Siêu âm hình thái thai nhi có thể thực hiện từ tuần thai nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Phạm Thị Tuyết Mai - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, bố mẹ không phải hồi hộp chờ đợi 9 tháng 10 ngày mới quan sát được con yêu. Trong thời gian thai kỳ, kỹ thuật siêu âm hình thái học giúp theo dõi sự phát triển và hình thành của bé cũng như có thể phát hiện sớm những dị tật ngay từ trong bụng mẹ.

1. Siêu âm hình thái học là gì?

Siêu âm hình thái học là kỹ thuật siêu âm cho phép quan sát hình ảnh của thai nhi trong bụng người mẹ, bao gồm cả hình dáng bên ngoài và các cơ quan nội tạng bên trong, qua đó giúp theo dõi sự hình thành và phát triển của thai nhi, đồng thời phát hiện một số dị tật (nếu có).

Việc siêu âm không bắt buộc nhưng các bác sĩ vẫn khuyên mẹ bầu nên đi thực hiện siêu âm hình thái học vào những mốc quan trọng để xây dựng kế hoạch theo dõi sức khỏe thai nhi phù hợp.

2. Siêu âm hình thái học có ý nghĩa gì?

Dù bạn lần đầu làm mẹ hay đã có bé trước thì siêu âm thai luôn rất quan trọng giúp chẩn đoán được những trường hợp chửa trứng, chửa ngoài tử cung hay mang thai giả,... Quá trình thực hiện siêu âm thai chỉ kéo dài khoảng 10 phút và trong thời gian đó hình ảnh về thai nhi sẽ được ghi lại.

Siêu âm đường mật
Qúa trình siêu âm thai diễn ra nhanh và không gây đau đớn

Siêu âm hình thái học ngoài ghi lại cho cha mẹ hình thái và cử động của bé còn giúp mẹ bầu dự báo sớm được ngày sinh và phát hiện những bất thường trong quá trình hình thành và phát triển của bé. Tùy vào thời gian thai kỳ mà sẽ có những phương pháp siêu âm khác sao cho phù hợp.

  • Các chỉ số phát triển được quan tâm khi siêu âm thai như:
  • Vòng đầu (Head circumference – HC),
  • Đường kính lưỡng đỉnh (Biparietal diameter – BPD),
  • Vòng bụng (Abdominal circumference – ACC),
  • Chiều dài xương đùi (Femur length – FL),
  • Cân nặng thai nhi ước tính (Estimated Fetal Weight – EFW)...

Tương ứng với từng tuần tuổi thai, các chỉ số trên có những giá trị khác nhau. Dựa vào các chỉ số đo được trên siêu âm, các bác sĩ sẽ so sánh với các giá trị bình thường.

Các chỉ số khác từ kết quả siêu âm thai:

  • Nhịp tim thai: Thông thường, nhịp tim thai dao động trong khoảng 120-160 l/p.
  • Vị trí của bánh rau: Các bác sĩ sẽ đánh giá vị trí của bánh rau so với lỗ trong cổ tử cung.
  • Nước ối: Giai đoạn này, đánh giá số lượng nước ối chủ yếu dựa vào quan sát chủ quan của bác sĩ siêu âm, tuy nhiên thấy nhiều hoặc ít hơn bình thường thì cần đo chỉ số ối hoặc một góc lớn nhất.
  • Đo chiều dài CTC để đánh giá nguy cơ sinh non.
  • Kiểm tra những khối u của tử cung hoặc phần phụ của mẹ.

3. Siêu âm hình thái thai nhi có thể thực hiện từ tuần thai nào?

Dù là kỹ thuật đơn giản nhưng siêu âm thai vẫn cần có sự hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ, tùy vào tình trạng hiện tại của mẹ bầu mà sẽ có sự khác nhau về thời gian khám thai. Tuy nhiên, có những thời điểm quan trọng mà các mẹ bầu cần quan tâm:

3.1 Siêu âm hình thái học khi thai được 11 - 14 tuần

Trên thực tế, đi siêu âm thai lần đầu khi thai nhi đã được 12 tuần là tốt nhất. Lần siêu âm thai đầu tiên này đặc biệt quan trọng, nó có thể phát hiện ra những nhiễm sắc thể bất thường có khả năng gây dị tật cho thai nhi. Thực hiện siêu âm ở giai đoạn này, các bà mẹ còn có thể biết được mình đang mang thai đơn, thai đôi hay ba.

Cũng ở trong giai đoạn tuần thứ 12, thai nhi đã phát triển tương đối đầy đủ về mặt hình thái và có những phản xạ như gập duỗi thân mình, duỗi các chi... Đây cũng là một trong 03 mốc siêu âm dị tật quan trọng được các chuyên gia khuyến cáo cần thực hiện. Trong lần siêu âm này các bác sĩ sẽ đặc biệt kiểm tra và sàng lọc các dị tật sớm về não, mặt, tim, tiêu hóa, tiết niệu, tứ chi và toàn bộ hình thể.

Video đề xuất: Thai nhi 12 tuần tuổi nhìn rõ nét từ siêu âm thai 4d

3.2 Siêu âm hình thái học khi thai được 18 tuần đến 22 tuần

Hình thái và cấu trúc của thai nhi sẽ được bác sĩ đánh giá chính xác hơn giai đoạn một trong lần siêu âm thai này. Lúc này đã có thể nghe được nhịp đập và tim thai từ đó sớm phát hiện nếu có những sự bất thường trong quá trình phát triển của bé. Đây được coi là lần siêu âm mà bà mẹ nào cũng cần phải thực hiện, nếu không muốn nói là bắt buộc để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và bé sau này.

Bé yêu sẽ được bác sĩ quan sát các bộ phận, cấu trúc hình thành, đồng thời đo các kích thước và chỉ số sinh học của thai nhi,... để đảm bảo bé có phát triển tốt và bình thường theo đúng số tuổi của thai nhi không, nếu có những bất thường về chỉ số và thai quá nhỏ các bác sĩ sẽ có những tư vấn cho bà bầu để có thể chăm sóc thai nhi phát triển một cách tốt nhất.

3.3 Siêu âm thai đánh giá sự phát triển trong khoảng từ 30 đến 32 tuần tuổi.

Đây là thời điểm chuẩn bị sinh, việc đi siêu âm thai này giúp các bà bầu xác định lại được bé vẫn phát triển tốt, có dấu hiệu sinh non hay khi bé sinh ra có bị nhẹ cân hay thừa cân hay không? Cũng góp phần giúp các bà bầu chuẩn bị được tâm lý thoải mái và không lo âu trước khi sinh.

Chiều dài xương đùi trung bình của thai nhi 30 tuần tuổi
Siêu âm những tuần cuối cùng giúp xác định dấu hiệu sức khỏe và cân nặng của thai nhi

Tùy từng bất thường mà khi phát hiện được ở thai nhi, bố mẹ cũng như gia đình sẽ được các bác sĩ hỗ trợ và tư vấn những chú ý để giữ gìn và chăm sóc thai nhi, lựa chọn được phương pháp sinh đẻ sao cho phù hợp với thể trạng và tình hình phát triển của bé. Do đó, đây là thời điểm mà các bà bầu không chỉ cần sự hỗ trợ về y tế mà còn cần sự quan tâm và chăm sóc từ chồng và gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

55.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan