Suy giãn tĩnh mạch nên kiêng ăn gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ cao cấp, Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Suy giãn tĩnh mạch nên kiêng ăn gì, nên ăn gì,... là những câu hỏi mà nhiều bệnh nhân và gia đình có người mắc bệnh quan tâm. Vì bệnh thường không thể điều trị triệt để, có nguy cơ tái phát cao nên người bệnh cần kiên trì chữa trị, kết hợp các biện pháp y khoa và lưu ý tới chế độ dinh dưỡng để cải thiện đáng kể triệu chứng của bệnh.

1. Suy giãn tĩnh mạch nên kiêng ăn gì?

Tĩnh mạch có các van 1 chiều bên trong, có chức năng đóng - mở để giữ cho máu lưu thông về tim. Tuy nhiên, nếu các van hoặc thành trong tĩnh mạch bị suy yếu, bị tổn thương thì có thể khiến máu bị ứ đọng lại, thậm chí chảy ngược dòng, lâu ngày có thể dẫn tới tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân.

Vậy suy giãn tĩnh mạch kiêng ăn gì? Người bệnh nên tránh sử dụng một số loại thực phẩm dưới đây để bệnh không bị trầm trọng thêm:

  • Thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột: Chúng sẽ làm giảm hoạt động của các chất chống oxy hóa, khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn;
  • Thực phẩm chứa nhiều muối và nhiều dầu mỡ: Chúng gây cản trở lưu thông máu (do nguyên nhân gây xơ mỡ động mạch);
  • Rượu, bia: Các loại đồ uống này dễ gây rối loạn tuần hoàn máu, khiến tình trạng bệnh suy giãn tĩnh mạch tiến triển nhanh hơn.

2. Suy giãn tĩnh mạch nên ăn gì?

Bên cạnh câu hỏi suy giãn tĩnh mạch nên kiêng ăn gì, người bệnh và gia đình cũng rất quan tâm tới những thực phẩm tốt giúp cải thiện tình trạng bệnh này. Vậy chế độ ăn suy giãn tĩnh mạch nên bao gồm những thực phẩm lành mạnh nào?

2.1 Thực phẩm nhiều chất xơ

Chất xơ có lợi cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch vì nó giúp ngăn ngừa táo bón. Bởi nếu bị táo bón thì cơ bụng và cơ chân sẽ phải hoạt động mạnh, tạo áp lực lên các tĩnh mạch ở vùng thấp, khiến chúng dễ bị suy giãn. Trong khi đó, nếu tăng cường sử dụng thực phẩm giàu chất xơ (đảm bảo nhu cầu chất xơ 25 - 30g/ngày) thì người bệnh sẽ tiêu hóa tốt, hết táo bón, làm giảm triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Những thực phẩm giàu chất xơ gồm:

  • Rau, củ, quả và ngũ cốc: Măng tây, hạt chia, hạt lanh, các loại đậu, yến mạch, quả hạch, gạo lứt, lúa mì,...;
  • Trái cây: Lê, bơ, đu đủ, chuối,...
Chế độ ăn suy giãn tĩnh mạch với các loại thực phẩm nhiều chất xơ
Chế độ ăn suy giãn tĩnh mạch với các loại thực phẩm nhiều chất xơ

2.2 Thực phẩm chứa flavonoid

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến nghị người bị suy giãn tĩnh mạch nên sử dụng các thực phẩm có chứa hợp chất flavonoid vì chúng có tác dụng làm bền thành mạch, giảm áp lực động mạch, bảo vệ chức năng gan, giải độc, hỗ trợ lưu thông máu,...

Hợp chất flavonoid có trong các loại thực phẩm như: Tỏi, trà xanh, trái cây (họ cam quýt, táo, nho, việt quất,...), rau (bông cải xanh, rau bina, ớt chuông, hành tây,...), cacao, cây kiều mạch, cây dẻ ngựa,...

2.3 Thực phẩm giàu vitamin C, E và kali

Đây cũng là những loại thực phẩm rất tốt cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch. Vitamin C có tác dụng hỗ trợ sản sinh collagen và elastin - 2 hoạt chất có vai trò quan trọng đối với sự bền vững và đàn hồi của thành mạch. Vitamin E hoạt động như 1 chất làm loãng máu tự nhiên, giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông bên trong tĩnh mạch, rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Còn kali giảm giữ nước trong cơ thể, giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch.

Những thực phẩm bạn nên tích cực sử dụng là:

  • Thực phẩm giàu vitamin C: Ổi, ớt chuông, đu đủ, rau cải, cam, quýt, bưởi, dâu tây,...;
  • Thực phẩm giàu vitamin E: Hạnh nhân, rau bina, hạt dẻ, đu đủ củ cải, quả bơ, dầu thực vật,...;
  • Thực phẩm giàu kali: Đậu lăng, khoai tây, hạnh nhân, cá ngừ, cá hồi, các loại rau,...

2.4 Lưu ý khác trong chế độ ăn suy giãn tĩnh mạch

  • Bổ sung thêm thực phẩm giàu rutin như hoa hòe, trà xanh hoặc các loại rau xanh,... để chống lại tình trạng xơ vữa, giòn và giãn tĩnh mạch;
  • Uống nhiều nước (từ 2 lít/ngày trở lên), bao gồm cả nước uống và thức ăn/đồ uống có nước.
chế độ ăn suy giãn tĩnh mạch
Trong chế độ ăn suy giãn tĩnh mạch nên bổ sung đủ 2 lít nước trở lên trong ngày

3. Lưu ý quan trọng cho người bị suy giãn tĩnh mạch

Bên cạnh việc tìm đáp án cho câu hỏi suy giãn tĩnh mạch nên kiêng ăn gì, người bệnh cũng cần chú ý điều chỉnh thói quen sinh hoạt để hỗ trợ quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất, phòng ngừa nguy cơ bệnh tái phát. Một số lưu ý bạn cần nhớ trong thói quen sinh hoạt gồm:

  • Đạp xe, đi bộ chậm và đều đặn mỗi ngày;
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh tình trạng cơ thể bị thừa cân, béo phì;
  • Không nên đứng quá lâu ở 1 chỗ mà cần thỉnh thoảng đi lại để máu lưu thông;
  • Có thể tập luyện một số bài tập giãn cơ đơn giản;
  • Không ngâm chân trong nước ấm;
  • Ngồi đúng tư thế, tránh ngồi vắt chéo chân;
  • Không nên đứng , ngồi lâu quá 1 giờ, cần có thời gian 5 -10 phút đi lại nghỉ thư giãn
  • Hạn chế ( không nên thường xuyên) đi giày cao gót hoặc mặc quần áo bó chật;
  • Nên gác chân cao khi đi ngủ;
  • Không lạm dụng thuốc tránh thai;
  • Mang tất y khoa để hỗ trợ các hoạt động hằng ngày( trước khi có chỉ định mang tất áp lục phải các bác sỹ tư vấn chọn cơ tất cho hợp với bản thân).
  • Cần khám chuyên khoa tim mạch định kỳ ít nhất 3 tháng 1 lần để theo dõi và tư vấn can thiệp

Bài viết đã giúp bạn đọc giải đáp cho câu hỏi suy giãn tĩnh mạch nên kiêng ăn gì và nên ăn gì cùng những lưu ý quan trọng trong thói quen sinh hoạt để hỗ trợ điều trị hiệu quả tình trạng này. Ngoài ra, người bệnh cần chú ý tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để cải thiện triệu chứng bệnh, hạn chế những ảnh hưởng của suy giãn tĩnh mạch đến cuộc sống hằng ngày.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan