Nguyên nhân khiến mẹ bầu mất ngủ trong thai kỳ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trong giai đoạn mang thai, hầu hết các mẹ bầu đều bị rối loạn về giấc ngủ, trong đó hiện tượng mất ngủ chiếm 90%. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những nguyên nhân khiến mẹ bầu mất ngủ trong thai kỳ.

Ở giai đoạn đầu của thai kỳ, thông thường các mẹ bầu sẽ ngủ nhiều hơn do sự thay đổi của cơ thể khi phải tăng cường độ huy động máu và oxy để tạo nhau thai nuôi dưỡng bào thai. Tuy nhiên, trong những tháng cuối thai kỳ, hầu hết các mẹ bầu đều gặp phải chứng mất ngủ. Mất ngủ khi mang bầu có thể do những nguyên nhân sau:

1. Tâm trạng lo âu, căng thẳng gây mất ngủ trong thai kỳ

Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu xuất hiện hormone thai kỳ (hay còn gọi là progesterone) khiến tâm trạng người mẹ trở nên nhạy cảm, dễ cảm thấy lo âu hay tức giận vì những chuyện nhỏ nhặt. Ngoài ra, những lo lắng về sự phát triển của con, những kế hoạch sau khi sinh con, các mối quan hệ gia đình - xã hội cũng có thể ảnh hưởng tới tâm lý của mẹ bầu, từ đó dẫn đến chứng mất ngủ khi mang bầu.

Vì vậy, phụ nữ trong thời gian mang thai nên chú ý giữ tâm trạng thoải mái, thư giãn. Trong trường hợp cảm thấy không vui vì vấn đề gì đó thì nên tâm sự, chia sẻ với bạn bè và gia đình để được giải tỏa.

2. Vấn đề về tiêu hóa

Càng về những tháng cuối thai kỳ, việc thai nhi ngày càng phát triển khiến dạ dày bị chèn ép, khiến cho thức ăn bị đẩy ngược lên thực quản. Thêm nữa, trong thời gian thai kỳ, hệ tiêu hóa của người mẹ cũng hoạt động kém hơn dẫn đến tình trạng thức ăn bị ứ đọng tại dạ dày lâu, gây ra các triệu chứng khó tiêu, ợ nóng, táo bón.

Ngoài ra, do bổ sung quá nhiều dưỡng chất trong thời gian mang thai khiến cho cơ thể mẹ bầu không hấp thụ hết chất dinh dưỡng gây tồn đọng, cùng với sự thay đổi hormone khi mang thai kết hợp với những vấn đề về tiêu hóa nói trên khiến cho người mẹ xuất hiện chứng khó ngủ, ngủ không sâu, mất ngủ.

Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ chất và đúng giờ sẽ giúp cải thiện các vấn đề tiêu hóa khiến cho mẹ bầu có giấc ngủ ngon hơn. Uống một cốc sữa nóng trước khi đi ngủ là một ý tưởng không tồi đối với các mẹ bầu hay bị mất ngủ.

3. Vấn đề về hô hấp

Trong giai đoạn đầu thai kỳ, việc thay đổi hormone khiến hơi thở của người mẹ trở nên chậm và sâu, dẫn đến cảm giác hít thở khó khăn. Bước sang những giai đoạn sau, khi dạ con xâm lấn và chèn ép cơ hoành, cản trở hoạt động của cơ hoành khiến thai phụ càng cảm thấy khó thở hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mẹ bầu cần phải thở nhiều hơn để lấy đủ oxy cung cấp cho cơ thể. Theo thống kê, dung tích thở của phụ nữ có thể tăng 40% trong quá trình mang thai, nhưng lượng oxy chỉ tăng 20%, chứng tỏ người mẹ thở ra carbon dioxide nhiều hơn bình thường. Hàm lượng carbon dioxide trong máu thấp khiến cho mẹ bầu cảm thấy cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống trong đó có giấc ngủ.

4. Thai nhi phát triển ngày một lớn

Sự phát triển của thai nhi ngày càng lớn khiến cho người mẹ khó tìm được tư thế ngủ thoải mái mà vẫn an toàn cho trẻ, dẫn đến chứng mất ngủ trong thai kỳ.

Các chuyên gia khuyến cáo nằm nghiêng bên trái là tư thế phù hợp nhất cho mẹ bầu. Ngoài ra, có thể sử dụng gối chuyên dụng dành cho bà bầu để cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Bà bầu
Thai nhi ngày càng lớn khiến cho người mẹ khó tìm được tư thế ngủ thoải mái, dẫn đến chứng mất ngủ trong thai kỳ.

5. Nhịp tim tăng

Trong quá trình mang thai, tim phải làm việc nhiều hơn bình thường để bơm máu tới tử cung. Đây cũng là một nguyên nhân gây mất ngủ khi mang thai.

6. Thường xuyên tiểu đêm và hàm lượng Urê tăng

Trong suốt thời gian thai kỳ, thận phải làm việc nhiều hơn 30 – 50% so với bình thường, dẫn đến hàm lượng Urê tăng cao và bàng quang chứa nhiều nước tiểu hơn. Ngoài ra, khi tử cung phát triển lớn chèn ép bàng quang gây khó chịu và phải tiểu tiện thường xuyên, kể cả ban đêm dẫn đến hiện tượng mất ngủ, ngủ không sâu ở phụ nữ mang thai.

7. Chuột rút và đau lưng

Chuột rút thường xuất hiện đột ngột ở đùi, bắp chân rồi chuyển hóa thành những cơn đau khi mang thai khiến cho giấc ngủ của mẹ bầu bị gián đoạn. Hiện tượng này thường diễn ra trong những tháng cuối thai kỳ.

Một nguyên nhân khác cũng dễ gây mất ngủ ở mẹ bầu là do khi bụng ngày càng lớn, chân và lưng phải chịu sức nặng của cơ thể dẫn đến tình trạng đau lưng khi mang thai.

Bà bầu bị đau lưng - Làm sao cho hết đau
Đau lưng khi mang thai cũng có thể gây mất ngủ khi mang thai.

8. Ốm nghén

Những tháng đầu mang thai, hầu hết mẹ bầu đều xuất hiện triệu chứng ốm nghén như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn,... Việc cơ thể không thoải mái cũng là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ ở mẹ bầu.

9. Thiếu vitamin B

Cơ thể thiếu vitamin B có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ, ngủ không ngon giấc ở phụ nữ mang thai. Mẹ bầu cần chú ý bổ sung vitamin B trong cơ thể; tuy nhiên nên uống vào sáng sớm, tránh uống vào buổi tối trong trường hợp bổ sung bằng liều uống.

Thông thường, một ngày con người dành ra 1/3 thời gian để ngủ, vì vậy giấc ngủ là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, các mẹ bầu cần chú ý xây dựng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý để cải thiện giấc ngủ trong quá trình mang thai, tránh gây hại tới sức khỏe của mẹ và bé.

Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường trong thai kỳ, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa. Bác sĩ từng có thời gian giảng dạy trường Cao đẳng Y Hải Phòng, Đại học Y Hải Phòng và công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng trước khi là Bác sĩ Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan