Phải làm gì để đỡ đau bụng kinh?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Đau bụng mỗi khi kỳ kinh nguyệt tới tháng là nỗi sợ hãi của rất nhiều chị em phụ nữ. không chỉ đau bụng mà còn kèm theo nhiều “nỗi đau” khác như đau lưng, đau nhức đùi, cơ thể mệt mỏi,... Vậy phải làm gì để đỡ đau bụng kinh? Bài viết sẽ gợi ý giúp chị em phụ nữ những cách đơn giản để mỗi khi “tới tháng” không còn là nỗi lo sợ nữa.

1. Vì sao đau bụng kinh lại xảy ra?

Trong thời gian có kinh nguyệt, các cơ của tử cung co lại và thư giãn để giúp loại bỏ lớp lót tích tụ gây ra triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng dưới âm ỉ. Đôi khi sẽ xảy ra hiện tượng chuột rút, đó là vì cơ bắp của bạn đang hoạt động.

Một số người khác còn có thể thấy bị buồn nôn, nôn mửa, đau đầu hoặc tiêu chảy hoặc táo bón.

Một số yếu tố khác có thể gây đau bụng kinh dữ dội hơn:

  • Ra nhiều máu
  • Dưới 20 tuổi hoặc mới có kinh, kinh nguyệt chưa ổn định
  • Cơ thể sản xuất quá mức hoặc nhạy cảm với prostaglandin, một loại hormone ảnh hưởng đến tử cung
  • Lạc nội mạc tử cung (mô tử cung phát triển bất thường)
  • Sử dụng biện pháp tránh thai.

2. Làm gì để đỡ đau bụng kinh?

  • Chườm ấm bụng

Chườm nóng vùng bụng và lưng dưới có thể giảm cơn đau âm ỉ khi tới tháng.

Có thể dùng bình nước ấm, đệm sưởi, hoặc dùng khăn nóng để chườm. Tắm bằng nước ấm cũng là cách giúp thư giãn cơ thể và giảm đau rất tốt.

  • Massage

Massage 5 phút mỗi ngày có thể thúc đẩy lưu lượng máu và giảm căng thẳng để giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Bắt đầu một vài ngày trước khi bạn dự kiến có kinh.

Những phụ nữ bắt đầu thoa một loại kem có hỗn hợp dầu hoa oải hương, cây xô thơm và cây kinh giới lên bụng sau kỳ kinh sẽ ít bị chuột rút hơn trong kỳ kinh tiếp theo. Các loại tinh dầu này có các hợp chất giảm đau.

  • Tránh một số loại thực phẩm

Trong thời kỳ kinh nguyệt, chị em nên tránh các loại thực phẩm gây đầy hơi và giữ nước. Một số thủ phạm lớn nhất cần tránh xa bao gồm:

  • Đồ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, đồ ăn nhanh như khoai tây chiên,...
  • Chất có cồn, kích thích như rượu, bia
  • Đồ uống có ga
  • Caffeine
  • Thức ăn mặn
  • Đồ ăn, hoa quả có tính axit cao
  • Bổ sung thực phẩm

Thực phẩm giàu protein, vitamin, chất xơ

Một chế độ ăn uống hướng tới việc giảm đau bụng kinh nên có nhiều thực phẩm tươi sống, rau củ giàu khoáng chất, vitamin, chất xơ. Nên bổ sung các thực phẩm sau:

  • Đu đủ rất giàu vitamin
  • Gạo lứt có chứa vitamin B-6, có thể làm giảm đầy hơi.
  • Quả óc chó, hạnh nhân và hạt bí ngô rất giàu mangan, giúp giảm bớt chứng chuột rút.
  • Dầu oliu, bông cải xanh giàu vitamin E.
  • Thịt gà, cá và các loại rau lá xanh sẽ giúp cung cấp sắt cho cơ thể khi bị mất đi nhiều máu trong thời kỳ kinh nguyệt.
  • Boron: Khoáng chất này giúp cơ thể hấp thụ canxi và phốt pho. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng boron làm giảm cường độ và độ dài của cơn đau kinh nguyệt. Thực phẩm có hàm lượng boron cao có thể kể tới như bơ, chuối, đậu, các sản phẩm từ đậu. Bạn cũng có thể bổ sung boron nếu chế độ ăn uống của bạn không cung cấp đủ. Tuy nhiên, bạn nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi bổ sung boron. Khoáng chất boron cũng rất có lợi cho não và xương.

Giảm hoặc cắt bỏ những thực phẩm kể trên khi tới tháng có thể giúp giảm bớt chuột rút và giảm căng thẳng. Thay vào đó, hãy uống cốc trà gừng ấm nóng hoặc trà bạc hà nhẹ nhàng (không chứa caffeine) hoặc nước nóng pha chanh.

Giảm đau bụng kinh
Chườm ấm có thể giúp bạn cải thiện cơn đau bụng kinh

Ăn socola

Nhâm nhi 1 chút socola sẽ giúp giảm cơn đau bụng kinh và tinh thần thoải mái hơn.

Cần uống đủ nước

Uống nước giúp cơ thể không giữ nước và tránh bị đầy hơi đau bụng trong kỳ kinh nguyệt. Nước ấm hoặc nước nóng thường tốt hơn cho chứng chuột rút, vì chất lỏng nóng làm tăng lưu lượng máu đến da và có thể làm giãn các cơ bị chuột rút.

Các loại thực phẩm nhiều nước nên ăn để tăng cường hydrat hóa, bao gồm: Dưa leo, dưa hấu, các loại quả mọng (bao gồm dâu tây, quả việt quất và quả mâm xôi).

  • Tập yoga

Tập Yoga có tác dụng giải phóng endorphin và giúp ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng kinh nguyệt.

Bắt đầu với một vài nhịp thở sâu trong khi nằm ngửa với đầu gối cong. Hãy thử các tư thế yoga như cây cầu và tư thế cây gậy, chúng sẽ giúp cơ thể được thư giãn.

  • Vận động

Nhiều phụ nữ cho rằng khi vận động sẽ giúp họ đổ mồ hôi từ đó giúp thư giãn cơ thể. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục có hiệu quả trong việc giảm đau bụng kinh ở mức độ có thể loại bỏ hoặc giảm nhu cầu dùng thuốc giảm đau.

Tập thể dục giải phóng các chất hóa học trong não gọi là endorphin sẽ giúp cảm thấy dễ chịu. Vì vậy, nếu có thể hãy tập luyện nhẹ nhàng bằng các hoạt động như đi bộ thay vì các hoạt động cần gắng sức.

  • Dùng thuốc không kê đơn

Thuốc chống viêm không steroid là loại thuốc giảm đau chủ yếu không kê đơn có thể sử dụng cho những trường hợp đau bụng kinh và ra máu kinh nhiều. Nhóm thuốc chống viêm steroid bao gồm ibuprofen (Advil) và naproxen (Aleve). Những loại thuốc này giúp giảm sản xuất prostaglandin trong cơ thể, từ đó có thể giúp giảm đau bụng khi tới kỳ hơn.

Giảm đau bụng kinh
Nếu không thể chịu đựng cơn đau bụng kinh, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn
  • Gặp bác sĩ

Đối với hầu hết phụ nữ, đau bụng khi tới tháng là bình thường, nhưng đôi khi chúng là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn. Vì vậy cần theo dõi mức độ xuất hiện cơn chuột rút để kiểm soát, đánh giá khi có bất thường. Hãy chủ động đi khám nếu:

  • Cơn đau liên tục ngăn cản bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày
  • Cơn đau bụng ngày càng nhiều, hoặc chảy máu nặng hơn, theo thời gian
  • Sử dụng thuốc giảm đau nhưng không thấy đỡ

Đối với những trường hợp nặng, cách để điều trị là đi khám để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng kinh. Một số hình thức kiểm soát sinh sản bác sỹ đưa ra sẽ giúp giữ mức độ hormone ở mức kiểm soát để giảm bớt đau đớn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan