễm trùng hô hấp trên do cúm hoặc quai bị. Để đối phó với virus, tuyến giáp sẽ phản ứng bằng cách sưng phù lên và do đó chức năng bài tiết hormon có thể bị gián đoạn. Viêm tuyến giáp bán cấp là bệnh lý có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến hơn ở phụ nữ từ 40 đến 50 tuổi so với đàn ông cùng lứa tuổi.

3. Triệu chứng viêm tuyến giáp bán cấp là gì?

Bệnh nhân viêm tuyến giáp bán cấp thường biểu hiện triệu chứng ban đầu như đau họng, nhức mỏi toàn thân kèm theo sốt nhẹ (triệu chứng nhiễm virus). Sau đó, người bệnh sẽ đột ngột xuất hiện những cơn sốt cao và cảm giác đau nhức ở vùng cổ. Sau đó vị trí tuyến giáp có xu hướng sưng to lên, khi sờ vào có cảm giác một hoặc nhiều nhân nhỏ, mật độ rắn và đau. Cơn đau do viêm giáp bán cấp sẽ lan dần lên tai và cả lên cổ, kèm theo đó một số trường hợp bị khàn tiếng, khó thở và nuốt khó.

Ở giai đoạn đầu của viêm tuyến giáp bán cấp, hầu hết bệnh nhân thường phát triển các triệu chứng của cường giáp, bao gồm:

  • Tâm trạng dễ cáu gắt và lo âu;
  • Mệt mỏi;
  • Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ;
  • Khả năng chịu nóng của bệnh nhân kém;
  • Nguy cơ cao bị tiêu chảy;
  • Sụt cân đột ngột;
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều;
  • Tăng thân nhiệt, từ đó thường dẫn đến hiện tượng đổ mồ hôi quá nhiều.

Khi viêm tuyến giáp bán cấp không được điều trị sẽ tiến triển sang giai đoạn suy giáp để thay thế cho cường giáp với các triệu chứng như sau:

  • Tóc bệnh nhân khô xơ, dễ rụng;
  • Tương tự cường giáp thì giai đoạn suy giáp bệnh nhân vẫn mệt mỏi và cảm giác không còn năng lượng;
  • Khớp đau, cứng;
  • Trái ngược với cường giáp, suy giáp khiến khả năng chịu lạnh của bệnh nhân kém đi;
  • Táo bón;
  • Cân nặng khó kiểm soát hoặc tăng cân đột ngột;
  • Khả năng tập trung kém.

Về mặt thời gian, giai đoạn đầu (giai đoạn cường giáp) của viêm tuyến giáp bán cấp thường kéo dài dưới 03 tháng, trong khi giai đoạn suy giáp có thể kéo dài từ 9 đến 15 tháng.

4. Khi nào người bị viêm tuyến giáp bán cấp cần gặp bác sĩ?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát quá trình chuyển hóa của cơ thể, do đó khi bị viêm sẽ gây ảnh hưởng đến hầu hết sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân.

Người mắc bệnh viêm giáp bán cấp nên liên hệ với bác sĩ trong những trường hợp sau:

  • Đang mang thai hoặc cho con bú, hoặc phụ nữ đang mong muốn có con;
  • Khi bắt đầu điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone, hoặc có triệu chứng đau ngực hoặc tim đập nhanh;
  • Dị ứng với thuốc điều trị viêm tuyến giáp bán cấp;
  • Dù đã được điều trị một thời gian nhưng bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi hoặc sốt cao.

5. Viêm tuyến giáp bán cấp có khỏi được không?

Viêm tuyến giáp bán cấp có khỏi được không? Như đã đề cập ở trên, tình trạng viêm chỉ diễn ra tạm thời nên bệnh nhân có thể điều trị được nếu chưa diễn tiến đến giai đoạn suy giáp.

Nếu được chẩn đoán xác định viêm tuyến giáp bán cấp, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau và kiểm soát triệu chứng viêm, sưng phù. Trong một số trường hợp, đây là phương pháp điều trị duy nhất và cần thiết cho hầu hết bệnh nhân viêm giáp bán cấp.

Các loại thuốc điều trị viêm tuyến giáp bán cấp có thể bao gồm:

  • Corticosteroid: Được chỉ định trong trường hợp các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) không đủ hiệu quả giảm sưng viêm. Trong đó Prednisolon là thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị viêm tuyến giáp bán cấp với liều lượng từ 20-40mg/ngày trong thời gian 2-3 tuần và sau đó giảm liều dần trong 3-4 tuần;
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Các loại NSAID như Aspirin và Ibuprofen có tác dụng kháng viêm, do đó giúp bệnh nhân viêm tuyến giáp bán cấp giảm đau. Acetaminophen (hay Paracetamol) lại không hiệu quả vì nó không có tác dụng giảm viêm;
  • Thuốc chẹn beta: Bác sĩ có thể chỉ định thuốc chẹn beta giao cảm nếu bệnh nhân bước vào giai đoạn cường giáp. Nhóm thuốc này giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng về tim mạch, bao gồm nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim...

Điều trị viêm tuyến giáp bán cấp giai đoạn cường giáp rất quan trọng và cũng dễ mang lại hiệu quả do bệnh mới ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, căn bệnh này sẽ khó điều trị hiệu quả khi đã tiến triển sang giai đoạn suy giáp. Khi đó, bệnh nhân cần bổ sung hormon tuyến giáp bằng đường uống suốt đời.

6. Biện pháp dự phòng viêm tuyến giáp bán cấp là gì?

Bệnh nhân có thể áp dụng những phương pháp sau đây để phòng ngừa bệnh viêm giáp bán cấp:

  • Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh và hợp lý;
  • Xây dựng chế độ rèn luyện thể chất, tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức đề kháng. Bệnh nhân có thể bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng sau đó tăng dần cường độ tập luyện;
  • Xây dựng thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ;
  • Bổ sung những loại thực phẩm có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch và tăng cường sức khỏe tuyến giáp với mục đích quan trọng nhất là hạn chế sự tấn công của các chủng vi khuẩn, virus.

Hi vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn giải đáp câu hỏi viêm tuyến giáp bán cấp có khỏi được không? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ với bác sĩ Vinmec để được thăm khám và hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan