Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Sáng - Bác sĩ Da liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Giang mai là một trong những bệnh thường gặp lây nhiễm qua đường tình dục. Xét nghiệm TPHA là một phương pháp cận lâm sàng chuyên biệt, đặc hiệu để xác định bệnh. Tìm hiểu những thông tin về xét nghiệm này sẽ giúp chúng ta có kiến thức đúng đắn trong nhận định kết quả chẩn đoán bệnh giang mai.
1. Xét nghiệm TPHA là làm những gì?
Bệnh giang mai là một trong các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn. Tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn Treponema pallidum.
Bệnh giang mai có 2 trạng thái bệnh đó là:
1- Giang mai có biểu hiện lâm sàng.
2- Giang mai không có biểu hiện lâm sàng, hay còn gọi là giang mai tiềm ẩn, (giang mai kín)
Hình ảnh lâm sàng của bệnh giang mai rất đa dạng, phong phú tùy theo từng giai đoạn của bệnh, nổi các hồng ban, sẩn, cục, và những sang thương da, niêm mạc trên cơ quan sinh dục ngoài, kèm nổi hạch ngoại vi. Và có thể không có triệu chứng lâm sàng gì cả, gọi là giangtiềm ẩn, giang mai kín, chỉ khi xét nghiệm máu mới phát hiện bệnh.
Để chẩn đoán bệnh giang mai, ngoài cách tìm trực tiếp xoắn khuẩn trong bệnh phẩm là dịch tiết từ săng, mảng niêm mạc, sẩn, hạch, soi dưới kính hiển vi nền đen, miễn dịch huỳnh quang, tìm gián tiếp qua các xét nghiệm máu. Xét nghiệm TPHA (Treponema Pallidum Hemagglutination Assay) là một kỹ thuật thường dùng để tìm phản ứng đặc hiệu xác định có hiện diện xoắn khuẩn giang mai trong bệnh phẩm người bệnh qua xét nghiệm máu.
1.1. Mục đích của xét nghiệm TPHA
Mục đích của xét nghiệm TPHA là phát hiện sự hiện diện của kháng thể kháng xoắn khuẩn giang mai trong huyết tương của người bệnh bị giang mai. Cùng với những biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm góp phần chẩn đoán bệnh.
1.2. Nguyên lý của xét nghiệm TPHA
Khi có sự hiện diện của vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, hàng rào miễn dịch trong máu sẽ kích hoạt bao vây, tiêu diệt tác nhân; đồng thời tạo phản ứng sinh ra kháng thể. Kháng thể tạo ra tương ứng sẽ ngưng kết, trung hòa kháng nguyên, hạn chế sự lây lan. Dựa trên nguyên lý này, bộ xét nghiệm TPHA được thiết kế đã có sẵn các tế bào (hồng cầu) đã được gắn kháng nguyên xoắn khuẩn giang mai, khi cho tiếp xúc huyết thanh (huyết tương) của người bệnh giang mai sẽ xảy ra phản ứng ngưng kết.
2. Các bước tiến hành xét nghiệm TPHA
Xét nghiệm này cần được tiến hành trong phòng xét nghiệm vi sinh và được thực hiện bởi cán bộ xét nghiệm đã được đào tạo và có chứng chỉ hoặc chứng nhận về chuyên ngành Vi sinh. Người nhận định và phê duyệt kết quả phải là trưởng khoa hay phó khoa xét nghiệm và đòi hỏi có trình độ đại học trở lên.
Phương tiện, hóa chất cần có là bộ kít xét nghiệm chuyên biệt TPHA của nhà sản xuất (Bộ sinh phẩm Atlas TPHA test kit) và các trang thiết bị thường dùng trong phòng xét nghiệm như máy lắc, máy ly tâm, ống hút micropipette,..., các dụng cụ lấy máu như bông gòn, cồn, bơm kim tiêm, dây garô cũng như các dụng cụ bảo hộ cần thiết là găng tay, khẩu trang, dung dịch khử trùng.
Xét nghiệm phản ứng TPHA gồm có xét nghiệm định tính và định lượng. Xét nghiệm định tính TPHA thực hiện nhanh, giúp nhận biết có nhiễm (dương tính) hay không nhiễm (âm tính), trong khi xét nghiệm định lượng cần phải thực hiện thêm nhiều giai đoạn nữa để biết phản ứng dương tính với nồng độ cao hay thấp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.