Kiệt sức khi làm cha mẹ: Cách đối phó

Nuôi dạy con cái là một trải nghiệm vừa bổ ích vừa đầy thử thách. Cảm giác mệt mỏi và kiệt sức khi làm cha mẹ rất dễ xảy ra, đặc biệt là trong những năm đầu. Nhận biết các triệu chứng kiệt sức khi làm cha mẹ có thể giúp bạn ngăn chặn tình trạng này trước khi nó trở nên tồi tệ hơn.

1. Kiệt sức khi làm cha mẹ là gì?

Kiệt sức là một dạng kiệt quệ do căng thẳng về tình cảm, thể chất và tinh thần. Nó có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Ví dụ công việc hoặc do việc nuôi dạy con cái. Kiệt sức xảy ra khi bạn quá tải và không thể bắt kịp với nhu cầu của cuộc sống. Kiệt sức khi làm cha mẹ là sự kiệt quệ về thể chất, tinh thần và cảm xúc vì cảm thấy căng thẳng kinh niên trong quá trình nuôi dạy con cái. Nó có thể biểu hiện bằng cảm xúc khó chịu hoặc cáu kỉnh, dễ tức giận.

Một số người bị kiệt sức sau sinh có thể hay quên và/hoặc tăng cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm, thậm chí nhiều người còn đặt câu hỏi về mong muốn và khả năng làm cha mẹ của họ. Cảm giác hụt ​​hẫng, bối rối và bị cô lập là những dấu hiệu phổ biến. Sự kiệt sức của cha mẹ dẫn đến kiệt sức, xa cách về mặt tình cảm với con cái và cảm giác trở thành một người cha mẹ kém cỏi hoặc kém hiệu quả. Những tác động này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của bạn.

2. Những dấu hiệu nào cho thấy bạn đang kiệt sức khi làm cha mẹ?

Kiệt sức khi làm cha mẹ ảnh hưởng đến mọi người theo các cách khác nhau. Một số người gặp phải các triệu chứng về thể chất trong khi những người khác phải vật lộn về mặt tinh thần. Các triệu chứng phổ biến nhất của kiệt sức sau sinh con bao gồm:

  • Bạn cảm thấy kiệt sức hoặc luôn trong trạng thái mệt mỏi
  • Cảm giác bất lực, tuyệt vọng hoặc thiếu tự tin
  • Nhức đầu, đau mỏi cổ và đau cơ
  • Cảm thấy mất động lực và niềm tin trong cuộc sống
  • Không còn cảm giác thèm ăn và thường xuyên mất ngủ
  • Cảm thấy tách rời hoặc cô đơn trong thế giới
  • Thường xuyên cáu gắt và dễ nổi giận
  • Các bậc cha mẹ có thể lạm dụng chất kích thích hoặc rượu để vượt qua cảm giác căng thẳng, lo lắng.
kiệt sức khi làm cha mẹ
Bạn cảm thấy luôn trong trạng thái mệt mỏi là dấu hiệu kiệt sức khi làm cha mẹ

3. Kiệt sức khi làm cha mẹ ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe tinh thần của bạn?

Mọi người thường nghĩ kiệt sức hay cảm thấy mệt mỏi khi sinh con là một phần bình thường của việc nuôi dạy con cái. Do đó, các bậc cha mẹ sẽ không thổ lộ hay tìm sự giúp đỡ vì cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi. Che giấu cảm xúc và không làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của bạn:

  • Sương mù não (một dạng rối loạn chức năng nhận thức, có liên quan đến các vấn đề về trí nhớ, sự tập trung và sự minh mẫn)
  • Khả năng chịu đựng có giới hạn, trở nên nóng nảy hơn
  • Thường cảm thấy hoang mang
  • Hay quên
  • Tăng mức độ căng thẳng
  • Phiền muộn
  • Cảm giác bị cô lập
  • Ngủ không ngon
  • Xuất hiện các khuynh hướng ám ảnh cưỡng chế
  • Những ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần còn có thể gây hại cho sức khỏe tổng thể. Khi tình trạng kiệt sức tiến triển, bạn có thể bị mất cân bằng nội tiết tố, dẫn đến giảm ham muốn tình dục. Nếu bạn thường xuyên mất ngủ, nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như bệnh tim mạchtiểu đường sẽ tăng lên. Mức độ căng thẳng cao hơn cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
  • Sự kiệt sức của cha mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với bạn đời. Những tác động về mặt tinh thần của nó có thể dẫn đến sự đổ vỡ trong giao tiếp và gia tăng căng thẳng. Những điều này có thể dẫn đến thông tin sai lệch, tranh luận và oán giận.
  • Sự kiệt sức của cha mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với con cái. Bạn có thể cảm thấy không được kết nối với con. Khoảng cách tình cảm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con bạn, điều này có thể dẫn đến các vấn đề sau này trong cuộc sống.

4. Tại sao tình trạng kiệt sức ngày càng phổ biến và ai có nguy cơ gặp phải tình trạng này?

Cảm giác mệt mỏi khi sinh con không phải là một vấn đề mới. Nhiều người đã gặp phải tình trạng này trong nhiều năm, đặc biệt là trong thế kỷ trước, khi phụ nữ gia nhập lực lượng lao động một cách ồ ạt. Hơn nữa, các bậc cha mẹ ngày nay đang phải trải qua mức độ căng thẳng và lo lắng ngày càng cao vì đại dịch COVID-19. Các báo cáo về tình trạng kiệt sức của cha mẹ đã tăng lên theo cấp số nhân trong 18 tháng qua do COVID-19. Tình trạng kiệt sức đã xuất hiện trước đại dịch, tuy nhiên đại dịch đã làm cho tình trạng kiệt sức của cha mẹ trở nên tồi tệ hơn đáng kể. Nhiều lý do có thể kể đến như cha mẹ mất việc làm, nhà cửa, thu nhập dẫn đến tăng thêm cảm giác căng thẳng và lo lắng. Theo nhà tâm lý học Martha Horta-Granados, những người có kỹ năng đối phó kém, khả năng chịu đựng sự thất vọng thấp hoặc kỹ năng phục hồi kém sẽ dễ bị kiệt sức hơn.

kiệt sức khi làm cha mẹ
Những người có kỹ năng đối phó kém, khả năng chịu đựng sự thất vọng thấp sẽ dễ bị kiệt sức khi làm cha mẹ hơn

5. Làm gì để đối phó với tình trạng kiệt sức khi làm cha mẹ?

Nhiều người sẽ trải qua tình trạng kiệt sức, mệt mỏi sau khi sinh con. Đó là một phản ứng phổ biến đối với căng thẳng bên ngoài. Nhưng tin tốt là sự kiệt sức khi làm cha mẹ chỉ là tình trạng tạm thời. Có những giải pháp bạn có thể áp dụng để đối phó với vấn đề này:

5.1 Nói chuyện với những người thân yêu

Một trong những điều đầu tiên bạn có thể và nên làm nếu cảm thấy kiệt sức là nói chuyện với vợ/chồng, cha mẹ, đồng nghiệp, người thân yêu của mình. Giải thích cho họ về những gì bạn đang đối phó và cảm giác của bạn. Hãy trung thực. Đừng ngại thừa nhận rằng bạn đang gặp khó khăn hoặc làm việc quá sức và quá tải. Nói với họ những gì bạn cần và hãy vạch ra các giải pháp cụ thể nếu có thể.

5.2. Ngủ đủ giấc để “đối phó” với tình trạng kiệt sức khi làm cha mẹ

Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của bạn. Nhưng ngủ đủ giấc có thể khó khăn trong giai đoạn này, đặc biệt nếu bạn có trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ ở nhà. Tuy nhiên, bạn hãy cố gắng tìm giải pháp để ưu tiên cho giấc ngủ. Những giấc ngủ ngắn 20 phút cũng có thể giúp phục hồi sức khỏe và giảm căng thẳng. Chúng cũng có thể cải thiện sự tập trung của bạn và giúp bạn điều chỉnh cảm xúc của mình tốt hơn.

kiệt sức khi làm cha mẹ
Ngủ đủ giấc để “đối phó” với tình trạng kiệt sức khi làm cha mẹ

5.3. Tập thể dục để tăng cường năng lượng

Hoạt động thể chất có thể tăng cường năng lượng của bạn và nâng cao các hormone trong cơ thể bạn. Nó cũng có thể giúp giảm căng thẳng và trầm cảm. Tập thể dục không có nghĩa là bạn phải đến phòng tập thể dục mỗi ngày. Đi bộ mười phút xung quanh khu nhà có thể giúp bạn giải tỏa đầu óc và mang lại cho bạn sức mạnh cần thiết để thiết lập lại.

5.4. Nghỉ ngơi khi bạn có thể

Đừng cảm thấy tội lỗi khi dành vài phút cho bản thân. Điều đó không khiến bạn trở thành bậc cha mẹ tồi vì thỉnh thoảng tập trung vào nhu cầu của bản thân. Hãy dành 2 phút mỗi sáng để hít thở và nghĩ về bản thân. Bạn cũng có thể thiền hoặc viết nhật ký nếu có thời gian. Tắm vào cuối ngày có thể giúp bạn thư giãn cả về thể chất và tinh thần. Thực hành một bài tập yoga ngắn cũng có thể hữu ích. Trên thực tế, tự chăm sóc bản thân có thể giúp bạn trở thành cha mẹ tốt hơn.

5.5. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Khi bạn kiệt sức đến mức gần như không thể hoạt động, bạn có thể tìm đến một giải pháp khắc phục nhanh chóng như cà phê, bánh rán hoặc một số đồ ăn nhẹ có đường khác. Mặc dù những thực phẩm này có thể cung cấp một nguồn năng lượng tạm thời, nhưng chúng cũng thường gây ra nhiều tác hại sau này. Thay vào đó, hãy cung cấp năng lượng cho cơ thể bằng các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Bổ sung cân bằng protein, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau trong bữa ăn của bạn. Đối với bữa ăn nhẹ, hãy tiếp cận với protein và carbohydrate giàu chất xơ.

5.6. Xây dựng mạng lưới hỗ trợ

Có một đối tác hoặc bạn đời luôn ủng hộ mình là điều tuyệt vời, nhưng nhiều người có thể cần được giúp đỡ nhiều hơn. Các nhóm nuôi dạy con cái là một cách tuyệt vời để gặp gỡ những người cùng chí hướng. Họ cũng có thể giúp bạn cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu.

kiệt sức khi làm cha mẹ
Có một đối tác hoặc bạn đời luôn ủng hộ mình là điều tuyệt vời để "đối phó" với kiệt sức khi làm cha mẹ

5.7. Hãy kiên nhẫn với chính mình

Nuôi dạy con cái là cả một thử thách khó khăn nhưng vô cùng giá trị. Cảm giác thất vọng và kiệt sức có thể xảy ra trong giai đoạn này. Điều đó hoàn toàn bình thường. Hầu hết các cá nhân sẽ bị kiệt sức sau sinh con. Nhưng bạn đối xử với bản thân như thế nào mới là điều quan trọng. Hãy cho phép bản thân cảm nhận cảm xúc của bạn. Bạn không cần phải đối mặt với mọi áp lực và gánh nặng một mình. Hãy nhớ rằng bạn không thể làm tất cả và hãy kiên nhẫn, tử tế với chính mình.

5.8. Tìm kiếm sự giúp đỡ

Việc nuôi dạy con cái không hề dễ dàng. Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi, sức khỏe tinh thần và sức khỏe tổng thể đang giảm sút, đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp. Tìm người trông trẻ có thể là một lựa chọn tốt, đặc biệt nếu bạn cần nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, đừng ngần ngại đến gặp các chuyên gia y tế để được cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể cung cấp cho bạn các giải pháp để kiểm soát triệu chứng của bạn và cách vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Các dấu hiệu của sự kiệt sức khi sinh con bao gồm mệt mỏi về thể chất, kiệt quệ về mặt tinh thần, thiếu động lực, cảm giác tuyệt vọng cũng như tách rời khỏi những người khác và các hoạt động giải trí hằng ngày. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe tổng thể của bạn. Những giải pháp trên đây có thể giúp bạn đối phó với cảm giác kiệt sức, mệt mỏi khi làm cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan