Đau nhức cơ thể: 13 nguyên nhân có thể xảy ra

Tình trạng đau nhức cơ thể có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như nhiễm trùng, bệnh tật hoặc một số loại thuốc nhất định. Xác định được nguyên nhân chính xác gây đau nhức cơ thể sẽ giúp bạn sớm có biện pháp kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả.

Giải đáp cho thắc mắc “cơ thể đau nhức vì sao?” chính là:

1. Do vấn đề về lưu thông máu trong cơ thể

Nếu bạn cảm thấy bị đau ở cánh tay, chân hoặc cả 2 thì nguyên nhân có thể là do cơ bắp không nhận đủ lượng máu cần thiết, gây ra chứng đi lặc cách hồi. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy đau nhức cơ thể trong lúc tập thể dục. Theo thời gian, cơn đau có thể ảnh hưởng ngay cả khi bạn đi bộ hoặc ngồi nghỉ ngơi. Tình trạng này thường được gọi là xơ cứng động mạch, xảy ra khi các ống dẫn máu đến cơ bắp bị tắc nghẽn.

2. Đau nhức cơ thể do suy giáp

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp của bạn không tạo đủ một số hormone quan trọng. Suy giáp có thể gây đau nhức cơ khớp, cùng với các triệu chứng điển hình của bệnh. Ngoài ra, suy giáp cũng được xem là nguyên nhân chính khiến bạn bị đau nhức mỏi toàn thân và dẫn đến các vấn đề về trí nhớ, da khô, tóc mỏng, cholesterol cao hoặc nhịp tim chậm.

Để xác định xem liệu bạn có bị suy giáp hay không, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện 1 xét nghiệm máu đơn giản. Nếu được chẩn đoán suy giáp, bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc giúp thay thế các hormone bị thiếu.

3. Cúm hoặc một số bệnh nhiễm trùng khác

Khi virus cúm tấn công vào cơ thể, nó sẽ gây ra các triệu chứng như sốt, nghẹt mũi, đồng thời có thể khiến bạn bị đau nhức toàn thân, đặc biệt là các cơ ở lưng, chân và tay.

Bệnh cúm thường tự khỏi sau 1 tuần hoặc lâu hơn, tuy nhiên nếu các triệu chứng đau nhức cơ thể, sốt hoặc nghẹt mũi vẫn không thuyên giảm thì bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám nếu có các vấn đề về sức khoẻ khác hoặc bị ho nhưng không khỏi. Các bệnh nhiễm trùng khác cũng có thể khiến bạn bị đau nhức mỏi toàn thân, trong đó bao gồm COVID-19 và HIV.

4. Sử dụng thuốc

Việc sử dụng thuốc statin để kiểm soát lượng cholesterol cao trong máu có thể dẫn đến tác dụng phụ như đau nhức cơ thể. Nếu bạn gặp phải các tình trạng này trong quá trình sử dụng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ để chuyển đổi một loại thuốc khác phù hợp hơn.

Một số loại thuốc có tác dụng phụ dẫn tới đau nhức cơ thể
Một số loại thuốc có tác dụng phụ dẫn tới đau nhức cơ thể

5. Bệnh Lupus

Một trong những nguyên nhân khác khiến bạn cảm thấy đau nhức cơ thể là do bệnh Lupus. Đây là 1 loại bệnh tự miễn, có thể khiến hệ miễn dịch hoạt động bất thường và tấn công chính các mô cũng như cơ quan trong cơ thể.

Khi bệnh Lupus ảnh hưởng đến các khớp hoặc cơ, nó có thể dẫn đến tình trạng cứng khớp và khiến bạn cảm thấy đau khi cử động. Mặc dù bệnh Lupus không có cách chữa trị nhưng việc sử dụng thuốc và một số bài tập trị liệu nhất định có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bạn.

6. Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp cũng thuộc nhóm loại bệnh tự miễn, chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp và có thể dẫn đến mất xương. Ngoài ra, nó cũng có thể gây đau và viêm khắp cơ thể, khiến cho các khớp bị sưng lên thành những hình dạng kỳ lạ, đồng thời gây đau nhức mỏi toàn thân.

Thuốc và các phương pháp vật lý trị liệu có thể giúp làm giảm các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, tuy nhiên không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn. Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật để sửa chữa các khớp bị ảnh hưởng.

7. Bệnh viêm da cơ

Căn bệnh tự miễn dịch này có thể khiến cho các cơ và khớp của bạn bị đau nhức, kèm theo các vết mẩn đỏ hoặc tím trên mí mắt. Bên cạnh đó, bệnh viêm da cơ cũng tạo ra các nốt trên khớp ngón tay, khuỷu tay, ngón chân, đầu gối và có thể gây khô da, mỏng tóc, sưng tấy hoặc kích ứng các vùng da xung quanh móng tay của bạn.

Bệnh viêm da cơ có thể được kích hoạt bởi việc sử dụng thuốc, tình trạng nhiễm trùng hoặc ung thư. Hiện nay, căn bệnh này vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm, tuy nhiên bệnh nhân có thể làm giảm các triệu chứng (bao gồm cả đau nhức cơ thể) bằng việc sử dụng thuốc và vật lý trị liệu.

8. Đau cơ xơ hoá

Tình trạng này có thể khiến bạn bị đau nhức toàn thân, cơn đau ảnh hưởng chủ yếu đến các cơ và khớp, đồng thời gây ra những vấn đề về giấc ngủ, trí nhớ và tâm trạng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, bệnh đau cơ xơ hoá thường xảy ra khi não bộ nhận được các tín hiệu đau nhẹ và bị nhầm lẫn khiến chúng trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, căn bệnh này cũng có thể được kích hoạt bởi một số bệnh lý nhất định, phẫu thuật hoặc căng thẳng tinh thần nghiêm trọng. Việc sử dụng thuốc, tập thể dục hoặc yoga sẽ giúp bạn làm dịu đi các triệu chứng khó chịu của đau cơ xơ hoá.

9. Bệnh viêm đa cơ

Bệnh viêm đa cơ thường xảy ra khi 1 tác nhân nào đó (chẳng hạn như virus hoặc vấn đề về hệ thống miễn dịch) làm sưng tấy hoặc kích động mạnh đến các cơ trên khắp cơ thể, đặc biệt là ở bụng, cánh tay trên, vai, hông và tim. Theo thời gian, các cơ của bạn có thể bắt đầu bị phá vỡ, gây ra các triệu chứng như khó thở hoặc khó nuốt.

Bác sĩ có thể đề xuất một số loại thuốc giảm viêm hoặc làm dịu hệ thống miễn dịch, hay các phương pháp vật lý trị liệu khác nhằm giúp bạn giảm cơn đau nhức mỏi toàn thân và lấy lại được sức mạnh cơ bắp.

10. Hội chứng mệt mỏi mãn tính

Triệu chứng chính của hội chứng này là cực kỳ mệt mỏi mà không rõ nguyên nhân. Nó có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn tập thể dục hoặc tinh thần căng thẳng. Việc nghỉ ngơi cũng không khiến tình trạng mệt mỏi trở nên tốt hơn.

Ngoài ra, hội chứng mệt mỏi mãn tính cũng có thể khiến bạn bị đau nhức toàn thân, đau cơ, các vấn đề về trí nhớ, đau khớp, đau họng, đau đầu và không thể ngủ ngon giấc. Hiện nay, tình trạng mệt mỏi mãn tính vẫn chưa có biện pháp điều trị dứt điểm.

Gối đầu quá cao có thể gây đau nhức cơ thể sau khi ngủ dậy
Hội chứng mệt mỏi mãn tính cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau nhức mỏi toàn thân

11. Sốt màng não miền núi

Bệnh sốt màng não miền núi được gây ra bởi vi khuẩn R. rickettsii, thường bao gồm các triệu chứng giống như cảm cúm (sốt, ớn lạnh, nhức đầu, buồn nôn, mất ngủ và đau nhức mỏi toàn thân). Tình trạng phát ban không gây ngứa cũng có thể xuất hiện trên mắt cá chân và cổ tay của bạn sau một vài ngày mắc bệnh.

Bệnh sốt màng não miền núi cần được điều trị càng sớm càng tốt bằng thuốc kháng sinh. Nếu không được điều trị kịp thời, căn bệnh này có thể dẫn đến viêm phổi, não, tim và suy thận.

12. Bệnh Lyme

Vi khuẩn từ vết cắn của bọ chét có thể gây ra bệnh Lyme. Căn bệnh này thường có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu và đau nhức cơ thể. Một dấu hiệu khác của bệnh Lyme là tình trạng phát ban mắt bò, có thể phát triển trong khoảng vài ngày sau khi mắc bệnh và rộng tới 12 inch.

Phát ban có thể xuất hiện với nhiều nốt nhưng không nhất thiết ở gần vết cắn của bọ chét. Bệnh Lyme thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh, tuy nhiên một số người vẫn bị đau nhức cơ thể và mệt mỏi sau khi sử dụng hết thuốc.

13. Viêm cột sống dính khớp

Đây là một loại bệnh viêm khớp mãn tính gây viêm cột sống, đôi khi bao gồm cả hông, ngực và đầu gối. Viêm cột sống dính khớp có thể gây đau cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến mất khả năng chuyển động ở lưng do xương cột sống phát triển cùng nhau. Ngoài ra, loại bệnh viêm khớp mãn tính này cũng có thể ảnh hưởng đến cổ. Tốt nhất, bạn nên trao đổi với bác sĩ khi phát hiện ra bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. Việc điều trị sớm có thể giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

158.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan