11 phương pháp giúp bạn hồi phục sức khỏe khi bị kiệt sức

Thông thường, bộ não và cơ thể chỉ xử lý cảm giác làm việc quá sức trong một thời gian nhất định. Nếu bạn thường xuyên trải qua mức độ căng thẳng cao mà không thực hiện các bước để hồi phục sức khỏe, bệnh kiệt sức cuối cùng sẽ xảy ra khiến bạn kiệt quệ về mặt tinh thần và thể chất.

1. Bệnh kiệt sức là gì?

Bệnh kiệt sức là một trạng thái kiệt quệ về thể chất và tinh thần. Tình trạng này có thể xảy ra khi bạn bị căng thẳng, mệt mỏi về thể chất hoặc tinh thần trong thời gian dài mà không tự hồi phục sức khỏe. Bạn cũng có thể cảm thấy kiệt sức khi những nỗ lực trong công việc không mang lại kết quả như mong đợi, cảm thấy tuyệt vọng.

Một số dấu hiệu biểu hiện bạn đang gặp chứng bệnh kiệt sức đó là:

  • Cảm thấy mỗi ngày đi làm là điều tồi tệ;
  • Cảm thấy kiệt sức trong nhiều khoảng thời gian mỗi ngày;
  • Không có niềm vui hoặc hứng thú với công việc của bạn, thậm chí cảm thấy chán nản;
  • Cảm thấy choáng ngợp bởi trách nhiệm của bản thân;
  • Luôn muốn trốn tránh thực tại, uống chất kích thích quá nhiều;
  • Ít kiên nhẫn hơn so với trước đây;
  • Cảm thấy tuyệt vọng về cuộc sống hoặc công việc;
  • Gặp phải các triệu chứng về thể chất như đau ngực, khó thở, khó ngủ hoặc tim đập nhanh.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc bệnh kiệt sức trong giai đoạn đầu của sự nghiệp thường dễ hồi phục sức khỏe hơn những người gặp tình trạng này trong nửa sau của cuộc đời. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải biết cách phục hồi suy nhược cơ thể hiệu quả, dù đang ở giai đoạn nào trong sự nghiệp.

Bệnh kiệt sức là gì?
Bệnh kiệt sức ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc của bạn

2. Một số chiến lược hồi phục sức khỏe hiệu quả

Bệnh kiệt sức không tự biến mất mà thay vào đó là trở nên tồi tệ hơn nếu không không được giải quyết kịp thời. Phục hồi suy nhược cơ thể sau khi kiệt sức là một hành trình cần thời gian và không gian, vì vậy đừng quá nóng vội rút ngắn quá trình này. Dưới đây là một số chiến lược hồi phục sức khỏe mà bạn có thể tham khảo để áp dụng phù hợp với bản thân:

  • Nhận biết các dấu hiệu càng sớm càng tốt: Lắng nghe cơ thể để nhận biết những dấu hiệu của bệnh kiệt sức là điều cực kỳ quan trọng. Thời gian hồi phục sức khỏe sẽ phụ thuộc không ít vào thời điểm bạn nhận ra sự suy nhược của bản thân.
  • Khám phá lý do bệnh kiệt sức của bạn: Bạn cần xác định lý do tại sao lại gặp phải tình trạng kiệt sức. Đầu tiên, hãy xem xét bất kỳ sự bất mãn nào mà bạn cảm thấy với công việc của mình. Dành thời gian để suy nghĩ về bất kỳ cảm giác tiêu cực nào mà bạn cảm nhận được. Khi đã xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng kiệt sức của mình, hãy viết ra ít nhất một cách mà bạn có thể quản lý hoặc loại bỏ nguồn căng thẳng này.
  • Xác định những thay đổi tức thì: Có những thay đổi nhỏ, tức thì ngay trong nhịp sinh hoạt hằng ngày như tập thể dục có thể giúp bạn hồi phục sức khỏe. Vô số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn nâng cao tâm trạng, cải thiện sức khỏe tổng thể và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiếp theo, hãy đảm bảo rằng bạn ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ và uống nhiều nước.
  • Nghỉ phép: Một cách tốt để bắt đầu hồi phục là dành thời gian để nghỉ ngơi. Mặc dù căng thẳng và các vấn đề mà bạn đang gặp phải ở nơi làm việc có thể vẫn chờ đợi khi bạn trở lại, nhưng dành thời gian nghỉ ngơi là điều cần thiết để phục hồi suy nhược cơ thể trong thời gian qua và tìm ra các giải pháp lâu dài để thoát khỏi tình trạng kiệt sức.
  • Đánh giá lại các mục tiêu của bạn: Tiếp theo, hãy dành thời gian để đánh giá lại các mục tiêu cá nhân của bạn. Kiệt sức có thể xảy ra khi công việc không phù hợp với các giá trị bản thân hoặc khi nó không đóng góp vào mục tiêu dài hạn của bạn. Bạn cũng có thể cảm thấy thất vọng và kiệt sức không biết mục tiêu của mình là gì.
  • Nói "Không" một cách lịch sự: Cố gắng không nhận bất kỳ trách nhiệm hoặc cam kết mới nào trong khi bạn đang hồi phục sau tình trạng kiệt sức. Điều này có thể là một thách thức, đặc biệt là với những đồng nghiệp cần bạn giúp đỡ. Tuy nhiên, để không rơi vào tình trạng quá kiệt sức, bạn cần học cách nhận hay từ chối những nhiệm vụ với mức độ quan trọng khác nhau trong công việc. Những người có xu hướng làm hài lòng mọi người thường làm quá nhiều để tránh làm bất cứ ai thất vọng. Nhưng nếu đã không còn nhiều giờ trong ngày cho những việc thực sự cần phải làm, việc thêm nhiều nhiệm vụ sẽ chỉ khiến bạn bực bội và căng thẳng.
Đánh giá lại các mục tiêu của bạn
Đánh giá lại các mục tiêu của bạn giúp bạn có chiến lược hồi phục sức khỏe hiệu quả

  • Nói chuyện với những người bạn tin tưởng: Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn về cách bắt đầu phân loại các nguyên nhân gây kiệt sức và tìm cách giảm bớt căng thẳng, hãy tâm sự với một người thân đáng tin cậy để được hỗ trợ và giảm bớt cô đơn.
  • Kiểm soát lại cuộc sống: Bệnh kiệt sức có thể khiến bạn cảm thấy bất lực, như thể cuộc sống của mình đang trôi qua vội vã và không thể theo kịp. Bạn có thể không kiểm soát được những gì đã xảy, nhưng có quyền nhìn lại và bắt đầu nạp năng lượng bằng cách quyết định nhiệm vụ nào ít quan trọng hơn và đặt chúng sang một bên; ủy quyền nhiệm vụ cho một người bạn tin tưởng; hãy dành một chút thời gian để xem qua mọi thứ mà bạn sẽ phải làm nếu đồng ý nhận công việc đó.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh: Bạn nên suy nghĩ việc hồi phục sức khỏe của mình bằng cách bắt đầu một lối sống lành mạnh hơn như: Dành đủ thời gian cho giấc ngủ ngon, những người thân yêu, hoạt động thể chất, ăn các bữa ăn bổ dưỡng và những điều làm bạn hạnh phúc.
  • Thực hành tư duy tích cực: Bệnh kiệt sức có thể khiến bạn rơi vào chu kỳ suy nghĩ tiêu cực và tình trạng này thường xấu đi theo thời gian. Bạn có thể chống lại điều này bằng cách học suy nghĩ tích cực. Bạn cũng có thể mang lại sự tích cực hơn cho cuộc sống bằng những hành động tử tế ngẫu nhiên tại nơi làm việc.

Đối mặt với căn bệnh kiệt sức không hề dễ dàng, đặc biệt là khi nó đã ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân và chất lượng cuộc sống của bạn. Khi đó, một nhà tâm lý trị liệu có thể giúp bạn xác định nguyên nhân và các phương pháp đối phó với kiệt sức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mindtools.com, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan