Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Trong quá trình mang thai, không bà bầu nào muốn mình rơi vào nguy cơ sẩy thai. Tuy nhiên, ngay cả những sản phụ khỏe mạnh và mang thai đủ tháng cũng cần có kiến thức về dấu hiệu của sẩy thai để đảm bảo sự sống còn của thai nhi và sức khỏe của người mẹ. Vậy, sản phụ cần làm gì khi có những dấu hiệu của sẩy thai?
1. Sẩy thai là gì?
Sẩy thai là hiện tượng thai bị tống xuất ra khỏi buồng tử cung trước khi thai có thể sống độc lập bên ngoài tử cung. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sẩy thai khi thai bị tống xuất khỏi buồng tử cung trước tuần thứ 22 của thai kỳ, trọng lượng thai thường nhỏ hơn 500 gram.
Sẩy thai tự nhiên diễn ra qua hai giai đoạn: dọa sẩy thai và sẩy thai. Thai phụ cần nắm rõ các dấu hiệu để có thái độ xử trí phù hợp với mỗi giai đoạn.
2. Dấu hiệu của dọa sẩy thai
- Thai phụ có thai dưới 22 tuần, có dấu hiệu ra máu âm đạo (có thể máu đỏ tươi hoặc ít nhầy hồng, có khi ra máu đỏ sậm hay đen, máu ra ít một, liên tiếp.
- Đau bụng: thường không đau bụng nhiều, chỉ có cảm giác tức nặng bụng dưới hay đau âm ỉ vùng hạ vị.
- Bác sĩ khám thấy cổ tử cung còn dài kín.
- Siêu âm: có thai trong buồng tử cung, có tim thai (đối với thai >7 tuần), có hoặc không dấu hiệu bóc tách của nhau thai.
Đối với trường hợp thai phụ có những dấu hiệu như vậy, cần sắp xếp đến khám tại phòng khám chuyên khoa Sản để được thăm khám và xử trí kịp thời.
3. Dấu hiệu của sẩy thai
Sẽ rất đáng buồn khi một người phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ sẩy thai. Dù không mong muốn điều đó xảy ra, người mang thai cũng nên nhận biết những dấu hiệu sau để kịp thời cấp cứu:
- Người mang thai ra máu nhiều. Có thể chảy máu đỏ tươi, hoặc máu thành khối, màu sậm hoặc đen, hoặc hảy dịch hồng nhớt lượng nhiều. Có khi chảy dịch trong nhiều như nước tiểu. Dịch chảy ra có mô nghi là phôi thai.
- Đau vùng bụng dưới và đau lưng. Vùng bụng dưới bị co thắt mạnh, từng cơn, cảm giác mót rặn.
- Sốt hoặc ớn lạnh, cảm giác mệt, vã mồ hôi.
- Mất dấu hiệu mang thai như đau ngực, buồn nôn (mặc dù thực tế là những dấu hiệu này cũng sẽ mất đi khi thai được 10 đến 14 tuần tuổi)
- Bác sĩ khám âm đạo thấy cổ tử cung đã xóa, mở có thể thấy khối thai, nhau thai trong âm đạo. Cổ tử cung hình con quay vì lỗ trong và phần trên cổ tử cung đã giãn, phình to do thai xuống thấp.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp người mang thai không có triệu chứng gì trước khi sẩy thai, nhất là với những thai còn rất nhỏ, thai phụ chỉ thấy ra máu âm đạo rất ít. Một số trường hợp ghi nhận thai phụ có tâm trạng buồn bã, khó chịu hoặc có vị lạ trong miệng trước khi có những triệu chứng sẩy thai rõ ràng hơn.
Vùng bụng dưới bị co thắt mạnh, từng cơn, cảm giác mót rặn là một trong những dấu hiệu của sẩy thai
5. Sau khi sẩy thai, thai phụ cần làm gì?
Phụ thuộc vào tình trạng sẩy thai mà các bác sĩ sẽ đưa ra xử trí cho thai phụ.
- Nếu thai phụ đang sẩy thai mà rau và thai đã thập thò ở cổ tử cung thì bác sĩ sẽ tiến hành gắp thai ra khỏi tử cung hoàn toàn. Sau đó bác sĩ sẽ dùng thuốc và các biện pháp phù hợp để đề phòng chảy máu, kiểm soát buồng tử cung sạch sẽ.
- Nếu thai phụ sảy thai hoàn toàn bác sĩ sẽ kiểm tra buồng tử cung đã sạch hay chưa. Nếu buồng tử cung vẫn còn sót rau phải tiến hành nạo hút buồng tử cung và tái khám để kiểm tra.
- Cũng có trường hợp được chỉ định đợi các mô tự đẩy ra khỏi cơ thể. Thời gian kéo dài khoảng một tháng.
Quan trọng hơn hết là thai phụ cần cho mình thời gian hồi phục sức khỏe và tinh thần sau khi bị sẩy thai. Để bảo đảm an toàn, bạn cần có biện pháp tránh thai (phương pháp tốt nhất là dùng bao cao su hoặc thuốc tránh thai hàng ngày) trước khi thể trạng trở lại bình thường. Không quan hệ tình dục và giữ vệ sinh sạch sẽ vùng âm hộ, tầng sinh môn khoảng hai tuần để các mô âm đạo hồi phục.
Về mặt tinh thần, phụ nữ bị sẩy thai sẽ có tâm trạng vô cùng đau buồn, mất mát. Gia đình, bạn bè cần an ủi, động viên họ. Sẩy thai không có nghĩa là bạn sẽ không thể có con. Hãy tìm đến cộng đồng, những nhóm hỗ trợ tâm lý để cân bằng cảm xúc và lấy lại nhịp sống bình thường.
Mặt khác, phụ nữ sau khi sẩy thai nên lưu ý giảm thiểu tối đa nguy cơ sẩy thai trong tương lai bằng lối sống lành mạnh, tích cực:
- Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, rượu bia
- Giữ cân nặng ổn định, không để thừa cân hoặc thiếu cân
- Tránh tiếp xúc các chất độc hại từ môi trường
- Những người mắc bệnh tiểu đường, có các vấn đề liên quan đến dạ con, cổ tử cung hoặc ngoài 35 tuổi, thai phụ sẩy thai liên tiếp (hơn 2 lần) vẫn có nguy cơ sẩy thai tương đối cao trong tương lai, vì vậy cần đến khám thai sớm ngay khi có dấu diệu có thai (chậm kinh, nghén).
Kiến thức về dấu hiệu của sẩy thai cũng như phương pháp điều trị là những kiến thức về sức khỏe sinh sản mà bất kỳ ai đều cần phải tìm hiểu. Những thai phụ đang trong thời kì đầu của thai kỳ hay cuối thai kì đầu phải thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe thai nhi và nhận biết các dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Sảy thai là biến chứng không sản phụ nào mong muốn vậy nên nhận biết sớm các dấu hiệu, nguy cơ sảy thai là điều mà các sản phụ nên biết để phòng tránh và phối hợp với bác sĩ để đưa ra phác đồ điều trị. Trong trường hợp phải xử lý thai thì sẽ có cách xử lý khoa học với từng hình thái sảy thai, giảm thiểu nguy cơ cho người mẹ. Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.