Một trong những triệu chứng sốt rét phổ biến là sốt cao lặp đi lặp lại nhiều lần kèm theo rét run, nhiệt độ cơ thể người bệnh ít nhất là 38,9 độ C. Đây là triệu chứng xuất hiện đầu tiên ở người bệnh, thường là khoảng từ 10-15 ngày sau khi muỗi đốt.
1. Bệnh sốt rét là gì?
Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và là vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng protozoa thuộc chi Plasmodium. Khi người lành bị muỗi anophen đốt, ký sinh trùng sẽ lây truyền vào trong mạch máu gây ra bệnh.
Bệnh lây truyền qua đường máu. Có 4 phương thức lây truyền bệnh bao gồm:
- Do muỗi truyền: Đây là phương thức chủ yếu.
- Do truyền máu khi có nhiễm ký sinh trùng gây bệnh sốt rét.
- Do mẹ truyền bệnh sang con khi nhau thai bị tổn thương (trường hợp này hiếm gặp).
- Do tiêm chích: Nguyên nhân là do dùng chung bơm kim tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét.
2. Bệnh sốt rét kéo dài bao lâu?
Thời kỳ ủ bệnh sốt rét trung bình từ 9 đến 30 ngày, thậm chí kéo dài đến một năm và thay đổi tùy theo từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét. Theo đó, cơn sốt điển hình trải qua 3 giai đoạn: Sốt cao, rét run, vã mồ hôi và chu kỳ của cơn sốt khác nhau tùy loại ký sinh trùng gây ra bệnh:
- Sốt do P.falciparum: Cơn sốt diễn ra hàng ngày. Tính chất cơn sốt là nặng, hay gây ra các cơn sốt rét ác tính và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Sốt do P.vivax: Cơn sốt thường diễn ra cách nhật. Tức là cách 1 ngày sốt 1 cơn.
- Sốt do P.malariae và P.ovale: Có thể sốt cách nhật hoặc sốt theo 3 ngày 1 cơn.
3. Biến chứng của bệnh sốt rét
Những người bị tái phát sốt rét nhiều lần rất dễ bị rối loạn chức năng gan, viêm gan, suy thận.... Vì vậy, người mắc bệnh sốt rét cần điều trị và dự phòng thật tốt để tránh tái nhiễm, tái phát gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng và hậu quả của sốt rét bao gồm:
- Rối loạn chức năng gan: Bệnh nhân gầy yếu, hay bị rối loạn tiêu hóa, cholesterol giảm. Dễ chảy máu cam, chảy máu chân răng....
- Viêm gan mạn: Gan to, bờ sắc, sờ chắc tay, khiến bệnh nhân mệt mỏi, ăn chậm tiêu dẫn đến rối loạn tiêu hóa... Soi ổ bụng hoặc sinh thiết gan thấy hình ảnh viêm gan mạn.
- Xơ gan tiến triển sau khi viêm gan cùng với lách xơ.
- Lách to: Là một triệu chứng đặc trưng của bệnh sốt rét. Bệnh nhân bị bệnh càng lâu và nhiều thì lách càng to. Khi lách to thì các hồng cầu nhiễm ký sinh trùng sốt rét và các hồng cầu chứa kháng nguyên.
- Cường lách: Những người bị sốt rét trong giai đoạn sơ nhiễm nếu phòng bệnh và điều trị tốt thì khi hết sốt, hết ký sinh trùng thì lách có thể co nhỏ lại.
- Viêm cầu thận: Do ký sinh trùng sốt rét P.falciparum gây tắc mạch.
- Tổn thương ở phổi và gặp phải tình trạng phù phổi cấp. Phù phổi cấp khiến bệnh nhân bị suy hô hấp.
- Trẻ em bị sốt rét gây ra hội chứng thận hư.
- Phù nề: Phù ở hai chân và mặt, da bụng dày, protein máu thấp... do nguyên nhân suy dinh dưỡng.
- Gây thiếu máu: Đây là triệu chứng thường gặp ở người bệnh bị mắc sốt rét. Nguyên nhân là do các ký sinh trùng sốt rét phá hủy các tế bào hồng cầu trong máu. Mức độ thiếu máu phụ thuộc vào số lượng hồng cầu bị ký sinh và thời gian kéo dài của bệnh.
- Một số biến chứng khác như: Thiếu axit folic trong máu, hạ đường máu, đau và viêm dây thần kinh...
4. Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt rét
Các dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết mình đang nhiễm phải bệnh:
4.1 Sốt cao, rét run
- Một trong những triệu chứng sốt rét phổ biến là sốt cao lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiệt độ cơ thể người bệnh ít nhất là 38,9 độ C. Đây là triệu chứng xuất hiện đầu tiên ở người bệnh, thường là khoảng từ 10-15 ngày sau khi muỗi đốt.
- Triệu chứng cơ bản khác của bệnh sốt rét là run rẩy dữ dội và đổ mồ hôi nhiều. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, cơn run rẩy có thể nặng tới mức gần như co giật.
4.2 Đau đầu và đau cơ
- Triệu chứng thứ phát của sốt rét là đau đầu kèm với đau nhức cơ. Mức độ của cơn đau đầu kéo dài từ trung bình đến nặng tùy mỗi người bệnh.
- Ban đầu, cơn đau đầu của bệnh sốt rét khá nhẹ, giống như đau đầu do căng thẳng. Nhưng khi ký sinh trùng đã bắt đầu lây nhiễm và phá hủy các tế bào hồng cầu, cơn đau sẽ dữ dội hơn, giống như chứng đau nửa đầu.
- Các cơn đau nhức đi kèm, chúng thường xuất hiện ở cơ chân và cơ lưng.
4.3 Nôn mửa và tiêu chảy
Triệu chứng thứ phát, không đặc hiệu khác của bệnh sốt rét là nôn mửa và tiêu chảy. Hai triệu chứng này thường kết hợp với nhau và diễn ra nhiều lần trong ngày.
Tiêu chảy do sốt rét không quá nghiêm trọng và cũng không ra máu. Triệu chứng này sẽ mất dần sau vài ngày.
4.4 Các dấu hiệu sốt rét khác
- Nhầm lẫn, co giật nhiều lần, hôn mê và suy nhược thần kinh
- Thiếu máu nặng, chảy máu bất thường, khó thở và suy hô hấp
- Vàng da
- Suy thận, suy gan, lách to
- Huyết áp rất thấp.
5. Cách phòng chống bệnh sốt rét
- Khi ngủ phải mắc màn, tốt nhất nên ngủ màn có tẩm hóa chất diệt muỗi; mặc quần áo dài khi phải làm việc vào ban đêm, bôi thuốc chống muỗi đốt lên những nơi da hở.
- Hun khói hoặc đốt hương xua muỗi vào buổi tối.
- Dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh ngăn nắp; triệt để các nơi muỗi trú đậu trong nhà; phát quang bụi rậm quanh nhà ở; lấp các vũng nước đọng, ao tù; khơi thông cống rãnh, di dời chuồng gia súc ra xa nhà.
- Phun thuốc diệt muỗi: đây là biện pháp tích cực, tốt nhất cho vùng sốt rét lưu hành.
- Những đối tượng có nguy cơ cao là những người sinh sống, làm việc, học tập hay ra vào vùng có dịch sốt rét đang lưu hành thì cần được uống thuốc dự phòng chống bệnh sốt rét theo hướng dẫn và quy định.
- Khi có nghi ngờ mắc bệnh sốt rét, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị, phòng tránh lây lan bệnh sang cho người lành.
XEM THÊM: