Vì sao bạn luôn mệt mỏi?

Nhiều người đã tự hỏi, "Tại sao tôi luôn mệt mỏi?" Hoặc có thể bạn không có năng lượng để hoàn thành công việc theo cách đã từng làm. Mệt mỏi và thiếu năng lượng là một vấn đề lớn đối với nhiều người, nhưng những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nếu bạn biết điều gì là sai.

1. Mệt mỏi là gì?

Một trong những câu phàn nàn phổ biến nhất mà các bác sĩ thường nghe được từ bệnh nhân của mình là: “Tôi luôn cảm thấy mệt mỏi và không biết vì sao lại bị như vậy”. Trong hầu hết các trường hợp, mệt mỏi chính là nguyên nhân đầu tiên khiến một người nghĩ đến việc đi khám bệnh và đó cũng là một trong những triệu chứng để bác sĩ thăm khám, khai thác tiền sử bệnh hay các vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân gặp phải.

Nhiều người bệnh nghĩ rằng mệt mỏi là cảm giác buồn ngủ, uể oải và không muốn làm việc gì nhưng trên thực tế mệt mỏi mô tả trạng thái thiếu năng lượng và động lực trong sinh hoạt cũng như trong công việc mà thậm chí người bệnh còn không cảm thấy buồn ngủ mặc dù cả hai có thể xảy ra cùng lúc.

Cần xác định xem sự mệt mỏi đó bắt nguồn từ tinh thần, thể chất hay cả hai. Các nguyên nhân của sự mệt mỏi đang được thu hẹp dần nhưng nhìn chung đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân tìm đến các bác sĩ.

Một số câu hỏi bác sĩ có thể đưa ra nhằm khai thác tiền sử của bệnh nhân liên quan đến tình trạng mệt mỏi bao gồm:


Người có bệnh lý suy tim có thể sẽ gặp tình trạng mệt mỏi thường xuyên
Người có bệnh lý suy tim có thể sẽ gặp tình trạng mệt mỏi thường xuyên

  • Tiền sử phẫu thuật
  • Liều lượng và tần suất của các loại thuốc đang sử dụng hiện tại
  • Kết quả của các xét nghiệm đã làm thời gian gần đây (nếu có)

Câu trả lời cho những câu hỏi trên có thể là manh mối để chẩn đoán tình trạng sức khỏe mà bệnh nhân đang gặp phải. Chúng có thể xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như:

  • Các vấn đề liên quan đến chuyển hóa như đái tháo đường, thiếu máu, suy dinh dưỡng, thiếu năng lượng trường diễn....
  • Các bệnh liên quan đến rối loạn nội tiết tố
  • Các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, sốt rét, viêm gan, lao...
  • Các vấn đề về tim mạch hoặc phổi
  • Trong nhiều trường hợp tình trạng mệt mỏi xảy ra còn có thể là dấu hiệu cảnh báo về những bệnh nguy hiểm như ung thư hay các bệnh tự miễn

2. Vì sao bạn luôn mệt mỏi?

Nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài và không có dấu hiệu ngừng lại, điều đầu tiên cần làm là đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám. Bệnh nhân sẽ được khai thác tiền sử cũng như kiểm tra cẩn thận hoặc chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng mệt mỏi này.

Một số nguyên nhân chính có thể trả lời cho câu hỏi “Vì sao tôi luôn mệt mỏi” bao gồm:

  • Ngủ không đủ giấc: Ngủ không đủ giấc hay thiếu ngủ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mệt mỏi kinh niên. Nhiều người trải qua cuộc sống quá áp lực và căng thẳng khiến việc có một giấc ngủ đầy đủ mỗi ngày dường như là điều quá khó khăn. Mặc dù thiếu ngủ không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tuy nhiên những người mệt mỏi kéo dài do thiếu ngủ có thể sẽ được các bác sĩ kê đơn một số loại thuốc an thần giúp giảm căng thẳng và khiến họ dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Giấc ngủ kém chất lượng là một trong các nguyên nhân gây tình trạng mệt mỏi
Giấc ngủ kém chất lượng là một trong các nguyên nhân gây tình trạng mệt mỏi

Ngoài ra nên ngủ đủ 7 đến 8 giờ mỗi ngày theo khuyến cáo của các chuyên gia về sức khỏe để luôn có được thể trạng tốt nhất trong sinh hoạt cũng như các công việc hàng ngày.

  • Trầm cảm: Trầm cảm là tình trạng xảy ra do sự thay đổi bất thường một số loại hormone điều chỉnh tâm trạng trong não. Những người trầm cảm thường có xu hướng gặp vấn đề về giấc ngủ và luôn cảm thấy thiếu năng lượng trong mọi hoạt động. Họ có thể khó có được một giấc ngủ sâu và hay thức giấc vào ban đêm. Trầm cảm khiến người bệnh cảm thấy uể oải và mất đi động lực trong công việc.

Một số triệu chứng khác cũng liên quan đến trầm cảm là cảm giác buồn bã, trống rỗng, không còn hứng thú với hoạt động đã từng là sở thích. Trầm cảm không được điều trị kịp thời không chỉ dẫn đến chứng mệt mỏi kinh niên mà còn có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong đời sống của người bệnh.

  • Thiếu máu: Thiếu máu là một loại bệnh lý xảy ra khi số lượng hồng cầu trong máu thấp hơn bình thường. Điều này khiến cho lượng oxy vận chuyển trong máu đến các mô, cơ quan bị thiếu hụt dẫn đến tình trạng mệt mỏi, da nhợt nhạt, khó thở, chóng mặt hoặc đau đầu...
  • Thiếu sắt – một trong những nguyên nhân hàng đầu của thiếu máu được chứng minh cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi kéo dài. Việc xét nghiệm thiếu máu hiện nay cũng đã được thực hiện tương đối đơn giản vì thế đừng ngần ngại tìm đến các cơ sở y tế nếu thấy xuất hiện một trong các triệu chứng kể trên.
  • Suy giáp: Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết đối với cơ thể. Suy giáp đang trở lên rất phổ biến, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Các hormon tuyến giáp có chức năng kiểm soát sự trao đổi chất cũng như quá trình chuyển hóa trong cơ thể do đó khi lượng hormone này không được cung cấp đủ, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, cân nặng tăng giảm bất thường... hoặc thậm chí xuất hiện các dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

  • Các bệnh về tim mạch đặc biệt là suy tim khiến khả năng bơm máu đến các mô, cơ quan bị hạn chế khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, thậm chí ngay cả các hoạt động bình thường hàng ngày như đi lại, mang vác đồ đạc cũng có thể trở lên khó khăn.

Các triệu chứng của bệnh liên quan đến tim mạch bao gồm đau ngực, tim đập loạn nhịp, chóng mặt, khó thở.... Trong những năm gần đây, các chuyên gia tim mạch đã lưu ý đến các biểu hiện về bệnh tim ở phụ nữ có thể âm thầm hơn so với nam giới. Điều này lý giải tại sao phụ nữ có nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn


Các biểu hiện về bệnh tim ở phụ nữ thường diễn ra âm thầm hơn nam giới
Các biểu hiện về bệnh tim ở phụ nữ thường diễn ra âm thầm hơn nam giới

  • Ngừng thở khi ngủ: Ngưng thở khi ngủ là một trong số biểu hiện của hội chứng rối loạn giấc ngủ. Người bệnh sẽ xuất hiện các cơn ngừng thở hoặc thở nông kéo dài từ vài giây đến một phút trong giấc ngủ.

Giấc ngủ bị gián đoạn và kém chất lượng do những cơ ngừng thở khi ngủ có thể là nguyên nhân của tình trạng buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày. Thậm chí nếu không được điều trị chúng có thể dẫn đến bệnh tim, đột quỵ hoặc thậm chí đột tử.

  • Viêm gan: Viêm gan do một số lý do như nhiễm virus hay béo phì là một trong số các nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi kéo dài. Gan đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể từ lọc bỏ độc tố đến sản xuất các loại protein hỗ trợ quá trình đông máu, chuyển hóa và lưu trữ carbohydrate.... Khi gan bị tổn thương các quá trình này có thể phải ngừng lại.
  • Bệnh đái tháo đường: Đái tháo đường là một trong những bệnh về chuyển hóa xảy ra khi cơ thể không tạo đủ lượng insulin – loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Lượng glucose trong máu cao có thể đầu độc tế bào tại các cơ quan đích khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, thường xuyên khát nước, sụt cân, tê bì tay chân...

  • Hội chứng mệt mỏi mãn tính: Là một rối loạn đặc trưng bởi sự mệt mỏi quá mức đặc biệt là khi gắng sức và không có dấu hiệu suy giảm kể cả khi được nghỉ ngơi. Hội chứng mệt mỏi mãn tính còn khiến người bệnh suy giảm trí nhớ, mất tập trung, đau mỏi cơ, khớp, đau đầu thường xuyên....
  • Ngoài ra một số loại thuốc người bệnh đang sử dụng cũng có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi như:
  1. Thuốc huyết áp
  2. Thuốc điều chỉnh nồng độ cholesterol máu
  3. Thuốc điều trị trào ngược dạ dày
  4. Thuốc giảm đau
  5. Thuốc dị ứng
  6. Thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần
  7. Các loại kháng sinh
  8. Thuốc lợi tiểu
  9. Thuốc giảm đau

Các nguyên nhân đến đến tình trạng mệt mỏi kéo dài thường khá phổ biến. Nếu cảm thấy tình trạng mệt mỏi là một dấu hiệu bất thường bạn cần đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán các nguyên nhân sâu xa đằng sau sự mệt mỏi. Điều này rất có ích, đặc biệt trong trường hợp mệt mỏi kéo dài là dấu hiệu cảnh báo các bệnh nguy hiểm như tim mạch hay ung thư.


Người bệnh sử dụng một số loại thuốc cũng có thể gây tình trạng mệt mỏi
Người bệnh sử dụng một số loại thuốc cũng có thể gây tình trạng mệt mỏi

Bài viết tham khảo nguồn: verywellmind.com, medicinenet.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe