Ảnh hưởng của mất nước với cơ thể

Nước được coi là nguồn cung cấp sự sống cho cơ thể. Nếu thiếu đi nước, các cơ quan thiết yếu trong cơ thể sẽ không thể hoạt động như bình thường. Tình trạng mất nước có thể biểu hiện ở mức độ nhẹ cho tới nặng. Nếu không được xử lý kịp thời, mất nước nghiêm trọng có thể dẫn đến những hệ lụy xấu cho sức khỏe, chẳng hạn như sốc nhiệt, tụt huyết áp, thậm chí là tử vong.

1. Mất nước là gì?

Thông thường, nước sẽ chiếm khoảng 75 – 80% trong cơ thể. Nhu cầu về nước của mỗi cá nhân là không giống nhau. Nhìn chung, một người trưởng thành cần bổ sung vào cơ thể trung bình 2 lít nước mỗi ngày.

Thông qua các hoạt động hàng ngày, bao gồm vận động, mồ hôi, nước bọt, nước mắt, tiểu tiện đã làm mất đi một lượng nước nhất định trong cơ thể. Do đó, bạn cần phải bù lại lượng nước đã mất đi này thông qua con đường ăn uống.

Mất nước là một tình trạng xảy ra khi cơ thể chúng ta không có đủ lượng nước cần thiết. Nếu cơ thể không nhận đủ lượng nước, nó sẽ khó có thể hoạt động như bình thường. Mất nước thường biểu hiện theo nhiều cấp độ khác nhau, bao gồm mức nhẹ, trung bình và nặng. Điều này còn phụ thuộc nhiều vào lượng chất lỏng mà cơ thể bị thiếu hụt.

Mất nước có thể dẫn đến hội chứng lú lẫn
Khi có dấu hiệu mất nước, bạn cần bổ sung nước ngay lập tức

2. Nguyên nhân gây mất nước

Cơ thể bạn bị mất nước hàng ngày có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như đổ nhiều mồ hôi, đi tiểu tiện, đại tiện, qua nước bọt (khạc nhổ) hoặc nước mắt. Thông thường, lượng chất lỏng bị mất đi sẽ được thay thế và bổ sung bằng các chất lỏng từ nước hoặc đồ ăn chứa nước khác. Nếu cơ thể bạn bị mất quá nhiều nước, hoặc bạn không bổ sung nước đầy đủ thì tình trạng mất nước sẽ xảy ra.

Một số nguyên nhân khác cũng có thể khiến bạn bị mất nước, bao gồm:

  • Bệnh tiêu chảy hoặc nôn mửa: Có thể dẫn đến mất nước nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Đây cũng là những yếu tố hàng đầu dẫn đến tình trạng tử vong do mất nước, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi.
  • Một cơn sốt: Khi bạn càng sốt cao thì cơ thể càng mất nước nhanh chóng
  • Đổ nhiều mồ hôi: Việc thực hiện một số hoạt động thể chất, nhất là những hoạt động ngoài trời, kèm theo điều kiện môi trường nóng bức (chẳng hạn như ngày hè) có thể khiến cho cơ thể bạn mất đi một lượng nước đáng kể.
  • Đi tiểu nhiều: Tình trạng này có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý như đái tháo đường, hoặc việc sử dụng thuốc nước (chẳng hạn như thuốc lợi tiểu). Điều này khiến bạn tăng tần suất đi tiểu và có thể dẫn đến mất nước.

Một số nguyên nhân quen thuộc khác cũng có thể dẫn đến mất nước, bao gồm:

  • Bạn quá bận rộn và quên uống đủ nước
  • Bạn không nhận ra mình đang khát nước
  • Bạn không muốn uống nước do đang bị lở miệng, đau họng hoặc mắc bệnh dạ dày.
Đau họng viêm họng khàn giọng thanh quản khó thở hóc
Đau họng có thể khiến bạn không muốn uống nước và gây mất nước

3. Các triệu chứng thường gặp của mất nước

Khi cơ thể bạn bị mất nước ở mức độ nhẹ cho tới trung bình sẽ biểu hiện ra một số dấu hiệu phổ biến sau:

  • Khát nước
  • Tần suất đi tiểu giảm
  • Miệng và lưỡi khô
  • Nước tiểu có màu vàng đậm
  • Da khô
  • Chuột rút cơ bắp
  • Đau đầu

Khi bị mất nước ở mức độ nghiêm trọng, bạn sẽ có những biểu hiện sau đây:

  • Không đi tiểu, hoặc nước tiểu có màu vàng sẫm
  • Cảm thấy chóng mặt
  • Da rất khô
  • Thở nhanh
  • Tim đập loạn nhịp
  • Mắt trũng
  • Ngất xỉu
  • Thiếu năng lượng, thường xuyên cảm thấy buồn ngủ
  • Lú lẫn
  • Cáu kỉnh

Nhìn chung, các triệu chứng mất nước ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có các biểu hiện khác so với người lớn, bao gồm:

  • Lưỡi và miệng bị khô
  • Khóc không ra nước mắt
  • Tã khô sau mỗi 3 giờ
  • Mắt và má trũng lại
  • Trẻ cáu kỉnh, hay buồn ngủ và thiếu năng lượng

Có thể thấy, mất nước nghiêm trọng là một tình trạng y tế khẩn cấp và cần được điều trị ngay lập tức để tránh những nguy cơ rủi ro đáng tiếc đối với sức khỏe của bạn.

Mất nước
Da khô là một biểu hiện của mất nước

4. Những đối tượng có nguy cơ cao bị mất nước

Trên thực tế, bất kỳ đối tượng nào cũng có nguy cơ bị mất nước, tuy nhiên những nhóm người sau đây sẽ có nguy cơ mất nước cao hơn so với những người khác. Cụ thể là:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Đây đều là những đối tượng có nguy cơ dễ bị nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng nhất. Nguyên nhân mất nước ở trẻ thường do sốt cao gây ra. Mặt khác, trẻ còn quá nhỏ để có thể nhận ra rằng chúng đang khát hoặc tự lấy đồ uống.
  • Người lớn tuổi: Đây cũng là một trong những đối tượng dễ bị mất nước vì họ thường không nhận ra mình đang khát. Hơn nữa, người lớn tuổi thường gặp một số khó khăn nhất định trong việc đi lại nên họ có thể không uống nước được một cách dễ dàng, hoặc không thể bổ sung đầy đủ nước do các tình trạng bệnh lý.
  • Những người mắc bệnh mãn tính: Đặc biệt là bệnh tiểu đường loại 2 có thể khiến bệnh nhân phải đi tiểu thường xuyên nếu bệnh không được kiểm soát hiệu quả. Ngoài ra, những người mắc bệnh mãn tính có thể phải sử dụng thuốc lợi tiểu để đi ngoài thường xuyên hơn, điều này cũng góp phần khiến cơ thể họ bị mất đi một lượng nước đáng kể.
  • Những người bị đau họng hoặc cảm lạnh: Tình trạng sức khỏe này có thể khiến cho họ không muốn ăn uống như bình thường.
  • Những người thường xuyên hoạt động ngoài trời: Khi vận động dưới điều kiện thời tiết oi nóng đôi khi làm cho cơ thể không hạ nhiệt hiệu quả vì mô hồi không thể bay hơi hết hoàn toàn. Điều này có thể làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn và cần được bù đắp nhiều nước hơn.
Trẻ bị tiêu chảy cần được bổ sung đủ nước tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe
Trẻ sơ sinh bị tiaau chảy rất dễ bị mất nước

5. Mất nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể như thế nào?

Khi mất nước không được xử lý kịp thời, nó có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với cơ thể, bao gồm:

  • Các bệnh lý liên quan đến thận: Nếu cơ thể bị mất nước trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, gây nhiễm trùng đường tiểu, thậm chí là suy thận.
  • Sốc giảm thể tích: Đây là một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, nặng nề nhất mà tình trạng mất nước gây ra cho cơ thể. Nó có thể đe dọa tới tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Tình trạng mất nước có thể làm giảm thể tích dịch lưu thông trong lòng mạch, từ đó khiến mức huyết áp cũng giảm xuống. Khi đó, lượng oxy và các chất dinh dưỡng không được cung cấp đầy đủ đến các cơ quan thiết yếu của cơ thể để duy trì hoạt động như bình thường.
  • Tổn thương do nhiệt: Có thể gây chuột rút (mức độ nhẹ), thậm chí gây sốc nhiệt vô cùng nguy hiểm đến tính mạng.
  • Động kinh: Tình trạng mất nước có thể làm rối loạn sự cân bằng điện giải của cơ thể, chẳng hạn như kali và natri. Nó cũng khiến cho quá trình truyền tín hiệu giữa các tế bào trong cơ thể bị rối loạn, dẫn đến các cơn co cơ không tự chủ hoặc bị mất ý thức.

6. Bạn nên làm gì để phòng ngừa mất nước?

Để phòng ngừa nguy cơ mất nước nghiêm trọng cũng như những ảnh hưởng của tình trạng này đối với cơ thể, bạn có thể thực hiện theo một số biện pháp sau đây:

  • Uống đủ nước, bổ sung thêm các loại thực phẩm chứa nhiều nước, đặc biệt là vào những ngày hè oi nóng dễ bị mất nước. Ngoài ra, bạn cũng không nên đợi đến khi nào cảm thấy khát mới uống. Tốt nhất, bạn nên uống nước một cách đều đặn theo từng ngụm nhỏ nếu không uống được nhiều nước cùng một lúc. Trong điều kiện thời tiết hơi se lạnh, nước ấm sẽ là một lựa chọn phù hợp dành cho bạn.
  • Trong trường hợp bạn bị nôn mửa hoặc tiêu chảy, hãy uống nước nhiều hơn bình thường để bù đắp cho lượng nước bị mất đi.
  • Khi trời trở lạnh, bạn cũng nên chú ý bổ sung nước đều đặn vì không khí khô có thể làm cơ thể bạn bị mất nước thông qua hơi ẩm.
  • Nếu đặc thù công việc của bạn phải thường xuyên ở ngoài trời, hoặc phải làm các việc nặng nhọc, mất nhiều sức và mồ hôi, bạn nên cố gắng uống nước trước và trong khi làm việc. Cơ thể sẽ đủ nước khi bạn nhận thấy nước tiểu có màu vàng trong và loãng.
  • Những người cao tuổi mắc các bệnh lý dù không nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phế quản, cảm cúm, hoặc nhiễm trùng bàng quang cũng nên bổ sung nước nhiều hơn bình thường mặc dù các triệu chứng của mất nước vẫn chưa biểu hiện cụ thể.
Mẹ nên uống nhiều nước để tăng tiết sữa
Bạn cần bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan