Điều gì xảy ra với cơ thể bạn khi bạn thư giãn?

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao cần thư giãn và các chuyên gia tư vấn về sức khỏe luôn khuyến cáo chúng ta nên sống cân bằng giữa công việc, học tập và thư giãn? Hãy cùng tìm câu trả lời qua bài viết này nhé.

1. Thư giãn là gì?

Thư giãn là một tên gọi cho những gì xảy ra khi hệ thống thần kinh phó giao cảm phụ trách các chức năng cơ thể, điều chỉnh công việc của cơ quan và tuyến trong khi bạn nghỉ ngơi. Phản ứng thư giãn bắt đầu khi bạn cảm thấy an toàn. Nó thực sự có thể ngăn chặn các tác động từ phản ứng của cơ thể bạn với căng thẳng, tạo ra những thay đổi rất tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất.

2. Điều gì xảy ra khi cơ thể thư giãn

Khi bạn thư giãn, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách:

  • Nhịp tim chậm lại: Căng thẳng kích hoạt hoạt động trong hệ thống thần kinh giao cảm của bạn, phụ trách các chức năng của cơ thể trong những tình huống nguy hiểm. Phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy" này sẽ tiết ra hormone gọi là catecholamine để tăng tốc độ tim của bạn. Tuy nhiên, thư giãn sẽ giúp cơ thể bạn biết rằng tiết kiệm năng lượng là điều hoàn toàn phù hợp. Hệ thống phó giao cảm của bạn tiếp quản và giải phóng một loại hormone gọi là acetylcholine. Điều đó làm chậm nhịp tim của bạn.
  • Huyết áp của bạn giảm: Hormone căng thẳng có thể làm tăng tốc độ nhịp tim và thắt chặt các mạch máu của bạn. Điều đó tạm thời sẽ làm tăng huyết áp của bạn. Điều ngược lại xảy ra khi bạn thư giãn. Nếu bạn bị huyết áp cao, các phương pháp thư giãn như thiền định có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, lưu ý rằng phương pháp này không thay thế được thuốc chữa bệnh nên đừng ngừng dùng thuốc trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Tiêu hóa của bạn trở nên tốt hơn: Khi căng thẳng gây ra phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy", quá trình tiêu hóa của bạn bị đình trệ khi máu di chuyển đến các cơ lớn hơn. Do vậy, thư giãn sẽ đảo ngược quá trình này. Nó cũng làm giảm chứng viêm mà có thể làm tổn thương ruột của bạn. Bên cạnh đó, căng thẳng đóng một vai trò trong nhiều vấn đề tiêu hóa, như hội chứng ruột kích thích (IBS). Các kỹ thuật thư giãn tĩnh tâm như hít thở sâu hoặc thiền có thể giúp giảm các triệu chứng có hại này
  • Hơi thở của bạn chậm lại: Khi ai đó đang hoảng sợ, bạn có thể nói lời trấn an rằng "hít thở sâu". Có một lý do chính đáng cho điều đó là khi bạn căng thẳng, nhịp thở sẽ tăng lên. Hít thở quá nhanh có thể dẫn đến lượng oxy trong máu thấp, khiến bạn chóng mặt và suy nhược. Nhưng thư giãn làm chậm nhịp thở của bạn. Bạn cũng có thể giúp bản thân thư giãn bằng cách thở chậm, có kiểm soát, khoảng 6 nhịp thở/phút.
  • Cơ bắp của bạn được thư giãn: Cơ thể bạn cứng lại khi bạn cảm thấy bị đe dọa, cho dù là từ một con gấu trong rừng hay thời hạn trong công việc. Thông thường, tình trạng căng cơ sẽ giảm bớt khi bạn bình tĩnh lại. Nhưng căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến phản ứng căng cơ gần như mọi lúc. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc để cơ thể thư giãn, hãy hỏi bác sĩ về phản hồi sinh học, sử dụng các cảm biến để cung cấp cho bạn phản hồi về các chức năng của cơ thể. Điều đó giúp bạn học cách giải phóng sự căng cơ.
  • Giảm bớt các cơn đau: Thư giãn không làm bạn hết nhức mỏi nhưng có thể giảm mức độ xuống một chút. Các cơ được thư giãn sẽ ít bị đau hơn. Việc thư giãn sẽ thúc đẩy não giải phóng endorphin, hóa chất hoạt động như thuốc giảm đau tự nhiên. Các nghiên cứu cho thấy các kỹ thuật thư giãn như thiền định có thể làm giảm cơn đau do các tình trạng như đau cơ xơ hóa, đau nửa đầu, đau vùng chậu mãn tính và hội chứng ruột kích thích (IBS).
  • Kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn: Hormone căng thẳng có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng lên. Nếu bạn bị tiểu đường thì những nỗ lực chữa bệnh có thể làm tăng căng thẳng của bạn. Thư giãn có thể giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu (mặc dù nó không thể thay thế thuốc). Để đạt được điều đó, hãy tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc. Hãy thử các phương pháp thư giãn như thiền hoặc yoga để cải thiện tình trạng của bản thân.
  • Hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động tốt hơn: Căng thẳng kéo dài khiến cơ thể bạn khó chống lại nhiễm trùng. Nhưng thư giãn sâu có thể giúp hệ thống miễn dịch của bạn phục hồi. Bạn có thể đạt được điều đó với sự trợ giúp của các kỹ thuật như giãn cơ. Đó là nơi kích thích sự căng cơ, sau đó thả lỏng, từng nhóm cơ một. Điều quan trọng hơn là quản lý những lo lắng khi bạn già đi, vì chức năng miễn dịch sẽ suy giảm một cách tự nhiên theo thời gian.
  • Bạn ngủ ngon hơn: Đôi khi, bạn có thể không thể ngủ gật ngay cả khi đã mệt mỏi. Trạng thái "mệt nhưng khó ngủ" này là dấu hiệu bạn vẫn đang ở chế độ "chiến đấu". Các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu có thể giúp kích hoạt chuỗi phản ứng cho cơ thể được thư giãn. Đôi khi chúng được sử dụng như một phương pháp điều trị chứng mất ngủ.
thư giãn
Thư giãn rất tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất.

3. Làm thế nào bạn có thể cảm thấy thư giãn?

Một số người thư giãn trong khi họ làm vườn, nấu ăn hoặc đọc sách. Những người khác lựa chọn cầu nguyện hoặc thiền định hay phương pháp Benson. Kỹ thuật này được tạo ra bởi Herbert Benson - bác sĩ tim, người đầu tiên mô tả phản ứng thư giãn.

Để cơ thể thư giãn, những điều bạn cần làm đó là:

  • Ngồi xuống, đảm bảo rằng bạn cảm thấy thoải mái;
  • Nhắm mắt lại;
  • Từ từ thư giãn tất cả các cơ của bạn, bắt đầu từ bàn chân;
  • Thở bằng mũi;
  • Chú ý đến hơi thở của bạn.

Làm điều này trong khoảng 20 phút. Sau đó, ngồi nhắm mắt trong vài phút.

Tóm lại, cơ thể thư giãn sẽ giúp bạn khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần, phục hồi sau những căng thẳng hàng ngày mà cuộc sống mang lại. Cho dù bận rộn đến đâu, bạn cũng nên học cách thư giãn cho bản thân để giảm thiểu những căng thẳng trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

828 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan