Bàng quang chứa được bao nhiêu nước tiểu?

Bài viết được tư vấn chuyên môn cùng ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ở một người trưởng thành khỏe mạnh, bàng quang có thể chứa tới 400 – 500ml nước tiểu cho một lần tiểu tiện thoải mái. Tần suất đi tiểu trong ngày sẽ phụ thuộc vào lượng nước dư thừa mà cơ thể đang cố gắng loại bỏ. Hơn nữa, vấn đề tiểu tiện không chỉ phụ thuộc vào thể tích bàng quang mà còn ở các lớp cơ, chi phối thần kinh cũng như thói quen, sinh hoạt của từng cá nhân.

1.Giải phẫu và sinh lý của bàng quang

Bàng quang của người bình thường có hình quả lê, nằm ở vùng hạ vị và ẩn phía sau xương mu. Cơ quan này sẽ trở nên có hình bầu dục khi nó chứa đầy nước tiểu. Thận có chức năng lọc máu để tạo thành nước tiểu, đi qua niệu quản đến bàng quang để lưu trữ trước khi loại bỏ ra ngoài khỏi niệu đạo.

Ở phía trên, bàng quang có hai ống niệu quản cắm vào ở hai bên, dẫn nước tiểu từ bể thận cùng bên tương ứng xuống dự trữ tại bàng quang. Ở phía dưới, bàng quang mở vào niệu đạo ở cổ bàng quang. Thành của bàng quang bao gồm 3 lớp:

  • Lớp bên ngoài là mô liên kết lỏng lẻo, chứa máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh
  • Lớp giữa là một khối các sợi cơ trơn và mô đàn hồi đan xen nhau thành một thành vững chãi
  • Lớp bên trong là biểu mô lót thành bàng quang
Giải phẫu bàng quang
Giải phẫu bàng quang

Khi trống rỗng, thành bên trong của bàng quang xẹp xuống thành các nếp gấp. Các nếp gấp này là nhằm tăng thể tích của bàng quang và sẽ biến mất khi bàng quang chứa đầy nước tiểu. Bàng quang có thể căng và phình ra với dung tích bình thường tối đa đạt tới 500-600ml. Tuy nhiên, trong một số bệnh lý, bàng quang có thể dãn lớn với thể tích tăng lên rất nhiều lần và nổi rõ dưới thành bụng quan sát ở hạ vị.

Dưới đáy bàng quang là cổ bàng quang, dẫn vào niệu đạo, qua đó nước tiểu được tống ra ngoài cơ thể. Sự đóng mở bàng quang còn được hỗ trợ bởi các dây chằng sụn chêm và các cơ vân của sàn chậu.

2.Bàng quang chứa được bao nhiêu nước tiểu?

Bàng quang của người có nhiệm vụ hoạt động như một bể chứa, mở rộng ra khi làm đầy và xẹp xuống khi trống rỗng.

Bàng quang bình thường ở người lớn khỏe mạnh có thể thoải mái chứa đựng đến 500ml nước tiểu. Tuy vậy, một người thường có cảm giác buồn tiểu và đi tiểu khi thể tích này vừa đạt 300 - 400 ml.

Tương ứng với điều này, thời gian làm đầy bàng quang là từ ba đến bốn giờ. Dù vậy, đặc điểm này còn phụ thuộc vào lượng nước uống vào, dung tích bàng quang của từng người cũng như các bệnh lý tại chỗ bàng quang như viêm nhiễm hay các bệnh lý hệ thống như suy tim, suy thận.

3.Cách điều chỉnh thói quen đi tiểu do bàng quang là gì?

Bàng quang thần kinh
Bạn thường xuyên buồn tiểu có thể đó là biểu hiện của bệnh bàng quang thần kinh

Ở một số người, mặc dù không có bệnh lý, bàng quang thường xuyên phát ra tín hiệu buồn tiểu và yêu cầu cần được giải quyết. Trong khi đó, thể tích bàng quang chứa được có thể đạt tới 500ml trước khi cần phải tống xuất nhưng thể tích nước tiểu thực sự cho mỗi lần tiểu tiện chỉ khoảng 100-200ml, hay thậm chí người bệnh đã có cảm giác buồn tiểu khi mới vừa đi xong, gọi là bệnh lý bàng quang thần kinh.

Lúc này, điều cần làm là phải điều chỉnh thói quen đi tiểu do bàng quang thông qua việc phục hồi kiểm soát bàng quang bằng cách ngăn chặn các cơn co thắt không mong muốn và cho phép nó chấp nhận chứa một lượng nước tiểu nhiều hơn. Điều này sẽ giúp bàng quang trở nên giảm hoạt động một cách quá mức. Kết quả đạt được là sẽ khôi phục cảm giác buồn tiểu bình thường cho bàng quang, do đó bệnh nhân đi vệ sinh ít thường xuyên hơn và mỗi lần đi thể tích lớn hơn, giảm ảnh hưởng đến sinh hoạt sống.

4.Làm thế nào để cải thiện thể tích bàng quang?

Đối với hầu hết mọi người, nguyên nhân của bàng quang hoạt động quá mức là không rõ mặc dù không làm giảm thể tích bàng quang thực thể. Tuy nhiên, có thể có một số nguyên nhân thần kinh trên não hoặc dây thần kinh cột sống khiến bàng quang dễ bị kích thích hơn như khi gặp căng thẳng, bàng quang thần kinh.

Chính vì vậy, thay vì để bàng quang kiểm soát chính mình, người bệnh cần học cách kiểm soát bàng quang. Theo đó, thay vì vội vã vào nhà vệ sinh ngay khi cảm giác có nhu cầu đi tiểu, điều quan trọng là cố gắng học cách nhịn lại mà đừng đi ngay lập tức. Cố gắng tăng thời gian chịu đựng này càng lâu càng tốt, bắt đầu với vài phút đầu tiên có thể khó khăn nhưng sau đó tăng dần điều này sẽ dễ dàng hơn do đã quen dần. Ví dụ, nếu cơ thể cần phải đi vệ sinh sau mỗi nửa giờ, người bệnh nên tập giữ thêm 10 phút trong một tuần, sau đó 15 phút trong một tuần và sau đó là 30 phút,... Cuối cùng, sức chứa bàng quang sẽ tăng lên và người bệnh sẽ có thể giữ được trong 3-4 giờ giữa các lần đi vệ sinh.

Kiểm soát bàng quang của chính mình, bạn có thể ngồi thẳng lưng trên ghế cứng để tránh né trước khi cần giải quyết khẩn cấp
Kiểm soát bàng quang của chính mình, bạn có thể ngồi thẳng lưng trên ghế cứng để tránh né trước khi cần giải quyết khẩn cấp

Để bắt đầu với sự tiến bộ có thể nhỏ nhưng cần có điều kiện là người bệnh phải kiên trì nhằm đạt được một sự cải thiện đáng kể. Theo đó, người bệnh sẽ cần tiếp tục điều trị ít nhất ba tháng hoặc lâu hơn để hoàn toàn lấy lại quyền kiểm soát bàng quang của chính mình.

Trong thời gian tập luyện này, trước mỗi lần có nhu cầu cần giải quyết khẩn cấp, người bệnh có thể tránh né bằng nhiều kỹ thuật khác nhau gợi ý như:

  • Ngồi thẳng lưng trên ghế cứng
  • Đánh lạc hướng bản thân bằng cách đếm ngược từ 100, chơi ô chữ hoặc đọc sách, xem truyền hình
  • Đứng bắt chéo chân hoặc kiễng chân
  • Tập co thắt cơ sàn chậu, giúp ngăn chặn tình trạng khẩn cấp và tiểu không tự chủ

Ngoài ra, nhu cầu đi tiểu còn tùy thuộc vào số lượng dịch lỏng uống vào và loại dịch. Có một số loại đồ uống có thể gây kích thích bàng quang người bệnh cần tránh hoặc uống có chừng mực như đồ uống có chứa caffein như trà, cà phê, đồ uống có ga, có đường nhân tạo như dành cho người ăn kiêng, sô cô la nóng, rượu bia, bạc hà, nước ép nho đen hay trái cây họ cam quýt. Ngược lại, các loại đồ uống không gây kích thích bàng quang là nước, đồ uống không có caffein, sữa hay nước hoa quả pha loãng.

Tóm lại, thể tích bàng quang của người có thể chứa đến 500ml cho mỗi lần đi tiểu. Tuy nhiên, thói quen đi tiểu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ đơn thuần là thể tích bàng quang. Theo đó, mỗi người đều cần phải có cách kiểm soát bàng quang, hình thành nhịp sinh học hợp lý trong ngày để hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm việc

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý.

Kết quả khám của người bệnh sẽ được trả về tận nhà. Sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe tổng quát, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác ngay tại Bệnh viện với chất lượng điều trị và dịch vụ khách hàng vượt trội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

44.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan