Siêu âm hình thái học là gì? Ý nghĩa và kết quả

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Bác sĩ Siêu âm sản – Chẩn đoán trước sinh – Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Siêu âm hình thái học là kỹ thuật được dùng để theo dõi sự hình thành và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, kỹ thuật này có thể được thực hiện trong khoảng thời gian từ tuần thứ 20 - 24 của thai kỳ.

1. Kỹ thuật siêu âm hình thái học là gì?

Siêu âm hình thái học là kỹ thuật siêu âm cho phép quan sát hình ảnh của thai nhi trong bụng người mẹ, bao gồm cả hình dáng bên ngoài và các cơ quan nội tạng bên trong, qua đó giúp theo dõi sự hình thành và phát triển của thai nhi, đồng thời phát hiện một số dị tật (nếu có).


Siêu âm hình thái học giúp phát hiện dị tật thai nhi (nếu có)
Siêu âm hình thái học giúp phát hiện dị tật thai nhi (nếu có)

2. Ý nghĩa của kỹ thuật siêu âm hình thái học

Siêu âm nói chung và siêu âm hình thái học nói riêng có ý nghĩa rất lớn trong mỗi đợt khám thai định kỳ, cụ thể:

  • Theo dõi và ghi lại chuyển động thai nhi và hình thái của thai nhi trong bụng mẹ.
  • Phát hiện những bất thường nếu có của thai nhi.
  • Dự báo ngày dự sinh.

Trắc nghiệm: Xét nghiệm Triple test là gì? Cần thực hiện khi nào?

Triple test và một trong những xét nghiệm sàng lọc trước sinh quan trọng nhất trong thai kỳ, giúp chẩn đoán nguy cơ dị tật thai nhi, là cơ sở để các bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm sàng lọc xâm lấn như chọc ối, sinh thiết gai nhau. Theo dõi bài viết sau để biết Triple test là gì và nên thực hiện khi nào?

3. Mẹ bầu có thể thực hiện siêu âm hình thái học tuần bao nhiêu?

Siêu âm hình thái thai nhi có thể được thực hiện trong khoảng thời gian từ tuần thứ 20 - 24 của thai kỳ. Đây được xem là thời điểm vàng và bắt buộc thực hiện để đánh giá về mặt cấu trúc và hình thái của thai nhi, tầm soát dị tật nếu có.

Lúc này, siêu âm hình thái cho phép quan sát hình thái bên ngoài, cấu trúc các cơ quan bên trong. Siêu âm cũng cho phép nghe được tim thai. Thông qua các chỉ số sinh học và kích thước, các bác sĩ có thể đưa ra đánh giá thai nhi có phát triển bình thường theo tuổi thai không. So với những tuần tiếp theo của thai kỳ, đây là thời điểm thuận lợi vì thai nhi đã phát triển và hoàn thiện các bộ phận trong và ngoài cơ thể. Siêu âm cũng cho thấy những bất thường nếu có, từ đó tư vấn và hướng dẫn thai phụ theo dõi, chăm sóc thai kỳ phù hợp và tốt nhất.


20 -24 tuần tuổi được xem là thời điểm vàng để siêu âm hình thái thai nhi
20 -24 tuần tuổi được xem là thời điểm vàng để siêu âm hình thái thai nhi

4. Kết quả siêu âm hình thái học

Khi thực hiện siêu âm hình thái trong khoảng thời gian từ 20 - 24 tuần, bác sĩ sẽ lần lượt kiểm tra từ trên đầu xuống dưới chân, từ ngoài vào trong để chẩn đoán đầy đủ sự phát triển của thai nhi. Kết quả siêu âm hình thái bao gồm các quan sát và chỉ số sau:

  • Đầu: Hình ảnh của xương vòm sọ, số đo chu vi và đường kính vòng đầu, cấu trúc não, phần mặt phát triển đầy đủ 2 hốc mắt, mũi, miệng và cằm. Siêu âm giúp chẩn đoán những dị tật nếu có ở phần đầu và mặt bao gồm bất thường về hình thái và cấu trúc não, sứt môi, vòm miệng có khe hở, mũi vòi voi, khối u ở vòm mặt.
  • Cột sống: Siêu âm hình thái ở tuần thứ 22 của thai kỳ cho phép kiểm tra những bất thường ở cột sống như thoát vị cột sống, chẻ đôi đốt sống thể hở.
  • Ngực: Hình ảnh và vị trí, kích thước của tim thai như nằm bên trái ngực, có 4 buồng với 2 tâm nhĩ trên, 2 tâm thất dưới. Hình ảnh những mạch máu lớn ở ngực bao gồm động mạch chủ và động mạch phổi. Siêu âm giúp chẩn đoán những dị tật nếu có ở tim và phổi bao gồm những bất thường về kích thước của buồng tim, động mạch chủ, động mạch phổi, khối u ở tim, giãn tim toàn bộ, tràn dịch màng phổi,...
  • Bụng: Siêu âm hình thái cho thấy hình ảnh và cấu trúc của cơ hoành, dạ dày, thận và bàng quang, số đo vòng bụng. Siêu âm giúp chẩn đoán những dị tật nếu có như teo thực quản, tắc tá tràng, tắc ruột non, tắc đại tràng, dị tật hậu môn trực tràng, thoát vị rốn, khe hở thành bụng, dị tật bàng quang, không có thận, ứ đài bể thận, thận đa nang, ...
  • Tay, chân: Hình ảnh tứ chi bao gồm 2 tay, 2 chân có đầy đủ 5 ngón tay, 5 ngón chân và 3 đoạn ở mỗi chi, bàn chân phải vuông góc với cẳng chân, số đo chiều dài của xương đùi. Siêu âm giúp chẩn đoán những dị tật nếu có ở tay chân như lùn, ngắn, vẹo, thiếu hoặc thừa ngón trên bàn tay, bàn chân.

Ngoài các hình thái và cấu trúc của cơ quan, bộ phận nêu trên, siêu âm hình thái trong khoảng thời gian từ 20 - 24 tuần của thai kỳ cũng đánh giá những phần phụ bao gồm:

  • Bánh rau: Vị trí của bánh rau thấp hay cao (trước hoặc sau tuần thứ 20 của thai kỳ). Siêu âm giúp chẩn đoán những dị tật ở bánh rau như khối u rau, bánh rau phụ, nhau tiền đạo, bánh rau dày, nhau bám thấp, ...
  • Dây rốn: Dây rốn có đầy đủ 3 mạch máu gồm 2 động mạch và 1 tĩnh mạch.
  • Nước ối: Siêu âm đánh giá màu sắc và lượng nước ối thông qua chỉ số ối. Siêu âm cũng giúp chẩn đoán những bất thường về nước ối như thiểu ối, đa ối, vách ngăn màng ối.

Siêu âm hình thái đóng vai trò quan trọng trong kiểm tra sức khỏe thai kỳ, giúp chẩn đoán và phát hiện những dị tật, bất thường trong sự phát triển của thai nhi.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe